Phiếm đàm

Bất ngờ, lại bất ngờ, lúc nào cũng bất ngờ

(Dân trí) - Vậy là từ "bất ngờ" đâu phải là xuất hiện cá biệt, mà được nhiều quan chức sử dụng thường xuyên, lặp đi lặp lại ở trường hợp này, trường hợp khác, trong vụ việc này, vụ việc khác, ở nơi này, nơi khác, gắn liền với những từ Chưa nhận được báo cáo của cấp dưới; Chưa thấy dân phản ánh; Chưa thấy quần chúng tố giác...

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Đang cầm chiếc smartphone đọc tin tức hiển thị trên báo điện tử, bạn tôi bỗng ném nó xuống bàn, than:

- Ôi, ôi trời...... thế là lại thêm một từ mới được bổ sung vào trong cuốn sách Từ điển Ngôn ngữ hành chính Việt Nam

Mấy người ngồi quanh dướn mắt nhìn bạn tôi, tò mò chờ đợi lời nói tiếp.

Thấy vậy, bạn tôi tay dí chiếc smatphon vào tận mắt từng người, miệng nói:

- Đây, đây, cái từ mới nó đây. Đó chính là từ bất ngờ, được xuất hiện khi phóng viên hỏi nguyên Bí thư, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự là người ký cấp phép cho Formosa rằng: Hậu quả Formosa gây ra với bốn tỉnh miền Trung ngày hôm nay ông có từng nghĩ đến khi đặt bút ký giấy phép cho họ? Ông Cự trả lời: “Thật sự là bất ngờ. Đùng một cái xảy ra sự cố, nghe như kiểu là tin giật gân...” Nghe ông ấy nói vậy, tôi nghĩ với công nghệ chưa phải là tiên tiến như của các nước G7, Fomosa gây ô nhiễm môi trường là đương nhiên, chuyện ô nhiễm môi trường do Fomosa gây ra là điều đã được báo trước và trên thực tế Fomosa đã gây ra nhiều vụ ô nhiễm môi trường nặng nề ở một số nước trên thế giới, bị những nước này tẩy chay, chỉ một người dân bình thường vào mạng gõ từ khóa Fomosa là thấy ngay. Vậy mà ông Cự là một nhà quản lý cao nhất của Hà Tĩnh lại nói bất ngờ trước thảm họa cực kỳ nghiêm trọng do Fomosa gây ra thì thật lạ cho ông ấy.

Và bạn tôi giải thích tiếp:

- Còn có thể có ông hỏi: Tại sao từ bất ngờ này lại phải đưa vào cuốn từ điển ngôn ngữ hành chính Việt Nam. Tôi nghĩ, nếu chỉ một quan chức cá lẻ như một mình ông Cự nói ra câu này thì chưa thể đưa vào từ điển hành chính, nhưng thật buồn là không hẹn là gặp, từ bất ngờ lại được xuất hiện thường xuyên ở nhiều quan chức. Cụ thể, trước đây nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh việc cán bộ thanh tra giao thông Cần Thơ bắt các nhà xe, doanh nghiệp (khoảng 50 doanh nghiệp) có xe tải đi qua địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thuỷ phải đóng tiền “bảo kê” cho mỗi đầu xe mỗi tháng từ 1 đến 3 triệu đồng. Xe nào đã chung chi thì không bị bắt, còn xe nào không “làm luật” thì sẽ bị lực lượng thanh tra giao thông bắt. Nhưng phản ánh trước đây của nhiều cơ quan báo chí về hiện tượng tiêu cực này bị sở Giao thông Vận tải (GTVT) bỏ xó. Đến khi Công an Cần Thơ đã bắt 3 đội trưởng, đội phó thanh tra giao thông TP và một đối tượng chuyên môi giới thì ngạc nhiên chưa, tại buổi họp báo , báo chí hỏi các cán bộ thanh tra của sở này “làm tiền” các nhà xe, doanh nghiệp xảy ra từ lâu, vậy lãnh đạo sở GTVT có biết không hay đến khi công an gửi thông báo bắt người đến thì Sở GTVT mới biết? Ông Phó Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ đã trả lời rằng, từ trước tới nay không nhận được đơn tố cáo của người dân hay doanh nghiệp nào về việc làm sai trái của các cán bộ này nên không biết mà chỉ đến khi vụ việc xảy ra, cơ quan công an gửi thông báo về, Sở mới biết. Ông ta nói: “Khi thấy thông báo bắt người, cá nhân tôi rất bất ngờ

Lại nữa, nói về vụ cấp giấy chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm, theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản trực thuộc Tổng cục Thủy sản chấp nhận chất lượng và phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép cho lưu hành. Trớ trêu thay,việc tưởng như cực kỳ nghiêm ngặt vì liên quan đến sức khỏe cộng đồng mà để được vào danh mục sản phẩm này dường lại không hề khó. Doanh nghiệp đâu cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng sản phẩm mà chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng/sản phẩm để trả cho Giám đốc Trung tâm trên là nghiễm nhiên có tên trong danh sách. Và kinh ngạc là hơn 2 năm qua, có đến hơn 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản đã vô tư lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện. Ấy vậy mà một quan chức của Thanh tra Chính phủ nói tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ rằng: “...Ngay trong cơ quan thanh tra, kiểm tra, chúng tôi cũng thấy quá bất ngờ trước việc đó”.

Vậy là từ bất ngờ đâu phải là xuất hiện cá biệt, mà được nhiều quan chức sử dụng thường xuyên, lặp đi lặp lại ở trường hợp này, trường hợp khác, trong vụ việc này, vụ việc khác, ở nơi này, nơi khác, gắn liền với những từ Chưa nhận được báo cáo của cấp dưới; Chưa thấy dân phản ánh; Chưa thấy quần chúng tố giác... thành một cụm từ có tần suất được lặp đi lặp lại nhiều không kém gì cụm từ: "Quan liêu; Buông lỏng quản lý; Vô trách nhiệm trong công việc" và “ Đúng quy trình; Kiểm điểm nghiêm khắc; Rút kinh nghiệm sâu sắc...” trong cuốn sách Từ điển Ngôn ngữ hành chính Việt Nam.

Nguyễn Đoàn