1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Giám đốc Công an Hà Nội hãy mặc thường phục kiểm tra thực tế”

(Dân trí) - Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói tới việc nâng cao trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường các giải pháp cấp bách ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng hôm qua (6/7), tại Hà Nội.

Phải tăng cường giám sát nội bộ lực lượng công an

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tai nạn giao thông nghiêm trọng (TNGT) xảy ra có trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý Nhà nước, của lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

Theo Phó Thủ tướng, TNGT xảy ra không thể chỉ đổi cho lái xe được mà phải truy cả chủ xe đó là ai, doanh nghiệp nào (doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân) để xử lý hành chính và hình sự. Điều tra, kiểm tra, đóng cửa các cơ sở đào tạo lái xe không đạt tiêu chuẩn.

“Chết người ai chịu trách nhiệm? Trách nhiệm của ai? Trách nhiệm của chúng tôi ở trên Trung ương, trách nhiệm từ Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đến Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, kể cả Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm Trưởng ban An toàn giao thông các địa phương (Chủ tịch tỉnh/thành phố - PV) để liên tục xảy ra TNGT nghiêm trọng trên địa bàn, phải tìm cách khắc phục chứ không thể để mãi tình trạng như thế được…” - Phó Thủ tướng kiên quyết.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải có sự thay đổi về phương thức làm việc và trách nhiệm của lực lượng công an, trong đó CSGT ở trên Trung ương phải đi kiểm tra và đề nghị xử lý Trưởng phòng CSGT các địa phương.

“Tôi nói anh Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, anh vốn từ Cảnh sát hình sự lên, anh hãy đóng giả dân thường để đi taxi, đi xe buýt, phát hiện bao nhiêu xe dù bến cóc ở Hà Nội. Không ai đóng giả người dân để đi thực tế xem người dân ra sao.” - Phó Thủ tướng nói rõ.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giám sát nội bộ lực lượng
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giám sát nội bộ lực lượng
CSGT để phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực

Với Bộ Công an, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường tuần tra lưu động, áp dụng thiết bị công nghệ cao để giám sát và xử lý vi phạm. Xử lý nghiêm mọi trường hợp cán bộ chiến sỹ có hành vi vi phạm, dung túng, bao che và bảo kê cho nạn xe dù bến cóc, taxi (nếu có); thường xuyên đôn đốc, kiểm tra để phát hiện những tiêu cực, mãi lộ.

“Thực tế tiêu cực phát hiện qua báo chí nhiều nhưng phát hiện trong nội bộ thì ít. Lực lượng CSGT không phải lúc nào cũng mặc sắc phục mà phải mặc thường phục đi giám sát nội bộ, thanh kiểm tra cả hệ thống CSGT, tăng cường thanh tra nội bộ để phát hiện và xử lý tiêu cực. Đồng chí Tuyên (Cục trưởng Cục CSGT - PV) phải mặc thường phục đi thanh kiểm tra xem các đơn vị cấp dưới làm việc ra sao, nếu đồng chí không có thường phục thì tôi cho mượn…” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Sau khi nghe đại diện Bộ Công an, Giao thông Vận tải, các địa phương và hiệp hội báo cáo tình hình, Phó Thủ tướng kết luận Hội nghị trực tuyến và tiếp tục nhấn mạnh rằng để ngăn chặn được TNGT thì phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là ngành Công an và giao thông vận tải. Trong tình hình hiện nay, việc thực thi pháp luật và pháp hiệu, phương tiện tăng cao thì phải nâng cao ý thức và quản lý, phải nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ và tăng cường quản lý Nhà nước.

Các Bộ ngành phải phối hợp tốt với nhau, kiểm tra Sở Giao thông Vận tải các địa phương, kiên quyết không để vùng cấm trong quản lý giao thông vận tải, đưa hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô vào loại hình kinh doanh có điều kiện đặc biệt. Chúng ta phải khắc phục tình hình TNGT bằng những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, cụ thể chứ không nói chung chung. Làm rõ trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu, phải phân cấp quản lý và chịu trách nhiệm chứ đừng để tình trạng cha chung không ai khóc…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, khi xảy ra TNGT, có vi phạm giao thông và các đoàn thanh tra về kiểm tra về an toàn giao thông thì lãnh đạo các tỉnh, cán bộ không được phép can thiệp vào việc xử lý của lực lượng chức năng, phải chấm dứt kiểu cứ có sự vụ gì xảy ra lại cầm điện thoại lên để a lô a lô thế nọ thế kia.

Cũng tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mùa mưa bão đã đến, nếu có tai nạn đò ngang xảy ra ở địa phận nào sẽ cách chức Chủ tịch UBND xã, cảnh cáo Chủ tịch UBND huyện và truy trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố.

Tây Ninh: 21 CSGT bị xử lý kỷ luật, chuyển công tác vì tiêu cực

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, qua sơ kết 6 tháng đầu năm cho thấy việc nâng cao ý thức của cán bộ chiến sỹ CSGT trong thực thi nhiệm vụ rất quan trọng.

Tại Hội nghị trực tuyến hôm 6/7, nữ lãnh đạo của tỉnh Tây Ninh cũng báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc nhận được một số cuộc điện thoại của một số chủ xe phản ánh CSGT làm nhiệm vụ không công minh khi có xe thì bị phạt liên tục, có xe thì không phạt bao giờ.

“Công an tỉnh Tây Ninh đã xây dựng chuyên án để điều tra và phát hiện tiêu cực khi đa phần lực lượng CSGT vi phạm quy định, CSGT để cho các nhà xe biết số điện thoại rồi có những hành động như mời đi uống rượu, mua card điện thoại gửi vào số máy của các chiến sỹ CSGT…” – bà Thủy cho hay.

Theo bà Thủy việc xử lý đã được thực hiện nghiêm, có 21 cán bộ chiến sỹ CSGT đã bị xử lý kỷ luật và điều chuyển công tác khác. Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh cũng đưa ra quy định đối với lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát không sử dụng điện thoại di động mà chỉ được sử dụng bộ đàm để thông tin.

Quỳnh Anh