Bất động sản: Để băng tan tự nhiên hay cứu... giá?

(Dân trí) - Phản hồi của dư luận nói chung vẫn chưa tích cực hơn, dù Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định: nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ không nhằm giải cứu người giàu mà vì mục đích chung của nền kinh tế.

Quy luật thương trường
 

 

Quy luật thương trường

 

Trong hàng trăm phản hồi sớm nhất của bạn đọc Dân trí, cũng có vài ý kiến ủng hộ biện pháp “giải cứu” bất động sản (BĐS), nhưng vẫn thận trọng kèm theo điều kiện, hoặc nêu ra những đánh giá khác về bản chất vấn đề, hoặc nhấn mạnh điều gì mới là cần nhất với người dân.

 

Đồng thời, bên cạnh câu cửa miệng: Thương trường như chiến trường, bạn đọc còn lưu ý 1 quy luật đơn giản: Giá rẻ = đắt khách, mà giá “trên trời” = vắng như chùa Bà Đanh.

 

“Giải cứu BĐS là đưa nền kinh tế hoạt động năng động lên , cả xã hội sẽ tốt hơn. Nhưng các biện pháp thực thi cần thực sự dân chủ, công bằng, công khai tránh lợi dụng chính sách của nhà nước để phục vụ cho lợi ích nhóm. Nếu được thế thì chắc sẽ được toàn dân ủng hộ “- Đỗ Quốc Tuấn:  doquoctuan2512@yahoo.com

 

“Doanh nghiệp ‘chết’ thì người lao động chết nhiều, chứ bản thân chủ doanh nghiệp vẫn không bị liệt vào hộ nghèo. Cứu doanh nghiệp chính là cứu người lao động” - Trần Duy Quang:  laogiadiendien@yahoo.cm.vn

 

“Nhìn nhận vấn đề ở góc độ rộng hơn sẽ thấy cứu thị trường BĐS thực ra là giải quyết hàng tồn kho về nhà đất, chủ yếu ở 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh thôi. Không phải là chỉ "cứu người giàu" nhưng cũng không phải là vì đa số người nghèo, mà theo tôi nghĩ thì đơn giản là sự sửa sai về chính sách và yếu kém trong quản lý thị trường BĐS thôi” - Nguyen Thanh:  nxthanh20@yahoo.com

 

“Gần đây đọc tin về ‘giải cứu BĐS’ quá nhiều. Trời ơi! Trên đời này làm gì có chuyện cần phải giải cứu một ‘món hàng’ nào đó chứ! BĐS cũng là ‘món hàng’, nên nếu người tiêu dùng thấy hàng có giá hợp lý thì người ta sẽ tự động mua, đâu cần CP phải can thiệp làm chi? Thử hỏi nếu như có một ngày đẹp trời nào đó, những người bán trà đá bỗng dưng đồng loạt lên giá…10 USD/ 1 ly trà đá, sau 1 tháng bán không được… Trà đá ế ẩm, vậy lúc này sẽ lại cần có ai nhảy vào… giải cứu trà đá sao? Và còn những người bán bánh mì, mía ghim, quần áo cũ…cũng có cần giải cứu họ hay không nếu bán ế?

 

Theo tôi nghĩ, hãy cứ để họ tự điều chỉnh giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Anh lãi thì có kêu ai đâu, bây giờ lỗ thì anh phải tự ráng chịu thôi. Chuyện này cũng là thường với giới kinh doanh mà… Giá rẻ = đắt khách, mà giá “trên trời” = vắng như chùa Bà Đanh. Chấm hết”- Quan Cathay:  quan@daicathay.com

 

“Điều người dân cần nhất bây giờ là Chính phủ can thiệp để đưa  BĐS về với giá trị thực của nó, chứ với giá như hiện nay vẫn còn rất cao. Với giá này các doanh nghiệp BĐS thực chất vẫn lãi nhiều.  Từ những năm trước họ đã đẩy giá lên cao ngất ngưởng để hưởng lãi và tạo ra bong bóng BĐS cho xã hội.  Khi đó sao không thấy ai hô hào cứu thị trường để đưa giá xuống, để ổn định thị trường cho người dân được nhờ nhỉ? Vậy nên tôi nghĩ, cứ để cho thị trường tự điều tiết thì nền kinh tế mới phát triển bền vững cho lâu dài được. Đó cũng là mong mỏi của người dân và của cả nền kinh tế” - Vu Quốc Hoàn:  quochoan126@yahoo.com.vn
 
Cứu giá hay cứu người

 

Cứu giá hay cứu người

 

Còn giữ được ít nhiều sự tin tưởng và hy vọng thì mới nói được vậy. Trong khi đại đa số ý kiến người dân vẫn đậm màu sắc tiêu cực khi cân nhắc mọi nhẽ giải pháp cứu BĐS này. Hàng loạt câu hỏi (kể cả sử dụng kiểu tung hứng câu chữ) vẫn được nêu ra. Đặc biệt, nghịch lý khi lãi thì im hơi lặng tiếng, lúc lỗ lại kêu gọi… giải cứu vẫn được xoáy sâu:

 

“Theo tôi, đây là giải pháp chỉ nhằm "Cứu Giá" BĐS. Nếu không thể trông chờ giải pháp này, BĐS bắt buộc phải giảm giá thật nhiều nữa, lúc đó người thu nhập trung bình mới có thể mua được nhà mà không phải vay nợ lãi "ưu đãi". Gom tiền của từng gia đình, của toàn xã hội sẽ tạo đà phát triển kinh tế mà không cần phải "cứu"” - Nguyễn Khánh Phương:  khanhphuong710@yahoo.com.vn

 

“Khi khủng hoảng xảy ra, các tập toàn và công ty lớn không thu hồi được bất động sản. Điều đó có nghĩa là:"một phần tài sản của họ nằm chết trên đất". Cùng với giá đất đi xuống, tài sản của họ bay hơi dần dần. Với những người dân thì sao? Giải cứu BĐS họ được gì? Theo tôi, người dân chẳng được gì nhiều. Họ vẫn đi làm nuôi sống bản thân, giá đất lên có làm lương họ tăng lên không? Ảnh hưởng của giá đất lên đời sống không nhiều.  Dẫu bây giờ kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa tăng vọt nhưng khó khăn là chung của thế giới, không phải tại đất.

 

Tôi ở Hoài Đức, Hà Nội giá đất năm 2004 là 5 triệu/1m2, đất “sốt” vào 2008 với đỉnh là  20triệu/m2. Giờ khủng hoảng nhưng giá đất vẫn là 10-12triệu/m2. Giá đất hiện thời chưa phải là giá gốc. Bao giờ quay trở về mốc ngày xưa thì hãy cứu. Hãy đảm bảo là cứu BĐS chứ không phải là làm giàu cho một số công ty hay tập đoàn nào đó đang ‘ôm’ đất” - Lê Văn Tám:  nongdan9x@yahoo.com

 

“Tôi thấy tất cả mới chỉ là lý thuyết mà thôi. Còn nếu đúng như Bộ trưởng nói thì dù giá nhà có rẻ,  cũng chì một phần rất nhỏ người dân được mua. Còn lại thì ai cũng biết… lại rơi vào tay (quyền lợi nhóm) là các đại gia lắm tiền, cán bộ công quyền là chính  (vì thực tế ở VN hiện nay, giữa lời nói và việc thực hiện đúng chính sách là luôn có một khoảng cách quá lớn)” - Lê Đức Lợi:  leducloi.52@gmail.com

 

“Tôi không tin cứu BĐS thì người thu nhập thấp được hưởng lợi hơn người giàu. Chỉ những người giàu càng giàu thêm, những người thu nhập thấp chỉ suốt đời ở trọ thôi, làm gì có tiền mua BĐS?” - Pham Dang:  dang01639@yahoo.com

 

“Gốc rễ của vấn đề là thu nhập của người dân. Thu nhập thấp và không ổn định thì… lều cũng không mua được chứ đừng nói nhà. Cần cứu những ngành sản xuất ra của cải cho xã hội (sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu được - con người cũng là 1 loại sản phẩm nhưng ở VN mình giá trị xem ra vẫn… quá rẻ). Còn địa ốc chỉ nên xác định là ngành hỗ trợ cho ổn định xã hội thì hay hơn” - NDC:  cuongbtc@gmail.com

 

Bởi thế cho nên quan điểm chung của đa số người dân vẫn là: Cứ để thị trường tự điều tiết.

 

“Cứ để tình trạng BĐS đóng băng thêm vài năm nữa thì người bình thường mới có khả năng mua nhà được. Như vậy không việc gì phải cứu  cả. Việc cứu tình trạng đóng băng BĐS có lẽ chỉ tạo điều kiện cho những người đầu cơ BĐS mà không lợi gì cho những người làm ăn chân chính…” - Hồng Hạnh:  minhden57@gmail.com

 

Kiều Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm