Bàn về việc bổ nhiệm GS/PGS theo quan điểm luật pháp

(Dân trí) - Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều bài viết xoay quanh chủ đề bổ nhiệm GS/PGS ở Việt Nam. Quả thật đây là vấn đề đáng bàn và nhìn nhận theo quan điểm luật pháp.

Các quan điểm tranh luận của các cá nhân có thể khác nhau, tuy nhiên nếu đó là những nội dung  được đăng tải trên các báo mạng chính thống do nhà nước quản lý thì rất cần  ý kiến phản hồi của cơ quan có trách nhiệm như Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước để định hướng dư luận.

 

Tiếc thay những người có đủ thẩm quyền trả lời về vấn đề này  không  ai lên tiếng, do đó những bài viết sau  lại khai thác tiếp nội dung bài cũ để  viết thành bài khác tường minh hơn theo chiều hướng tiêu cực,  tạo nên hình ảnh không đẹp về đội ngũ giáo sư Việt Nam.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Thiết nghĩ  mọi lý lẽ chỉ được xem xét khi dựa vào những văn bản chính thống của Nhà nước ban hành. Những văn bản nào phù hợp sẽ tồn tại, những nội dung nào không phù hợp phải chỉnh sửa.

 

Với tinh thần đó, trong bài viết này, tôi xin góp thêm một số ý kiến về vấn đề bổ nhiệm giáo sư  theo quan điểm luật pháp Việt Nam nhằm góp phần giải tỏa những thắc mắc cũng như xác lập đúng vị thế của đội ngũ GS/PGS Việt Nam

 

1. Thống nhất các thuật ngữ trong các văn bản

 

Điều 71,  Luật giáo dục ghi: “Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”.

 

Theo khoản 5, điều 7 Luật cán bộ, công chức số  22/2008/QH12  thì . Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật.

Theo từ điển tiếng Việt Phổ thông  do Viện ngôn ngữ học xuất bản năm 2006 thì : Chức danh là tên gọi thể hiện cấp bậc, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi chức.

Chức vụ là  nhiệm vụ tương ứng với chức (hay nhiệm vụ của của một người). Ví dụ trong quân đội, một người có cấp bậc đại tá là chức danh, còn vị đại tá đó  có thể được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng,  sư đoàn trưởng . . . thì trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng là chức vụ. Chức danh thường được phong tặng, nâng cấp, chỉ có chức vụ mới có hình thức bổ nhiệm.

 

Đối sánh từ điển với luật giáo dục thì nếu xem GS/PGS là chức danh thì không nên có hình thức bổ nhiệm. Nếu đã bổ nhiệm ai  thì phải hiểu là bổ nhiệm để làm quản lý, làm lãnh đạo. Như vậy để  thống nhất các văn bản, điều 71 luật giáo dục nên sửa lại   “Giáo sư, phó giáo sư là chức vụ  của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ giáo sư, phó giáo sư”.”
 
Bàn về việc bổ nhiệm GS/PGS theo quan điểm luật pháp - 1

(ảnh minh họa)

 

Trong trường hợp nếu vẫn xem GS là chức danh, điều 71 luật giáo dục nên sửa lại “Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư”.

 

Hàng năm rất nhiều ứng viên không phải là nhà giáo được công nhận chức danh GS/PGS, vì vậy  điều 71 luật giáo dục cũng nên sửa lại “Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học và những người có đóng góp cho ngành giáo dục đại học”.

 

2. Xác định rõ chức vụ giáo sư, phó giáo sư trong hệ thống chức vụ

 

 Trong các trường đại học hiện nay chức vụ giáo sư, phó giáo sư vẫn chưa có trong hệ thống chức vụ. Do đó sau bổ nhiệm các tân giáo sư, phó giáo sư vẫn không hưởng quyền lợi nào về hệ số lương. Theo nghị định 20/2001 những ai được phong phó giáo sư sẽ hưởng lương giảng viên  chính, nhưng theo quyết định174/2008/QĐ-TTg các tân phó giáo sư sau khi được công nhận là phó giáo sư, lại tiếp tục làm hồ sơ xét bổ nhiệm phó giáo sư, sau đó lại  nộp hồ sơ  thi giảng viên chính, gọi khôi hài “phương án 3 trong 1”.    Như vậy quyết định174/2008/QĐ-TTg là “cải tiến lùi”.

 

Tại các Điều từ 11-17 Chương III quyết định 174 quy định: Thủ tục“công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS” và thủ tục “Bổ nhiệm chức danh GS/PGS” là 2 thủ tục độc lập, trong vòng 2 năm kể từ khi có quyết định công nhận mà không được bổ nhiệm thì cá nhân lại phải thực hiện bước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS như một quy trình mới.

 

Những quy định này đã tạo áp lực cho các ứng viên sau khi được công nhận phó giáo sư. Các tân phó giáo sư phải viết đơn, làm  hồ sơ để xét bổ nhiệm, vì giấy chứng nhận chức danh chỉ có giá trị 2 năm. Quy trình công nhận và bổ nhiệm phức tạp như vậy nhưng sau khi vượt qua các “cửa ải” đó (khoảng một năm), các tân phó giáo sư lại tiếp tục làm hồ sơ xét giảng viên chính là điều bất hợp lý. Vô tình chức vụ phó giáo sư lại thấp kém hơn giảng viên chính. Vì  những thủ tục hành chính rườm rà này đã góp phần làm cho vị thế của các giáo sư, phó giáo sư giảm sút.

 

Trong khi chưa đưa ra được chế độ chính sách cụ thể cho chức vụ giáo sư, phó giáo sư, việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư nhằm mục đích gì ?

 

Cuối cũng tác giả bài viết rất mong những ý kiến này đến tay những người có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

                                                    Lê Nhiệm  

                                     Quận Thanh Xuân - Hà Nội

 

 

LTS Dân trí - Từ ngày có chính sách “bổ nhiệm chức danh GS/PGS” đã gây ra thắc cho nhiều người thuộc diện này vì gây ra nhiều điều phức tạp. Có những cán bộ giảng dạy được công nhận đạt tiêu chuẩn GS/PGS nhưng phải tiếp tục làm thủ tục xin bổ nhiệm chức danh này và nếu nơi đang công tác không có nhu cầu bổ nhiệm thì đương sự phải chờ cơ hội mà quá 2 năm không được bổ nhiệm thì việc được công nhận trước đây không còn giá trị.

 

Đấy là chưa nói việc bổ nhiệm không đi đôi với chế độ lương bổng; PGS lại phải tiếp tục làm hồ sơ để thi giảng viên chính để được hưởng lương mới.

 

Đấy là những điều bất hợp lý mà bài viết trên đây đã phản ảnh. Thiết nghĩ trong xu thế giảm nhẹ thủ tục hành chính hiện nay thì quá trình bổ nhiệm (hay “phong”) chức danh GS/PGS không nên tiến hành theo thủ tục rườm rà nói trên.

 

Xin trân trọng chuyển những ý kiến đóng góp đó tới những cơ quan có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và UB Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội xem xét và giải quyết cho thấu tình đạt lý đỡ gây ra nhiều thắc mắc đối với những trí thức nằm trong diện được công nhận đạt chuẩn GS/PGS.