“Bệnh” tai nạn giao thông: Đã bắt mạch kê đơn, chỉ còn khâu... "uống thuốc"

(Dân trí) - Hoan nghênh phát biểu và chỉ đạo được đánh giá là “bắt đúng bệnh” của của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường các giải pháp cấp bách ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng, dư luận nhấn mạnh: vấn đề chỉ còn ở khâu "uống thuốc".

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Bệnh đã quá công khai 

 

Trước hết, đó là tình trạng “ai cũng biết, chỉ vài người không biết” (mà thật ra ai cũng hiểu rằng chỉ có thể gọi đó là những… chiêu trò) bởi tiêu cực đã là quá nhiều, diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật chứ đâu có gì bí mật mà phải chờ được người khác "bật mí" thì các cấp quản lý mới… bất ngờ, ngạc nhiên…???

 

“Từ trước tới nay ở VN tồn tại hiện trạng là nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sai phạm đến cực kỳ nghiêm trọng, mọi người dân đều biết mà lãnh đạo ngành họ lại không biết. Hiện tượng đó, theo tôi nghĩ, chỉ lý giải được theo 2 lý do như sau:

 

+ Thứ nhất: lãnh đạo biết nhưng vì ‘bệnh thành tích’ mà ỉm đi, coi như không có vấn đề gì.

 

+ Thứ 2: lãnh đạo chỉ nghe báo cáo giấy tờ, thiếu thâm nhập thực tế. Điều này được trả giá bằng các luật được ban hành bởi các cán bộ chỉ ngồi phòng điều hòa… làm cho người dân bức xúc, điêu đứng trăm bề nhưng vẫn không thấy cán bộ nào làm sai bị đưa ra xử lý.

 

+ Thứ 3: cả 2 lý do trên đều không thể chấp nhận được vì các vị hưởng lương mà vô trách nhiệm với công việc” - Mạnh:  duymanh.visun@gmail.com

 

Riêng về thực trạng tai nạn giao thông (TNGT), đa số người dân cũng hiểu không thể chỉ đổ lỗi cho bất kỳ một phía nào mà cái gì cũng có 2 mặt của vấn đề. Nhưng trước hết, với tư cách thi hành công vụ thì CSGT mới là phía cần thể hiện ý thức trách nhiệm của mình để làm gương cho dân:

 

“Không thể đổ lỗi hết cho lực lượng CSGT được. Tôi thấy các anh ấy thật vất vả. Trời nóng, oi bức thế này, các bác thử ra đường nhựa mà đứng cả ngày xem có chịu nổi không? Hơn nữa quy định luật của ta chưa đủ nghiêm, hiện tượng nhờn luật diễn ra thường xuyên... Luật pháp nên có những quy định cụ thể và phù hợp hơn nữa với thực tế, cho phép người thực thi công vụ sử dụng công cụ hỗ trợ để phòng vệ và xử trí tình huống bất trắc tốt hơn. Mặt khác, nhiều CSGT hiện nay quá yếu kém về mọi mặt. Công việc chính thì không lo làm, chủ yếu lợi dụng công việc để bắt lỗi vi phạm của dân, gây phiền hà, làm ảnh hưởng xấu hơn tới ý thức chấp hành luật pháp của người tham gia giao thông” -  Nguyen Manh: hungthanh0270@yahoo.com

 

“Giải quyết tiêu cực không phải là 1 việc dễ dàng, nhất là trong tình hình giữ gìn TTATGT đang rất phức tạp như hiện nay. Chúng ta cần sự thay đổi lớn chứ không phải chỉ là từ vài cá nhân. Dù sao chúng ta cũng còn chút niềm tin vì vẫn có những con người dám nói thẳng vào sự thật, còn có "dám" thực hiện hay không, có cương quyết  trở thành những người cán bộ có ích cho dân, cho nước hay không thì ....Tôi vẫn chỉ biết… lắc đầu ngao ngán !!!" - Người yêu nước:  nhakhoaduli@gmail.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giám sát nội bộ lực lượng CSGT để phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực (ảnh minh họa)

 

Chờ giai đoạn “uống thuốc”

 

Dù sao, cũng thật hiếm khi giữa dư luận với cách chẩn trị bệnh của các giới chức có được điểm chung, nên tâm trạng bó tay với “cuộc chiến giao thông” xem ra cũng có phần được cải thiện. Để từ đó người dân có thêm động lực để hiến kế, tham góp thêm nhiều ý kiến thiết thực như những phương án phong phú cho đáp án giải bài toán giao thông:

 

“Như vậy, PTT Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đúng nguyên nhân của căn bệnh TNGT của nước ta, cũng đã liệt kê ra được cách điều trị, chỉ còn việc có thực thi (uống thuốc) nữa thôi. Theo tôi, nếu cứ nghiêm khắc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan phụ trách bằng hình thức cách chức vụ, đảm bảo tình hình sẽ tiến triển tích cực lên ngay” - Hai Búa:  sonngahuy@yahoo.com

 

“Bây giờ CSGT thường xuyên giả vờ lấy biên bản ra lập, nhưng biên bản chỉ có 01 liên, ghi chép qua loa rồi hù họa người dân... Mục tiêu cuối cùng là đòi tiền phạt nên thường hành động với cử chỉ rất thân thiện, đó là “để biên bản lại để CSGT đi nộp hộ”... Cuối cùng tiền thật vào túi họ, biên bản 1 liên được xé ngay vì biên bản kiểu đó được sản xuất hàng loạt mà....  Phó Thủ tướng nên cho phép lập những đường dây nóng hoặc dùng mạng Facebook xã hội về CSGT để người dân gửi tin, ảnh, clip… thì sẽ vạch trần được nạn mãi lộ ngay. Khi đó người dân mới yên tâm  tham gia giao thông và không bị ức chế mỗi khi bị CSGT xử ép nữa...” - Vũ Lê:  nganvm@gmail.com

 

“Rất mong những ý kiến của Phó Thủ tướng được thực hiện nghiêm túc. Tôi xin kiến nghị thêm:

 

+ Nhanh chóng thay đổi qua trình xử lý vi phạm sao cho thuận tiện, để người dân không phải chọn "giải pháp hối lộ" CSGT.

 

+ Tăng cường giám sát tốc độ bằng công nghệ để giảm khả năng đối phó của lái xe.

 

+  Lắp đặt hệ thống biển báo hợp lý để hạn chế các lỗi ngoài mong muốn của lái xe, đồng thời tránh để CSGT lợi dụng “bẫy” kiếm tiền của dân.

 

+ Cấm hết các lực lượng không phải CSGT ra đường chặn xe, CSGT thiếu thì đào tạo bổ sung biên chế” - Nguyễn Chính:  chianthi090468@gmail.com

 

“Rất ủng hộ chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Dù rằng phương pháp này không mới, tuy nhiên nếu làm được đến đầu đến đũa thì người dân được nhờ lắm lắm ạ. Tuy nhiên đây phải là lực lượng ĐẶC BIỆT trực thuộc chỉ đạo của Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch UBATGT Quốc gia, không hề bị chi phối bởi bất cứ ai, thậm chí có quyền "Tiền trảm hậu tấu" may ra mới xử lý được. Chứ các lực lượng Thanh tra trong ngành thì chẳng hy vọng gì đâu ạ. Xót xa cho hơn 1 vạn người chết vì TNGT mỗi năm khi chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm…!!!” - Việt:  lipton_liti@yahoo.com

 

Bệnh đã được chẩn trị đúng, thuốc cũng được bốc rồi. Chỉ còn mỗi việc khâu quản lý phải nhìn thấy con bệnh, kiên quyết buộc “uống thuốc” thì mới trị dứt điểm và khiến bệnh không thể lây lan nữa mà thôi.

 

Khánh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm