Cần đổi mới tư duy trong công tác cán bộ

(Dân trí) - Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước, công tác cán bộ cần đổi mới để có đội cán bộ, công chức vừa có trình độ chuyên môn tốt vừa có phẩm chất, đạo đức đáng tin cậy.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Yếu tố con người không phải là nguyên nhân duy nhất của sự hưng thịnh, trường tồn của chế độ, của quốc gia, nhưng nó là nguyên nhân trực tiếp có ý nghĩa quyết định  vận mệnh đó.

 

Ở một số địa phương trong cả nước, thời gian qua đã ban hành một số quy định về tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, trong đó có một số địa phương quy định chỉ tuyển dụng những người đã tốt nghiệp đại học chính quy, không tuyển dụng người có trình độ đại học tại chức, dân lập vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Vấn đề này đã nhận được rất nhiều luồng ý kiến khác nhau của cán bộ, công chức và người dân.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tuy nhiên, trong công tác cán bộ, ngoài việc phải xây dựng một tiêu chuẩn  chung đối với cán bộ, công chức thì trong việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức cần phải xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chứ không riêng gì bằng cấp; nhất là phải xem hiệu quả công việc là một yếu tố quan trọng để đánh giá cán bộ, nếu không thì mọi sự so sánh sẽ trở nên khập khiểng và hình thức, không chuẩn xác và không thấu tình, đạt lý. Chính vì vậy, trong công tác cán bộ không thể lấy cái đa số để có một quyết định mang tính tuyệt đối. Bởi vì mỗi một cán bộ không giống nhau hoàn toàn về nhận thức, về trình độ cũng như hoàn cảnh và quá trình học tập, phấn đấu. Một quyết định không tính đến nhiều yếu tố sẽ loại cả những người có tâm huyết, có thâm niên lâu năm, có năng lực công tác tiếp tục cống hiến chỉ vì lý do là học tại chức hay tốt nghiệp ĐH dân lập. Đây cũng là vấn đề đã được thể hiện trong chính sách về cán bộ mà Đảng ta đã khẳng định: “ không đánh giá, sử dụng cán bộ một cách cảm tính, chủ quan. Mọi phẩm giá và bằng cấp, danh hiệu và chức vụ, tài năng và cống hiến đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn”.

 

Trở lại với vấn đề học chính quy và tại chức hay dân lập, chúng ta phải thừa nhận rằng con người – không một ai có sẵn sự hoàn thiện về học thức cũng như phẩm chất và năng lực chuyên môn. Ai cũng có những mặt ưu điểm và nhược điểm, và chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh nhất định. Người học tại chức không được học đầy đủ kiến thức như học chính quy. Nhưng nhược điểm đó không phải là tất cả, càng không phải học tại chức thì đều “ dốt”, họ chỉ “ hạn chế” về một số lĩnh vực mà người học chính quy có điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất-kỹ thuật và có thời gian tập trung học tập. Nhưng nếu học tại chức học đúng ngành mình đương làm thì họ lại có kinh nghiệm thực tế. Còn học ĐH dân lập thì không phải trường nào cũng yếu hơn công lập mà tùy trường cụ thể, thậm chí có trường còn đào tạo tốt hơn công lập.

 

Về lý thuyết, chúng ta có thể thấy rằng, phần lớn những người học đại học chính quy thì có kiến thức chuyên môn vững vàng hơn những người học tại chức hay dân lập. Bởi vì học chính quy thường có cơ sở vật chất kỹ thuật khá đầy đủ, cũng như đội ngũ giảng viên có trình độ tương đối bảo đảm, Tìm hiểu, phân tích kỹ và sâu một số vấn đề của chương trình học; học chính quy cũng có điều kiện về thời gian để nghiên cứu tài liệu hơn học tại chức. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là kiến thức về chuyên ngành, về một lĩnh vực mà học chính quy có được. Chưa nói đến một bộ phận sinh viên chính quy thiếu ý thức học tập nghiêm túc, thâm chí ham mê chơi bời, dẫn đến việc học sa sút, kiến thức có nhiều lỗ hổng, rồi xin điểm, chạy điểm…để cuối cùng vẫn có bằng đại học hệ chính quy.

 

Đối với học tại chức hay dân lập, mặc dù điều kiện về thời gian, giảng viên và cơ sở vật chất không bằng học chính quy, nhưng nếu người học xác định rõ mục tiêu học tập, phát huy cao ý thức tự học, biết tìm tòi và nghiên cứu thêm những tài liệu  liên quan đến chương trình học và biết liên hệ, tìm hiểu thêm qua thực tế công việc, thì cũng hoàn thành tốt chương trình học và khi tốt nghiệp chưa chắc đã kém trình độ người học hệ chính quy. Thực tế đã cho thấy, không ít  người học tại chức hay đại học dân lập đã đỗ các kỳ thi tuyển học tiếp thạc sĩ và khi tốt nghiệp vẫn đỗ với điểm cao, trong khi đó có những người học chính quy thì lại trượt.
 
Cần đổi mới tư duy trong công tác cán bộ - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

Bên cạnh trình độ chuyên môn, người cán bộ, công chức còn phải có ý thức trách nhiệm và tâm huyết trong công việc; có phẩm chất đạo đức, đứng trước những việc đúng, sai phải có chính kiến; dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; không xu nịnh, a dua, bè phái gây mất đoàn kết nội bộ. Vì vậy, việc đánh giá cán bộ phải xem xét nhiều mặt theo tiêu chí khách quan, và đúng quy trình và quy định về chính sách cán bộ. Không đánh giá cán bộ, công chức theo cảm tính, thiếu căn cứ, thiếu quan diểm thực tế. Điều này nếu xảy ra sẽ làm ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức hiện đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, sẽ làm họ suy giảm nhiệt tình trong công việc và mất đi động cơ phấn đấu đúng đắn; còn gây ra mâu thuẩn trong nội bộ, suy bì trong chính sách đối xử và đãi ngộ cán bộ.

 

Tóm lại, sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước cần phải có đội ngũ cán bộ, công chức đủ mạnh, đảm bảo về số lượng và chất lượng; phải thật sự hết lòng vì dân vì nước; phải có bản lĩnh và trí tuệ, có ý thức tự giác trong công tác cũng như không ngừng trau dồi phẩm chất, đạo đức. Về cán bộ lãnh đạo quản lý, càng cần phát huy vai trò gương mẫu về mọi mặt, cần có năng tổ chức và tập hợp lực lượng, đánh giá khách quan công bằng trong công việc, tạo ra môi trường làm việc trong lành, hài hoà, luôn giữ được sự đoàn kết thống nhất trong cán bộ, công chức để cùng đồng tâm, hiệp sức hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

 

Lê Viết Thắng

      Hội An

                    

LTS Dân trí - Sau khi có đường lối, chính sách đúng thì lực lượng cán bộ bao giờ cũng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thành công. Triển khai đường lối đổi mới của Đảng, chính sách cán bộ cũng có nhiều quan điểm đổi mới, nhờ vậy đội ngũ cán bộ trên mọi lĩnh vực ngày càng lớn mạnh và nhìn chung đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn mới.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết đạt được, vẫn còn tồn tại những mặt yếu kém đáng lưu ý. Nổi rõ nhất ở khâu tuyển dụng cán bộ nhân viên vào  khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nhiều nơi còn xảy ra tình trạng tuyển dụng không dựa trên những tiêu chí khách quan để tuyển đúng người đúng vị trí công việc, mà dựa trên mối quan hệ thân quen, có đi có lại, thậm chí dựa trên sự chạy chọt bằng tiền và có “giá” của từng vị trí công việc. Điều này quả thực đáng phê phán và cần xử lý nghiêm khắc những người có liên quan, nhất là người lãnh đạo trực tiếp.

 

Việc đề bạt cất nhắc cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp cũng cần dựa trên những tiêu chí sát với yêu cầu công việc và được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, tránh đề bạt những cán bộ kém năng lực phẩm chất không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí mới, thậm chí còn thoái hóa biến chất như đã từng thấy trong thực tế.