Cầu Long Biên mà biết nói năng…

(Dân trí) - Bài viết của KTS Trần Huy Ánh gợi mở thêm nhiều điều cho cuộc tranh luận trong dân về “số phận” cây cầu Long Biên. Tình yêu dành cho một minh chứng lịch sử càng được dịp thể hiện đậm nét, sâu sắc hơn qua đại đa số bình luận của độc giả Dân trí.

 
Cầu Long Biên mà biết nói năng…
Những người thợ rèn làng Hòe Thị làm nên hệ thống lan can cầu Long Biên sau đó trở thành những những doanh nhân ngành cơ khí, lập nghiệp trên phố Lò Rèn. Những chi tiết lan can cầu Long Biên sau đó cũng biến thể thành các lan can nhà mặt phố, được cách tân thành các tác phẩm tạo hình kim loại trên các khung cửa phố phường Hà Nội (bản vẽ của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế)  
 

Ôn cổ tri tân

 

Người gắn bó với Hà Nội (HN) yêu quý cây cầu Long Biên – một biểu tượng của Thủ đô đã đành. Người ở xa hướng về Thủ đô càng không thể không nhắc tới những hình ảnh đã ăn sâu vào tâm thức của mình như HN 36 phố phường,  Hồ Gươm, Tháp Rùa, cầu Thê Húc, chùa Một Cột, cầu Long Biên... với bao xúc cảm và nỗi nhớ thương.

 

“Hiếm có thủ đô nước nào trên thế giới còn lại 1 cây cầu được xây từ năm 1902 với chỉ thuần túy bằng sức người thợ VN. Theo tôi, cầu Long Biên có thể coi như Kim Tự Tháp Ai Cập vậy và đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó. Mọi người hãy cùng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống nhé!” - Imhotep: imhotepmaster71@gmail.com

 

“Tôi cũng là người dân của Long Biên, kỷ niệm về cây cầu cũng khắc sâu trong tôi. Chưa nói đến nó là một minh chứng lịch sử hào hùng và là biểu tượng không chỉ riêng của HN mà là của chung VN. Người dân các nước biết đến VN qua ảnh có lẽ cũng chỉ qua những Tháp Rùa, cầu Long Biên, Lăng Bác… Thế nên theo xu thế chung của HN và tôi tin chắc mọi người dân HN cũng ủng hộ, đó là không nên chuyển cầu đi chỗ khác. Cũng như Tháp Rùa nên đại tu và sử dụng cũng như với Tháp nghiêng của Ý…Tuy tốn kém nhưng giữ gìn được cầu và vẫn sử dụng được. Không nên để cầu Long Biên là bảo tàng, chỉ cái hồn của cầu được sử dụng....Theo tôi, các nhà tư vấn nếu chuyển cầu thì nên quay lại như những năm tôn tạo Tháp Rùa đi. Tuy không còn nét cổ kính, nhưng Tháp Rùa bây giờ vẫn là biểu tượng của HN. Chứ nếu thêm một Tháp Rùa mới thì sao, các bạn nhỉ? Buồn cười quá! Tôi vẫn tin HN còn nhiều người tâm huyết lắm” - Bùi Chính:  bchinh@gmail.com

 

“HN là một trong số rất ít thành phố trên thế giới có đủ cả điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử để có thể quy hoạch, xây dựng thành một thành phố đẹp. Nhưng rất tiếc là tôi thấy nhận thức và cách thức quản lý của nhiều thế hệ gần đây đã, đang và như đề án về cầu Long Biên nêu trên không biết sẽ còn làm hại tương lai của HN đến như thế nào? Buồn thay!” - Tran Anh:  rubylight64@gmail.com

 

“Cầu Long Biên là một hiện vật khổng lồ trong bộ sư tập lịch sử - văn hóa đô thị HN, có thể và cần thiết trở thành cây cầu kết nối quá khứ và tương lai. Cảm ơn bài viết phản biện của KTS Trần Huy Ánh. Bài viết hay” - Đặng Minh Ngọc: saudang74@gmail.com

 

“Rất cần lưu lại hình ảnh cây cầu Long Biên cũ đúng nghĩa của nó. Không nên di chuyển mà nên để cầu "du lịch, nội đô" như bài báo đã nêu. Ai đã từng sống và đi qua cầu Long Biên mới thấy luyến tiếc nếu di dời đi chỗ khác, nếu sau này "phục chế" càng không thể được!” - Hồ Quang:  quang@yahoo.com
 
Ôtô ray chạy trên nền đường sắt qua cầu Long Biên Hà Nội hồi đầu thế kỷ XX
Ôtô ray chạy trên nền đường sắt qua cầu Long Biên Hà Nội hồi đầu thế kỷ XX
 
Lợi bất cập hại
 

Nguyện vọng chung của dân là như vậy, nhưng bao bài học cay đắng vẫn đã, đang và chắc sẽ còn xảy ra khiến dư luận không thể an tâm trước những lập luận được đưa ra để củng cố cho ý tưởng “di dời”. Vậy nên phản ứng là một chuyện, các phương án khác vẫn cần được cân nhắc phòng khi…

 

“Thật là xót lòng! Những người nghĩ ra đề án này chắc… chưa từng gắn bó lâu năm với HN? Nếu các vị biết được không gian sống của HN những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỉ 20, để mà biết tiếng leng leng tàu điện còn tồn tại đến lúc đó và hiện nay là… không còn vết tích để phục vụ cho số dân nhập cư đông đảo khiến HN vốn chật chội trở nên quá tải, vượt quá ngưỡng của sự hài hòa cho cuộc sống của một thành phố cổ kính. Ở nước ngoài người ta thiếu gì tiền và đầu óc quy hoạch để đập cái cũ đi, xây cái mới như "tối kiến" theo một số bạn bình luận là: không nên giữ cái cũ lại, mà làm cái mới để 100 năm nữa nó cũng sẽ thành đồ cổ? Đừng làm cái quy hoạch cầu thiếu lương tâm và cũng thiếu tầm nhìn chiến lược cho hiện tại và cả thế hệ mai sau như vậy.
 
Nước ngoài vì sao họ mất công mất sức để bảo tồn các công trình kiến trúc cổ của họ? Thử liên lạc để tham khảo ý kiến của họ xem vì sao họ làm như thế đi. Còn nói về trục lợi kinh tế thì không ai là không biết tình trạng… thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi? Đúng là tiền dân, tiền nước, nghĩ mà xót ruột!!! Ở ngay trong nước thôi, sao các vị không nhìn TP Huế vừa xây bao nhiêu cây cầu mới bắc qua sông Hương. Cả TP Đà Nẵng nữa, họ cũng mới hoàn thành rất nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn. Chẳng lẽ HN thiếu tiền so với các địa phương nên mới nghĩ ra các… tối kiến chắp vá như vậy. Giá như cầu Long Biên… mà biết nói năng nhỉ!" - RoseHN:  rosew@gmail.com

 

“Chắc chỉ mấy ông làm quy hoạch, làm chính sách ở VN mới không thấy được lợi ích từ cây cầu này đem lại? Còn đa số người dân thì thấy hết. Đây là nguồn thu gấp rất nhiều lần và lâu dài hơn bất kể phương án nào đòi di dời cây cầu. Các ông khi ra nước ngoài có thấy các nước họ kiếm tiền từ các di tích nhiều như thế nào không…Tức quá!” - Hùng:  hungsh7@gmail.com

 

“Bản thân tôi thấy phương án 2 là khá ổn thỏa, vì cái gì cũng có hạn sử dụng của nó. Cầu Long Biên đã xây dựng được hơn 100 năm, lại phải trải qua 2 cuộc chiến tranh lịch sử. Thế nên dựng lại theo mẫu cũ, tại vị trí cũ, tôi nghĩ vẫn là cầu Long Biên thôi” - Lương:  taluong.gaxu@gmail.com

 

“Nên giữ cầu Long Biên ở vị trí cũ. Tu bổ lại và giảm tải sử dụng, coi đó là 1 di tích lịch sử (như cầu Hiền Lương qua sông Bến Hải).Xây dựng cầu mới hiện đại hơn ở vị trí gần đó” - Huy Phạm:  huydieutri@yahoo.com.vn

 

“Khoảng cách  85m cách cầu cũ là quá gần, mất tầm nhìn, mất tỷ lệ xích. Nên tham khảo giới kiến trúc hoặc mở cuộc thi quốc tế tìm giải pháp tốt nhất” - Hoang Long:  Zhome24@gmail.com 

 

“Theo tôi, cả 3 phương án đều có những điểm chưa ổn mà khó có thể được chấp nhận. Vậy nên, tôi đề xuất phương án khác là xây đường hầm qua sông Hồng” - Bùi Quang Thành: quangthanh0086@gmail.com

 

“Tôi đồng ý với KTS Ánh: giữ nguyên cầu cũ và phải trùng tu lại như cũ. Chính vì nó cũ nên nó làm ra tiền nhiều lắm đấy, nhưng có lẽ chỉ các giới chức hiện thời không biết tận dụng để nó làm ra tiền thôi? Hãy xem Thiên An Môn,Vạn lý trường thành, Di hòa viên ở Bắc Kinh… Cung điện mùa Hè, cung điện mùa Đông ở Nga. Đấu trường, các nhà thờ ở Rome (Ý)… xem mỗi ngày có bao nhiêu người tới tham quan, đem lại bao nhiêu tiền cho quốc gia…” - Đặng Xuân Hồi:  hoixuandang@gmail.com

 

“Trước đây, vì phải phục vụ lòng hồ nên UBND tỉnh Hòa Bình đã phải di dời tảng đá khắc lưu bút tích của Lê Lợi trên bờ sông Đà. Đó là "cực chẳng đã" mà thôi, bởi không thể có phương án nào khác. Nay phương án "bứng" cầu Long Biên không thể coi là tối ưu, vì người ta đâu chỉ cần ngắm cái "giả cổ" của cây cầu lịch sử này? Người ta còn cần biết đến sự đắc địa của người sinh ra nó, vẻ đẹp vốn có của nó, tức là cần sự nguyên bản của nó. Xin hãy tính toán kĩ vì dù "nối" hay "bứng" cũng sẽ là giết chết vĩnh cửu linh hồn cây cầu. Nên làm một cây cầu khác và không liên quan đến cây cầu cổ  kính này, để còn có cơ hội trùng tu sau này” – Nguyen Bao:  baonoitru@gmail.com

 
Dư luận chung cảnh báo: Lợi bất cập hại, nhưng vẫn phòng xa khi ước rằng "cây cầu mà biết nói năng..."
 

Khánh Tùng 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm