Cách bổ nhiệm GS ở nước ta chưa đúng với thông lệ quốc tế

(Dân trí) - Tôi thấy đáng mừng là gần đây, trong một cuộc họp Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Hội đồng Chức danh cần khẩn trương thay đổi qui chế xét duyệt chức danh GS, PGS sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Vì vậy, tôi xin nhắc lại một số ý kiến đã phát biểu trước đây mà đến nay vẫn thấy có ý nghĩa thiết thực đóng góp vào công việc hệ trọng này.

 

Thứ nhất là nên phân ngạch GS. Nước ta có hơn 9.000 GS và PGS, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số này chính thức làm việc trong các đại học, trường và viện ĐH. Theo thống kê của Bộ GD và ĐT năm 2008, chỉ có 2108 GS và PGS đang giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở ĐH. Nói cách khác, rất nhiều người có chức danh GS nhưng họ không trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu. Đó là một điều bất bình thường.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Vì thế, đề nghị nên có qui chế cho những GS chính thức, GS kiêm nhiệm (conjoint professor), và GS danh dự (honorary professor). Ở nước ngoài, người ta phân biệt rạch ròi ba ngạch GS như vừa đề cập.

 

GS chính thức là những người trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu trong các cơ sở ĐH, họ được xét duyệt theo những tiêu chuẩn quốc tế nghiêm chỉnh. Những tiêu chuẩn đó thường là công trình nghiên cứu khoa học và đóng góp cho chuyên ngành và cộng đồng.

 

GS kiêm nhiệm dành cho các chuyên gia trong các cơ quan công quyền hoặc trung tâm nghiên cứu, bệnh viện, v.v... có công đào tạo nghiên cứu sinh, nhưng họ không nhận lương của cơ sở ĐH.

 

Tiêu chuẩn xét duyệt GS kiêm nhiệm cũng đơn giản và "nhẹ" hơn GS chính thức. Trường ĐH thường yêu cầu họ phải xưng rõ là "GS kiêm nhiệm" chứ không được dùng chức danh GS để phân biệt giữa hai ngạch.

 

GS danh dự là chức danh dành cho các "mạnh thường quân", những người có công trong việc xây dựng và phát triển học thuật. Những người này không cần xét duyệt theo các tiêu chuẩn của GS chính thức và GS kiêm nhiệm, mà chỉ do các cơ sử ĐH trao tặng như là một cách ghi nhận công trạng.
 
Cách bổ nhiệm GS ở nước ta chưa đúng với thông lệ quốc tế - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

Thứ hai, nên hủy bỏ cách xét duyệt chức danh theo "mô hình hai bước" như hiện nay. Theo Quyết định 174 của Chính phủ thì hiện nay qui trình tiến phong chức danh GS chia làm hai bước.

 

Bước một, HĐCDGSNN xét duyệt ứng viên đủ tiêu chuẩn GS, PGS. Bước hai, ứng viên phải được một cơ sở ĐH bổ nhiệm mới (và nếu sau hai năm vẫn chưa tìm được nơi bổ nhiệm thì chức danh GS cũng không còn!) Nói nôm na là HĐCDGSNN chỉ cấp văn bằng GS, và GS phải đi... tìm việc.

 

Cách làm này là một cách xem thường chức danh GS như chỉ ngang với một... bằng tốt nghiệp. Qui trình này rất lạ lùng. Tôi không thấy nơi nào trên thế giới làm như thế. GS là phải gắn liền với một cơ sở ĐH nhất định. Trước khi đệ đơn xin phong GS, ứng viên phải là giảng viên của một cơ sở ĐH cụ thể.

 

Cũng cần nói thêm rằng ở nước ngoài không có chuyện tiến phong chức danh GS theo nhu cầu. Ngày xưa thì ĐH còn có "nhu cầu", vì mỗi bộ môn chỉ có một GS, và khi người này nghỉ hưu thì trường tuyển dụng GS thay thế.

 

Nhưng bây giờ thì không còn kiểu làm này nữa. Vì một bộ môn có thể có nhiều GS. Tôi thấy ở trường ĐH nơi tôi làm việc, ai cũng có thể đệ đơn xin đề bạt nếu họ thấy đáp ứng tiêu chuẩn đề ra, chứ không có chuyện nhu cầu nữa. Do đó, để phù hợp với qui chuẩn quốc tế, nên bỏ khái niệm phong chức danh GS theo nhu cầu.

 

Thứ ba, nên bỏ những tiêu chuẩn mang tính cân đo đong đếm. Tiêu chuẩn xét duyệt chức danh GS, PGS hiện nay rất phức tạp và... “số hóa”. Mỗi công trình công bố đều tính bằng điểm, mỗi sách viết ra cũng tính điểm. Không có nơi nào trên thế giới lại "cho điểm" GS như thế. Làm như thế là một cách biến các ứng viên GS thành học trò!

 

Chẳng những biến GS thành học trò, cách tính điểm cũng rất vô lí. Chẳng hạn như hiện nay HĐCDGSNN xem một bài báo khoa học đăng trong một tập san trong nước có điểm bằng, thậm chí cao hơn bài báo đăng trên các tập san danh tiếng ở nước ngoài!

 

Cần nói thêm rằng chưa có một tập san khoa học nào của Việt Nam được công nhận trong danh bạ ISI, và cách cho điểm như thế cực kì vô lí và phản cảm.

 

Cách tính điểm như hiện nay cũng tạo thêm điều kiện cho những kẽ hở tiêu cực trong qui trình đề bạt chức danh GS. Tôi có lần thấy một ứng viên trong ngành y khoa nộp 3 cuốn sách, như là một tiêu chuẩn để được xét duyệt chức danh PGS.

 

Điều phi thường là 3 cuốn sách này được viết trong vòng 1 năm. Ứng viên này không hề có một công trình nghiên cứu nào trên các tập san y khoa quốc tế mà đã viết 3 cuốn sách trên 1000 trang trong vòng 1 năm!

 

Thật ra, đọc sơ qua thì thấy đây là sách dịch (vì các bảng biểu đều rất quen thuộc với người trong ngành), và qua văn phong dịch thì rõ ràng sách có nhiều người dịch. Nói chung, tiêu chuẩn khoa học để xét duyệt chức danh GS còn  rất nhiều bất cập và nhiều điều không hợp lí, nhưng đây là vấn đề muôn thuở vì nhiều người đã lên tiếng nhưng vẫn chưa sửa đổi.

 

Thiết nghĩ, ngành GD và ĐT cần phải cải cách qui trình và tiêu chuẩn tiến phong chức danh GS, PGS để phù hợp với các nước trong vùng và từng bước hội nhập quốc tế

 

                                                         GS. Nguyễn Văn Tuấn

                                                        ( Giảng dạy ĐH ở học Úc)

 

LTS Dân trí - Vốn là một Giáo sư giảng dạy đại học lâu năm ở nước ngoài, tác giả bài viết trên đây đóng góp những ý kiến đáng quan tâm về sự phân biệt cần thiết giữa các ngạch GS/PGS cũng như việc tiến hành “chấm điểm” những công trình khoa học thiếu căn cứ chính xác và không đúng với thông lệ quốc tế. Mặt khác, cũng cần loại bỏ sự phức tạp không cần thiết của quy trình “bổ nhiệm” chia làm hai bước, gây  phiền hà và tạo nên sự bất bình của những “người trong cuộc”, và cũng không đúng với cách làm hiện nay của nhiều nước.

Muốn hội nhập nền văn minh của nhân loại, chúng ta cần sớm thay đổi quy chế bổ nhiệm GS/PGS để vừa chuẩn xác theo thông lệ quốc tế vừa không gây phiền hà cho những “người trong cuộc”, nhất là không tạo ra kẽ hở cho tệ nạn tham nhũng làm ảnh hưởng đến tính khách quan và nghiêm túc của công việc hệ trọng này.