Cải cách giáo dục - từ góc nhìn của người thầy
(Dân trí) - Cải cách giáo dục tựu trung là nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. “Không Thầy đố mày làm nên”- người xưa đã nói. Từ đó thấy rõ vai trò của người thầy trong mọi hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học.
Không có “mùa vàng” vì gieo những “hạt lép” trên cánh đồng giáo dục
Thế hệ chúng tôi, bước chân vào giảng đường đại học khi Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Học trường nào, học ngành nào tất cả đều được phân công, không có sự lựa chọn. Vào thời điểm đó câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” chúng tôi cũng đã được nghe song không mấy bận tâm vì chiến tranh đang vô cùng khốc liệt. Sau này cùng câu nói trên còn câu “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua, Nông lâm vứt xó”. Đội ngũ sinh viên Sư phạm mang theo tâm lý nặng nề đó không phải chỉ khi học ở trường mà còn nhiều năm tháng sau này. Nhiều người sau khi ra trường sẽ tìm thấy niềm vui ở lớp em thơ, nhưng bao nhiêu người sẽ vì sự mưu sinh mà miễn cưỡng?
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Mặc dù đã có chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm nhưng đến hôm nay điểm chuẩn của nhiều ngành thuộc nhiều trường Sư phạm vẫn chỉ là điểm sàn. Với đầu vào của ngành Sư phạm hầu hết không phải là học sinh khá giỏi ở bậc phổ thông, thì ngành Giáo dục dù có cố gắng mấy cũng chỉ đạt đến tầm “Trung bình khá”. Tôi xin lỗi nếu kết luận của tôi không làm vừa lòng các thày cô giáo; thực ra tôi cũng là một thày giáo đã qua bốn mươi năm trong nghề.
Mặc dù tôi luôn tâm niệm câu “Ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhĩ thuận” nhưng đến nay tôi vẫn không sao quên được câu chuyện gần mười năm về trước. Tôi có hai người bạn học cùng lớp ở đại học, ra trường hai anh về công tác ở Lạng Sơn. Nghe tin tôi lên thành phố dạy học các bạn đón về nhà ăn cơm. Quen như thời sinh viên chúng tôi xưng hô mày tao. Tôi bảo “tao phấn đấu mãi mà chưa có được cái nhà bằng một nửa của chúng mày”. Bạn tôi cười buồn bảo: “cái gì cũng có cái giá của nó, mày về hưu người ta vẫn gọi mày là thày, chúng tao về hưu người ta gọi là thằng”.
Tôi giật mình vì hai bạn tôi đều là người học giỏi và thành đạt, một là phó Ban Kinh tế tỉnh ủy, một là giám đốc sở Công nghiệp. Hóa ra để được gọi bằng “Thày” các thày cô phải chấp nhận thiệt thòi về vật chất vậy! Những người không chấp nhận thiệt thòi chỉ có hai con đường: hoặc là bỏ nghề hoặc tìm cách “phân phối lại của cải”. Tôi đã nghe một thày giáo dạy kinh tế nói với sinh viên tại chức rằng: “ngày xưa tôi đi học, các anh đi kiếm tiền, bây giờ các anh đi học, tôi đi kiếm tiền”.
May mắn thay những người chấp nhận thiệt thòi vẫn còn chiếm đa số, nhưng liệu họ sẽ chấp nhận đến bao giờ khi mà nguồn thu duy nhất của họ là đồng lương chỉ đủ cho những bữa cơm đạm bạc? Người giáo viên dù trình độ và uy tín cao đến mấy (giáo sư, tiến sĩ khoa học, nhà giáo nhân dân, giảng viên cao cấp) khi nghỉ hưu, lương hưu cũng chỉ tương đương một sĩ quan cấp tá trong quân đội.
Có thể nói rằng trong suốt thời gian qua, chúng ta đã gieo mầm cho ngành Giáo dục bởi những “hạt lép” nên cánh đồng Giáo dục mới không cho mùa vàng. Đã qua rồi cái thời những tờ giấy khen in lem nhem được trân trọng treo kín các bức tường. Các thày cô giáo cũng phải sống trước hết bằng cơm gạo, rau cá, sau đó mới là tinh thần.
Vậy thì mấu chốt của cải cách giáo dục là gì?
Đã đến lúc không thể để các trường Sư phạm dù tuyển sinh ở mức điểm sàn vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Cần phải có một chính sách vĩ mô về đào tạo giáo viên mà những đáp ứng về vật chất phải được tôn trọng đúng mức. Khi thu nhập của người thày giáo tương đương thu nhập của cán bộ ngân hàng thì tự nhiên các học sinh giỏi sẽ nộp đơn vào học sư phạm. Hãy đừng tách ngành Giáo dục ra khỏi cơ chế thị trường dù là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cải cách giáo dục trước hết hãy cải cách việc đào tạo giáo viên và cách đối xử với thày cô giáo. Không có thày giỏi không bao giờ có được trò giỏi và cũng không bao giờ có được một nền giáo dục theo kịp thời đại. |
Sau người thày là đến chủ trương, chính sách
Khi chúng ta phát động phong trào “nói không với tiêu cực” tỉ lệ đỗ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là khoảng 60-70%. Năm 2011 tỷ lệ này là xấp xỉ 100%. Lãnh đạo ngành Giáo dục nói đó là do chất lượng giáo dục được nâng cao. Buồn thay kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay chất lượng lại quá thấp, nếu giữ điểm sàn như năm 2010 thì ngay cả một số trường công lập cũng không tuyển đủ chỉ tiêu.
Tại sao lại có sự trái ngược giữa hai kỳ thi chỉ cách nhau chừng một tháng? Nếu đó không phải là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo thả lỏng kỳ thi tốt nghiệp thì chỉ có thể là lỗi của những người ra đề, coi thi và chấm thi! Nếu quả thật như vậy thì cần kỷ luật bao nhiêu người?
(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
Chúng ta nói quá nhiều đến sự cao quý của nghề dạy học, nhưng nếu nhìn vào một lớp với các học sinh chân lấm đầy bùn, tường nhà siêu vẹo, bàn ghế lỏng chỏng, mái nhìn thấy trời thì có thấy cao quý không?
Tôi có dịp đi qua rất nhiều trung tâm huyện, trụ sở Phòng Giáo dục huyện thường là bé nhất và xấu nhất (về mặt kiến trúc). Các cụ dạy: “trông mặt mà bắt hình dong”, cái trụ sở giáo dục cấp huyện mà bé và xấu thì không thể chứa đựng những ý tưởng lớn lao, tiên tiến. Đầu tư cho giáo dục là sự nghiệp hàng trăm năm, chỉ những kẻ ăn sổi ở thì mới nghĩ đến chuyện đầu tư hôm nay, thu hồi vốn ngày mai. Viết đến đây tôi chợt nhớ lại chuyện hơn hai mươi năm trước khi tôi chạy từ văn phòng Công đoàn ra cổng thì thấy một nhóm người có cảnh sát đi theo đang dùng búa tạ đập phá cổng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ở đường Đại Cồ Việt. Sự việc chắc không xảy ra nếu đó là trụ sở một Bộ khác hoặc ở một đất nước khác.
Mới đây tôi có dự cuộc họp giữa đoàn cán bộ Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội với lãnh đạo một trường đại học nhằm thu thập ý kiến về dự thảo Luật giáo dục đại học. Cảm giác chung của những người dự họp là dự thảo luật ấy dành phần lớn quyền cho bộ phận ban hành thông tư, nghị định. Bản thân luật chỉ là những nét khái quát thậm chí rất mơ hồ.
Tại sao các gia đình Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài có thể từ bỏ nhiều nhu cầu tối thiểu để dành tiền cho con em ăn học mà ở tầm vĩ mô Đất nước Việt Nam không thể dành những gì tốt nhất cho đứa con Giáo dục? |
Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã khiến cho đất nước xuất hiện hàng mấy trăm trường đại học, cao đẳng mới. Mỗi trường khi chuẩn bị thành lập đều đến các đại học công lập đề nghị một số thày cô có học hàm học vị đăng ký tham gia giảng dạy. Danh sách giáo viên cơ hữu của các trường đại học tư thục chắc chắn là có tại văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn các quan chức của Bộ cũng luôn đi thanh tra, kiểm tra các trường. Vậy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết cái danh sách ma đó không? Phải chăng vì nó là “ma” nên người trần mắt thịt không nhìn thấy được? Chủ tịch hội đồng quản trị trường đại học chưa học hết học cấp ba, có những hiệu trưởng, hiệu phó trường đại học, cao đẳng chưa một lần đúng trên bục giảng vậy họ lãnh đạo ai? Họ chỉ đạo cái gì? Để cỏ hoang mọc trên cánh đồng Giáo dục, lỗi trước hết ở nơi ban hành quyết định.
Nếu tuyển được nhiều học sinh, sinh viên, thì kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục là siêu lợi nhuận, vậy tại sao cứ phải bàn cãi các trường tư là vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận. Nếu không vì lợi nhuận thì chắc chắn số trường tư sẽ không mọc lên như nấm hiện nay.
Nếu dân tộc ta không có truyền thống hiếu học, nếu các gia đình không chắt chiu từng nắm rau, củ khoai cho con em đi học thì sự nghiệp giáo dục sẽ còn xuống cấp như thế nào?
Tại sao các gia đình Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài có thể từ bỏ nhiều nhu cầu tối thiểu để dành tiền cho con em ăn học mà ở tầm vĩ mô Đất nước Việt Nam không thể dành những gì tốt nhất cho đứa con Giáo dục?
Sau người thày, chủ trương, chính sách là đội ngũ cán bộ quản lý
Có một chân lý đơn giản ai cũng thấy rằng gần như tất cả cán bộ quản lý ngành Giáo dục đều xuất thân từ nghề dạy học. Đội ngũ quản lý được gọi là tinh hoa ấy lại nảy mầm từ những “hạt lép” và vì vậy phê phán họ yếu kém năng lực quản lý là không công bằng. Thật ra trên cánh đồng “giống lép” ấy cũng có nhiều cây trở thành đại thụ, vấn đề là họ không nằm trong quy hoạch hoặc ekip để có thể đóng góp tiếng nói tâm huyết của mình.
Nếu có hàng triệu người thày giỏi thì việc tìm một đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục giỏi không khó. Nếu có hàng triệu người thày tận tâm với sự nghiệp giáo dục thì tìm ra những người liêm khiết, công tâm làm công tác quản lý không khó.
Suy cho cùng thì vấn đề ở đây vẫn là chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục thiếu tầm nhìn và không chuẩn xác.
Sao bắt học trò phải học khổ sở thế?
Từ cấp mẫu giáo, lên phổ thông rồi lên cao đẳng, đại học, gần hai mươi năm con em chúng ta chỉ biết học, học lấy được. Cái tư tưởng chỉ học mà thường là học nhồi nhét, thiếu suy luận sáng tạo trở thành thói quen rất tai hại đối với nhiều thế hệ học sinh.
Tôi tin rằng nếu con cháu chúng ta trong quá trình học không phải học nhồi nhét nhiều loại kiến thức vô bổ mà luôn được khuyến khích sáng tạo ngay trong việc học, thì việc mơ ước có nhiều nhà phát minh, thậm chí cả giải Noben về khoa học cũng không phải là điều gì quá xa vời. Tuy vậy định hướng phấn đấu cho trẻ không phải là công việc của bản thân chúng mà là của gia đình, xã hội mà trên hết là của các nhà hoạch định chiến lược giáo dục.
Văn hào Nga Ilia Erenbua có một câu nổi tiếng: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vonga, con sông Vonga đi ra biển, lòng yêu nhà, yêu miền quê trở nên tình yêu tổ quốc”. Các em bé Nga được giáo dục trước hết tình yêu cha mẹ, ông bà, gia đình sau đó là tình yêu làng xóm, quê hương. Những tình cảm đó tự nó trở nên tình yêu tổ quốc. Phải chăng con cháu chúng ta cũng đang được giáo dục theo hướng đó hay có điều gì khiên cưỡng cần rút kinh nghiệm?
Cũng cần nhắc lại một quy luật tự nhiên ai cũng biết rằng những loài vật sống theo bầy đàn bao giờ cũng có con đầu đàn, đó là con vật mạnh nhất, kinh nghiệm nhất . Nhiệm vụ của ngành Giáo dục là tạo ra những trường lớp để ươm trồng các con đầu đàn đó. Tôi không phản đối sự công bằng trong giáo dục, tất cả trẻ em đều có quyền được hưởng một nền giáo dục bình đẳng. Tuy vậy sự thông minh lại không phải là thuộc tính chung cho tất cả mọi người. Các trường chuyên, lớp chọn cần phải được công nhận và có những cách đối xử đặc biêt.
Nếu đến hôm nay các trường Sư phạm không phải là niềm mơ ước của nhiều học sinh phổ thông thì tất cả mọi sự cải cách cũng chỉ như viên sỏi ném xuống ao bèo.
Nếu đến hôm nay sinh viên sư phạm ra trường còn phải thi tuyển viên chức bằng phong bì thì khoan mơ ước một nền giáo dục lành mạnh.
Nếu đến hôm nay người thày giáo còn phải chạy sô để kiếm sống thì không bao giờ biến được trường học thành trung tâm nghiên cứu khoa học.
Nói như vậy không có nghĩa là ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm tất cả. Trách nhiệm của môi trường xã hội cũng không phải là nhỏ.
TS. Dương Xuân Thành
Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin – Đại học Chu Văn An
LTS Dân trí - Nhìn một cách tổng thể, sự yếu kém khá “toàn diện” của nền giáo dục hôm nay mà con em chúng ta đang phải oằn lưng gánh chịu đều có nguyên nhân sâu xa từ chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ chưa đúng đối với đội ngũ giáo viên. Lương giáo viên thấp cũng như việc tuyển dụng giáo viên mới còn nhiều tiêu cực là lý do khiến cho ngành sư phạm không thu hút được những học sinh giỏi.
Đội ngũ giáo viên đang gánh vác nhiệm vụ thuộc lĩnh vực “quốc sách hàng đầu” nhưng chưa được quan tâm chăm lo về điều kiện hành nghề cũng như đời sống vật chất và tinh thần, trong khi nhiều cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu cả năng lực chuyên môn và quản lý cũng như phẩm chất đạo đức. Đấy là nguyên nhân sâu xa dẫn tới nhiều mặt yếu kém của hiện trạng giáo dục.
Vì vậy, muốn chấn hưng nền giáo dục nước nhà, trước hết cần có chính sách đãi ngộ đúng đối với đội ngũ giáo viên, chọn đúng người có tài và có tâm làm công tác quản lý; đồng thời cần giảm tải nội dung chương trình, thay đổi cách dạy nhồi nhét kiến thức bằng cách dạy khuyến khích suy luận và sáng tạo, tạo ra niềm say mê hứng thú học tập cho con em chúng ta.