Giải quyết mâu thuẫn giữa quy mô, chất lượng, hiệu quả giáo dục
(Dân trí) - Sự nghiệp GD-ĐT đang có nhiều bất cập, đặc biệt là về quy mô, chất lượng, hiệu quả không những chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước mà còn là nguồn gốc gây nên nhiều bức xúc trong xã hội.
Phải chăng đây là những vấn đề cần sớm giải quyết tạo điều kiện cho đổi mới cơ bản, toàn diện sự nghiệp GD-ĐT của đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
Về hệ giáo dục đại học [GDĐH]. Nhiệm vụ của hệ GDĐH là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Cái sai lệch lớn trong nhiệm vụ đào tạo này là chú trọng nhiều đến phát triển quy mô hơn là nâng cao chất lượng và hiệu quả. Phát triển mạnh quy mô là rất cần thiết đối với hệ Giáo dục phổ thông [GDPT] trong nhiệm vụ nâng cao dân trí.Thêm một cháu được đến trường là điều rất quý, chất lượng phụ thuộc chính vào nội dung và phương pháp dạy và học. Cơ sở vật chất cho giáo dục còn chưa tốt, sẽ được khắc phục dần theo khả năng tài chính của Nhà nước và nhân dân.Nhưng với quy mô đào tạo nguồn nhân lực thì phải tính toán cẩn thận, nếu không sẽ gây lãng phí và nguy hại về lâu dài.
Nhà nước đề ra chỉ tiêu đào tạo đại học phải phấn đấu đạt 450 SV / 10.000 dân vào năm 2020,(bằng với Mỹ,với Anh… ). Vậy có thể ước tính cần phải mở khoảng 1.000 trường ĐH, CĐ, mỗi năm ra trường khoảng 1 triệu kỹ sư, cử nhân.Để thực hiện chỉ tiêu đó, trong hoàn cảnh đang còn thiếu thày, cơ sở vật chất gần như bằng không mà số trường ĐH, CĐ chỉ trong vài năm đã từ 100 được tăng lên tới hơn 400 cùng với đủ mọi hình thức đào tạo khác. Mỗi trường được giao tuyển hàng ngàn SV, 8 điểm thi 3 môn cũng được vét vào để học đại học.
Sự nghiệp GD-ĐT nước ta đang vận hành trong nền kinh tế thị trường, nhưng phải nhớ rằng đó là một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, với định hướng XHCN. Do vậy, mọi chương trình, kế hoạch về giáo dục, đào tạo con người dù thuộc Nhà nước đầu tư hay xã hội hóa cũng đều phải phục vụ cho định hướng ấy với sự quản lý đầy đủ và trách nhiệm cao của Nhà nước. |
Thực ra, trong nhiều năm qua họ đã bị bỏ mặc đúng với chủ trương của Bô GD-ĐT là “mở rộng đầu vào, thả nổi đầu ra”, tức là chỉ biết tuyển thật nhiều vào trường mà không cần nghĩ tới việc sử dụng họ khi ra trường, không cần biết hiệu quả tiền bạc, công sức của xã hội và gia đình đầu tư cho họ tốn kém, nhọc nhằn ra sao. Nếu có sự điều tra nắm tình hình sinh viên ra trường có việc làm đúng nghề đào tạo một cách khách quan, chắc chắn Nhà nước phải giật mình về hiệu quả đào tạo.Cũng để chạy theo quy mô, ở đâu đó còn đưa ra chủ trương là “đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập đại học của dân”; Một số chuyên gia giáo dục còn muốn mở trường nhiều nữa để tiến tới phổ cập ĐH toàn dân (!). Quả thật, với một dân tộc ai cũng muốn để chữ cho con, muốn con có bằng cấp cao, học được cái nghề nhẹ nhàng mà kiếm nhiều tiền [nhưng lại chưa thấy được khó khăn khi xin việc làm trong tình trạng cung đã thừa mà cầu lại đòi hỏi chất lượng rất cao] thì Nhà nước có mở thêm bao nhiêu trừơng ĐH, nhất là ngoại thương , kinh tế, tài chính kế toán v.v.cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đó của dân ta đâu.
(nguồn ảnh: internet)
Sự nghiệp GD-ĐT nước ta đang vận hành trong nền kinh tế thị trường, nhưng phải nhớ rằng đó là một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, với định hướng XHCN. Do vậy, mọi chương trình, kế hoạch về giáo dục, đào tạo con người dù thuộc Nhà nước đầu tư hay xã hội hóa cũng đều phải phục vụ cho định hướng ấy với sự quản lý đầy đủ và trách nhiệm cao của Nhà nước.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Để có được nguồn nhân chất lượng cao cho đất nước, thiết nghĩ :
1- Nhà nước nên xóa bỏ chỉ tiêu phấn đấu đạt 450SV/ 1 vạn dân, nó không có một ý nghĩa gì ngoài việc làm lý do để tăng quy mô và số lượng trường đào tạo đại học một cách vô tội vạ;
2- Chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề học của mỗi trường cũng như kinh phí đào tạo do Nhà nước cấp đều phải tính toán lại và phân bổ hợp lý theo tinh thần giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo và số trường ĐH, CĐ xuống còn vừa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
3- Đối với những trường ĐH, CĐ mới được mở vội vã và những trường còn thiếu điều kiện đào tạo, nên được đầu tư xây dựng thành các trường dạy nghề, trong đó ưu tiên đào tạo các nghề cho nông dân nhằm giảm tỷ lệ lao động không được đào tạo trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, các nghề phục vụ xây dựng nông thôn mới; hoặc lấy chỗ lập trường Tiểu học, Bệnh viện [mà ngay tại Hà Nôi cũng đang còn thiếu chỗ cho các cháu học, bệnh viện K với 19 bệnh nhân chung nhau 1 giường ] vẫn còn là có ích hơn.
Và cũng chỉ có vậy mới nâng cao được suất đầu tư và chất lượng đào tạo đại học tại các trường còn lại từng bước phấn đấu lên ngang tầm với các nước khác trong vùng; chất lượng và kết cấu nguồn nhân lực được nâng cao và hợp lý hơn. Hiện một số trường có thể phải tự giải thể do không đủ điều kiện đào tạo hoặc không có nhu cầu, đó là điều tất yếu và đáng mừng.Tuy nhiên Nhà nước vẫn cần chủ động tính toán, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường ĐH và CĐ cho đúng hơn với nhu cầu phát triển đất nước. Nếu như kinh phí đào tạo không thay đổi, cũng với tinh thần trách nhiệm cao, không có tiêu cực, sĩ sổ sinh viên giảm còn một nửa hoặc 1/3 thì chất lượng đào tạo chắc chắn sẽ tăng lên gấp đôi, gấp 3. Nếu quy mô đào tạo vừa đủ dùng thì chất lượng và hiệu quả sử dụng sẽ là cao hơn nhiều hiện nay.Với lòng yêu nước, trí thông minh và nguồn nhân lực chất lượng cao ấy, nhất định đất nước ta sẽ có những bước phát triển rõ rệt về mọi mặt.
Về giáo dục phổ thông [GDPT]. Hệ GDPT chủ yếu làm nhiệm vụ nâng cao dân trí.Bất cập lớn trong hệ GDPT hiện nay là nội dung và phương pháp dạy và hoc.Tại cấp học nào cũng rất nhiều môn học; mỗi môn đều dày đặc kiến thức, vừa rộng vừa sâu nhưng lại chưa phải là cần thiết; ngành nào, thày nào cũng muốn đưa cái của mình vào chương trình, giáo trình làm cho quyển sách nào cũng dày cộp, các cháu cõng cặp nặng quá sẽ ảnh hưởng đến cột sống là điều đáng lo.
Sách vở nhiều, nội dung lớn, thời gian ít, thày trò phải dạy và học qua quýt cho xong, không thể coi trọng cách dạy có suy luận, sáng tạo cho học sinh.Chính vì vậy mà học sinh mang tiếng học hành vất vả, tốn kém nhưng kết quả lại không như ý muốn. Khi thi tốt nghiệp đều được các thày cho qua với tỷ lệ đỗ đạt rất cao, khi dự thi chung nghiêm túc một chút, phần lớn thí sinh đều không đạt điểm trung bình;Về học làm người lại càng yếu kém hơn, học sinh khi ở lớp thường được điểm 9, 10 về môn Công dân, môn Đạo đức, khi ra khỏi lớp không ít cháu nói tục, chửi bậy, đánh nhau; về nhà không biết chào ông bà, cha mẹ, không biết nói lời xin lỗi, cám ơn, chứ đừng nói tới chuyện phải biết yêu quê hương, yêu đất nước, ghi nhớ và thực hiện những điều lớn lao trong sách dày cộp kia rao giảng; Yêu cầu “Học đi đôi với hành”,”Tiên học lễ hậu học văn”…cũng mới chỉ là khẩu hiệu đẹp được treo lên nóc trường, và còn biết bao tiêu cực đang diễn ra một cách phổ biến trong môi trường giáo dục này mà người dân ai cũng biết.. Nếu cứ với nội dung và cách dạy, cách học ấy, đất nước ta sẽ rất hiếm nhân tài, nhiều tội phạm.
Trước nhiều trăn trở về nền giáo dục hiện nay, nhân dân cả nước đang kỳ vọng vào công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện” sự nghiệp GD-ĐT lần này mà Đại hội Đảng XI đã đề ra. Xin hãy coi việc khắc phục những bất cập về quy mô, chất lượng , hiệu quả của GD-ĐT là nhiệm vụ CẦN LÀM NGAY khởi đầu cho công cuộc cải cách, đổi mới lớn lao này ./.
Nguyên cán bộ giảng dạy đại học
LTS Dân trí- Bài viết trên đây gợi lên một suy nghĩ: phải chăng nền giáo dục của chúng ta mắc phải căn bệnh đáng quan tâm nhất là duy ý chí, muốn “đi tắt đón đầu” để sớm bằng người, nhưng vốn là nước chậm tiến, không có thực lực, cho nên kết quả là chạy theo số lượng, còn chất lượng giáo dục ngày càng tồi tệ hơn, tụt hậu ngày càng xa hơn so với các nước trong khu vực.
Chính vì vậy, chúng ta cần đoạn tuyệt với cách nghĩ và cách làm giáo dục “duy ý chí”, luôn phải xuất phát từ điều kiện thực tế nước ta để xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển giáo dục cho phù hợp với mỗi giai đoạn, bảo đảm sự cân đối giữa số lượng và chất lượng để đạt hiệu quả đầu tư cao nhất.
Đấy cũng là bài học kinh nghiệm cho công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục lần này.