Cán bộ giàu nhưng dân có phục không mới quan trọng
(Dân trí) - Cách nghĩ của tác giả bài viết “Nghĩ từ những biệt thự của quan chức về hưu” với nhiều người dân cũng có điểm chung. Nhưng về quan điểm, phản hồi của đa số bạn đọc lại cho thấy nhiều sự khác biệt. Vấn đề là: “Giàu nhưng dân có phục không mới quan trọng!”
Thước đo lòng dân
Đó chính là sự minh bạch để không bị đặt những dấu hỏi nghi ngờ, so sánh, liên tưởng…vì những chỉ số mà dân thấy rõ được dường như chỉ đều chứng minh những điều ngược lại. Dân trí nước ta giờ đã được nâng cao hơn trước nhiều, nên đâu phải ai cũng “nghĩ ngắn” mà không thể hiểu những gì thuộc về xu hướng phát triển đi lên của xã hội?
“Cảm ơn tác giả vì bài viết rất hay. Tôi thấy cán bộ nhà nước ở nhà biệt thự không có gì là sai, vì nguồn tài chính đến từ nhiều phía. Vấn đề quan trọng là các cán bộ làm được gì cho dân?” - Quân: lehongquan0312@gmail.com
“Giàu nhưng dân có phục không mới quan trọng” - Dân lao động: vinhnd51@gmail.com
“Tại sao dân ta lại cứ có cái nhìn “soi mói” vào những ngôi biệt thự ư? Theo tôi, có lẽ xuất phát là ở chỗ họ nghi ngờ về tính trong sạch của nó. Vì tài sản của công chức thường được họ tính bằng cách lấy mức lương trừ đi sinh hoạt phí, còn lại là khoản tiết kiệm. Họ so sánh khoản tiết kiệm này với khối tài sản mà công chức ấy sở hữu. Người ta chỉ suy luận, diễn giải, mà không có khả năng tiếp xúc với cơ sở pháp lý chân thực của khối tài sản ấy. Sự minh bạch sẽ làm cho họ hết nghi ngờ, hết “soi mói” - Tung Chi: saohoa_58@yahoo.com
“Tôi nhất trí với quan điểm của tác giả. Cần khuyến khích cán bộ và công chức làm giàu, nhưng phải là thu nhập chính đáng và công khai nộp thuế đầy đủ. Thử hỏi chính các vị... nộp bao nhiêu tiền thuế thu nhập cá nhân trong những năm qua? Mặt khác cũng đừng... lòe dân tôi là... thế này, thế khác...” - Nguyễn Anh Ngọc: anhngoc49@gmail.com
“Nhìn những ngôi biệt thự sang trọng của các vị quan chức lớn nghỉ hưu, chắc người dân Việt ta rất thích và luôn mơ...làm cán bộ lớn, có nhiều quyền... Còn cán bộ nhỏ của dân ta thì càng "đua nhau" chạy chức chạy quyền...cũng là lẽ thường thôi. Nếu chứng minh thì đây chắc là tiền rất...hợp pháp như: đất đai được cha mẹ để lại, do vợ con chăm chỉ trồng rau, nuôi heo, gà, do chịu khó làm thêm... mà có???” - Lê Xuân Thuỷ: lexuanthuy1962@yahoo.com
“… Phải đứng về phía người dân thì mới hiểu được tại sao người ta bức xúc. Còn quan chức, nếu như so sánh với cả lương của Thủ tướng thì khối tài sản này ông Tr. phải làm mấy đời mới có được? Vấn đề là ở chỗ ấy! Ông Tr. từng trả lời với báo chí rằng lương chỉ có 7.000.000VNĐ/ tháng…?” - La Thế Nguyên: lathnguyen@hotmail.com
Bài toán lựa chọn
Sự khác biệt giữa hai giới doanh nhân với giới chức, nếu ở nhiều nước ngoài khác, nhất là các nước phát triển có thể không lớn lắm bởi thường thì người ta tích lũy (hoặc được thừa hưởng) tài sản rồi mới ra tranh cử hoặc tự gây dựng cơ nghiệp làm ăn. Còn ở VN mình, giới chức đều từ nhân dân mà ra, lấy nhiệm vụ phục vụ nhân dân làm trọng… Rồi bỗng dưng từ nghèo khó, các vị ấy lại phất lên giàu có chẳng thua kém gì các doanh nhân hàng “đại gia”? Dân không nghi ngờ tiền… không sạch mới là lạ!
“Những doanh nhân thì ở biệt thự, hoặc đi siêu xe là bình thường, vì đó là mồ hôi nước mắt và cả máu hoặc ngay tính mạng của họ cho nên rất xứng đáng. Còn quan chức thì lĩnh lương NN, sử dụng công vụ thì tiền ở đâu để xây biệt thự? Phải chăng đó là đồng tiền “bẩn”? Đã là quan chức là làm chính trị và phải rạch ròi về kinh tế, không thể lợi dụng vị trí để tư lợi từ tiền của dân được. Nếu ai muốn giàu thì hãy đi kinh doanh, muốn có danh vọng thì làm quan chức, đó là lựa chọn của mỗi người. Ân xá kinh tế là cần thiết nhưng không có nghĩa là tha bổng, vì điều này vô tình khích lệ “kế sách”… đục khoét tài sản công” - Đặng Văn Nghĩa: dangvnnghia94@gmail.com
“Nếu Đoàn Nguyên Đức, Phạm Nhật Vượng… làm những lâu đài hoành tráng thì chẳng ai nói gì, không ai ngờ vực. Nhưng với những quan chức, hãy làm một bài toán kinh tế sẽ thấy ngay được họ có đủ khả năng làm biệt thự, lâu đài không? Hãy kiểm tra, công bố rộng rãi thì chắc không ai còn nghi ngờ” - Tự Do: bayxoaidn@yahoo.com
“Người ta thường nói: lý luận phải gắn liền với thực tiễn, vậy thực tiễn xã hội ta đang là gì? Xin thưa đó là nạn "quan tham" đang trở lên quá phổ biến, đó là 30% công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về"… Nếu quan chức chúng ta đóng góp xứng đáng cho xã hội thì biệt thự nhà lầu xe hơi có là gì đâu? Chúng ta có bao giờ thấy nhân viên làm cho các công ty nước ngoài họ thắc mắc là lương giám đốc cao thế đâu, với họ quan trọng nhất là mức lương đã xứng đáng với công sức bỏ ra chưa thôi. Còn với những gì ông Tr. có được dân sẽ không ai thắc mắc, nếu ông chứng minh được những gì mình làm ra bằng chính trí tuệ của mình, chứ không phải do "quyền lực" mà có!!! Mọi người đừng biện minh, cũng đừng thanh minh vì dân ta hiểu hết đấy. Hãy nhìn vào những gì dân ta đã dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ thấu hiểu” - Nguyễn Quang Ninh: ninh.hlql@ygmail.com
“Chuyện xưa nay vẫn xảy ra ở VN ấy mà... có gì lạ đâu. Chỉ dân mới hiểu...lòng tham đến mức nào” – Le Thang: lethang1368@yahoo.com
“Đó là những cựu quan chức dám xây biệt thự. Thế còn những vị không dám xây (thậm chí đi thuê nhà ở) thì chắc chúng ta nghĩ họ nghèo? Dẫu sao cũng cảm ơn các ông chủ của những cái biệt thự này vì họ đã dám sống "thẳng thắn", "ngay thật" - Kim Dung: kimdung@gmail.com
Kiều Anh