Việc bổ nhiệm GS và PGS còn gặp khó khăn?

Bắt đầu từ năm 2009, tất cả các nhà giáo-nhà khoa học được công nhận đạt chuẩn GS hay PGS nhưng vẫn phải chờ sự bổ nhiệm của một trường đại học nào đó có nhu cầu thì khi đó mới chính thức trở thành GS hay PGS.

Bài viết phỏng vấn: “Vì sao đủ tiêu chuẩn vẫn không được bổ nhiệm chức danh?” đăng trên báo CAND ngày 26/12/2009 về vấn đề  nhạy cảm này, vì đây là lần đầu tiên các nhà giáo-nhà khoa học ở nước ta phải tuân theo chính sách đó, còn những năm trước đây khi đã được Hội đồng phong chức danh Nhà nước công nhận đạt chuẩn thì đương nhiên đã trở thành GS hay PGS rồi, không cần phải chờ ai bổ nhiệm nữa.

 

Vì vậy, phóng viên  báo CAND đã phỏng vấn  GS. Trần Văn Nhung & PGS Nguyễn Hữu Bạch (là Tổng thư ký và Chánh văn phòng của HĐCDGSNN).  Đáng chú ý trong bài phỏng vấn này, có phần trả lời được khẳng định như sau:  

- “Cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm GS, PGS phải theo đúng chuyên ngành mà cơ sở có nhu cầu... Với quy trình mới này, sẽ có người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh, nhưng chưa chắc đã được bổ nhiệm, nếu như CSGD đó chưa có nhu cầu. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.”

 

Nội dung trên hoàn toàn trùng với “Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ”. Tuy nhiên nếu CSGD ĐH nào vận dụng cứng nhắc thì  những ứng viên được công nhận GS, PGS khác ngành hoặc liên ngành sẽ khó có cơ hội  được bổ nhiệm ở CSGD ĐH đó! Và đây là vấn đề chúng tôi muốn đóng góp thêm ý kiến.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong thời đại bùng nổ thông tin,  sự liên ngành trong khoa học hiện đại dựa trên sự phát triển cao của các khoa học nên các ngành khoa học có sự giao thoa với nhau. Có thể kể ra đây khá nhiều trường hợp liên ngành do các nhà khoa học tầm cỡ Việt Nam thực hiện:

1. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nguyên là GS Vật lý, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý và nhiều chức vụ quan trọng khác,  đã có lần nói : tôi đã 5 lần chuyển hướng nghiên cứu, hiện nay tôi đang nghiên cứu " tin học lượng tử và máy tính lượng tử" . Đây là sự giao thoa liên ngành giữa Vật lý và công nghệ thông tin.

2. Thầy Vũ Ngọc Hải là GS Địa chất  nhưng lại làm Chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư cơ sở Viện Khoa học Giáo dục. Thầy Lâm Quang Thiệp là giáo sư địa vật lý  nhưng nhiều năm qua thầy Thiệp chuyên hướng dẫn nghiên cứu sinh về khoa học giáo dục (đo lường giáo dục) và đã công bố nhiều công trình về khoa học giáo dục. Giáo sư Thiệp đã có một câu nói nổi tiếng : "Bí quyết thành công của tôi là dùng tư duy địa vật lý để nghiên cứu khoa học giáo dục". Mặc dù "trái ngành" nhưng GS Hải & GS Thiệp rất có công đóng góp trong việc xây dựng lý luận khoa học giáo dục VN... Nếu cho rằng việc làm đó của các Thầy là trái ngành sẽ xúc phạm đến danh dự các Thầy, những người đang có công khai phá con đường khoa học mới.

3. Năm 2009,  Đại học QG Hà Nội có Thầy Bạch Gia Dương được công nhận PGS Vật lý nhưng vẫn được đề nghị bổ nhiệm PGS ở khoa điện tử  - Đại học công nghệ...  Thầy Nguyễn Ngọc San được công nhận GS Tự động hóa vẫn được đề nghị bổ nhiệm GS ở khoa Viễn thông - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, v .v.  Hoặc ở Khoa sư phạm kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội, chủ nhiệm khoa là PGS Toán học Trần Việt Dũng, còn  Phó chủ nhiệm khoa là PGS cơ học Thái Thế Hùng... Nhiều trường đại học  có PGS Toán được đề nghị bổ nhiệm ở khoa Công nghệ thông tin, PGS Sinh học được đề nghị  bổ nhiệm ở khoa sư phạm kỹ thuật.  Nếu tìm hiểu và thống kê đầy đủ, năm 2009 này sẽ có rất nhiều trường hợp như đã trình bày trên. 

Đây là vấn đề khá thú vị và nhạy cảm. Đối với khoa học liên ngành, nếu CSGD ĐH có thiện chí sẽ phân tích trường hợp liên ngành  là đúng ngành, nhưng nếu CSGD ĐH không  thiện chí sẽ phân tích trường hợp liên ngành  là không đúng ngành. Tất cả đều tùy thuộc vào cái “tâm” của CSGD ĐH. Chúng ta phải chấp nhận sự thật đó mà không thể phủ nhận một cách máy móc về khoa học liên ngành. Do quá trình chuyển đổi, khoa học nước nhà đang chuyển mình trên con đường hội nhập với thế giới nên việc  học tập các nước phát triển phải có bước đi hết sức  thận trọng, không nên cứng nhắc trong  việc bổ nhiệm GS, PGS phải đúng ngành mà phải xem xét trong mối tương quan giữa các ngành khi có sư giao thoa lẫn nhau. Nếu thực hiện máy móc, sẽ xảy ra những hệ lụy khôn lường và không tránh khỏi “chạy” bổ nhiệm GS, PGS tạo kẽ hở để các CSGD ĐH loại bỏ các nhà khoa học chân chính, loại bỏ các GS, PGS có tên ngành “không phù hợp”. Trong vài năm nữa khi số lượng GS, PGS được nhà nước công nhận tăng lên nhưng cánh cửa các trường đại học lại “hẹp” (nói theo nghĩa bóng) sẽ xuất hiện việc “chạy” bổ nhiệm GS, PGS và tiêu cực sẽ vì thế tăng lên, tạo nên hình ảnh không đẹp về giới trí thức Việt Nam trong xu thế hội nhập hiện nay.

 

Ngô Tứ Thành

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

 

LTS Dân trí - Chính sách mới đối với việc bổ nhiệm chức danh GS và PGS nhằm đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của các trường đại học nhưng khi vận dụng có thể vướng mắc về quan niệm giữa ngành chuyên môn hẹp và chuyên môn rộng có tính liên ngành, đồng thời còn phụ thuộc vào “thiện chí” của lãnh đạo các trường đại học. Điều băn khoăn đó của tác giả viết bài trên đây không phải là không có căn cứ.

Việc chính thức công nhận hay bổ nhiệm chức danh khoa học GS và PGS không chỉ là nhu cầu của các trường đại học mà còn là quyền lợi chính đáng của các nhà giáo-nhà khoa học xứng đáng với chức danh đó. Vì vậy, việc thực hiện chính sách mới cần giải tỏa được những băn khoăn, thắc mắc của “người trong cuộc” thuộc diện được bổ nhiệm các chức danh nói trên.