Bập bênh giá cả: Xăng dầu xuống có bằng điện nước lên…

(Dân trí) - Tin giá xăng giảm lần thứ 5 liên tiếp trong vòng 2 tháng qua lẽ ra phải gặt hái được nhiều phản hồi tích cực hơn từ dư luận. Song điều đáng tiếc là tin vui lại đã bị bao phủ bởi bóng đen tăng giá nước và giá điện ngay trước đó mất rồi.

Giá xăng dầu xuống có bằng được giá điện nước lên?
Giá xăng dầu xuống có bằng được giá điện nước lên?
 

Mệt vì giá!

 

Lời than thở đó được Sơn sontcdo12@gmail.com dùng làm câu kết cho phản hồi ngắn ngủi nhưng đầy đủ cả khen - chê:

 

“Tất nhiên là giảm được bao nhiêu thì tốt chừng ấy, nhưng giá điện lại tăng, nước cũng tăng, rồi đâu lại vào đấy cả... Vẫn mệt với Giá thôi!”

 

Nhiều ý kiến đồng tình khác cũng nêu rõ nỗi ấm ức trước việc ngành Điện và ngành Nước có vẻ đã nhanh chóng chộp thời cơ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa lần đầu tiên được thông báo giảm sau gần 40 tháng tăng liên tiếp, để nhanh chóng tuyên bố tăng với mức giá chóng mặt. Để rồi có thể chốt lại là: đâu vẫn hoàn đấy nên có vui thì cũng chỉ là vui gượng mà thôi...

 

“Xăng giảm  thì điện nước lại tăng giá. Nói chung không có gì thay đổi nhiều” - Lý Đức:  lyduc@yahoo.com

 

“Bình luận rất đúng. Mọi người đang chóng mặt với giá điện, nước đây. Mấy ngày nay dân chúng ai ai cũng than phiền, nghe mà buồn ghê!” - Tuan: chuongwong@yahoo.com

 

“Thêm 1.000đ hay 500đ để mua xăng thì không phải là cái gì đó quá khó khăn và mỗi ngày cũng chỉ đỡ được vài nghìn thôi. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là cứ khi các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu tăng giá, thì các dịch vụ khác cũng theo đó mà thi nhau đội giá lên. Nhưng khi xăng dầu xuống giá thì liệu các mặt hàng, các dịch vụ đó có xuống theo hay không??????” - Hải Nam: muamaytinhcu.hn@gmail.com

 

“Giá xăng dầu xuống đương nhiên là vui rồi. Nhưng vẫn còn một nỗi lo nữa, đó là giá cả các mặt hàng ăn theo giá xăng dầu vẫn không giảm. Khi giá xăng dầu lên thì những thứ đó cũng lên, nhưng khi giá xăng xuống thì nhưng thứ đó vẫn vậy. Thậm chí nếu lần sau giá xăng dầu lên giá trở lại, thì giá những thứ đó lại tăng tiếp. Ví dụ như giá cước vận tải chẳng hạn,  khi giá xăng dầu lên các hãng xe khách lập tức tăng giá vé. Nhưng khi giá xăng dầu xuống thì giá vé vẫn như vậy, chẳng thấy điều chỉnh gì cả. Mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại cả những vấn đề đó để cho lòng dân phấn khởi. Xin cảm ơn” – Thu Quang:  thuntcic11@gmail.com

 

“Thực ra tăng thêm 500-1.000đ đối với mặt hàng xăng dầu cũng chưa sao, nhưng giá xăng dầu tăng thì vô tình các mặt hàng khác lại đồng loạt tăng giá như 1 cuộc ăn theo, gây nên tình trạng "bão giá". Đi chợ bây giờ các bà các chị nói "như bị mất cắp", chỉ khổ người dân lao động.... Cần đồng loạt giảm giá xăng dầu và các loại hàng hóa khác. Đề nghị các cơ quan chức năng duy trì và giảm mức giá hiện tại đối với mặt hàng xăng, không nên để tăng giá xăng trong thời điểm nhạy cảm như năm nay” - Quan:  quanhitt@gmail.com

 
Tăng giá dân kêu, giảm vẫn thở than (ảnh minh họa: An ninh Thủ đô)
Tăng giá dân kêu, giảm vẫn thở than (ảnh minh họa: An ninh Thủ đô) 
 

Tăng dân kêu, giảm vẫn thở than

 

Đúng là giờ đây khi xã hội nhìn chung đã phát triển lên những mức mới cao hơn hẳn trước đây, cuộc sống so với thời chiến tranh, bao cấp đã một trời một vực, nhưng vì sao  dân ta lại hay bức xúc, kêu ca, than thở nhiều hơn như Ấd anhbmt_tangau@yahoo.com đặt câu hỏi:

 

“Không biết người dân nước khác thì thế nào, chứ tôi xem bình luận của các bạn qua những lần giảm trước thì thấy: giảm cũng than mà tăng cũng kêu. Liệu lần này có ai tiếp tục như vậy nữa không? Chúng ta lại tiếp tục chờ xem”.

 

Trả lời câu hỏi đó, ý kiến của đa số bạn đọc cho thấy cái chính là vì người tiêu dùng xưa nay vẫn bị đẩy vào tình cảnh phải chấp nhận bất cứ mặt bằng giá cả nào dù thường xuyên bất lợi cho mình. Trong khi các doanh nghiệp “con cưng” như xăng dầu, điện, nước… mỗi khi tăng giá đều viện dẫn những lý do đâu đâu khó có thể khiến người khác tâm phục, khẩu phục:

 

+ Trước hết nói về giá dù đã giảm tới 5 lần liên tiếp, nhưng tổng cộng lại vẫn chưa bằng với đà tăng dù theo kiểu “nhát 1, nhát 2” và vẫn là cao so với giá nhiều nước khác phát triển hơn VN:

 

“Giá xăng vẫn cao hơn 2 năm trước. Báo chí đăng tin là giá dầu thô thế giới giảm xuống mức thấp hơn 2 năm trước, mà giờ giá xăng như hiện nay là vẫn quá cao bởi năm 2010 giá xăng chỉ có 12.000 vnd 1 lít” - Phông:  thanh@yahoo.com

 

“Tôi  vẫn chưa hiểu lắm, vì cách đây 3 năm giá dầu thế giới 140 USD/thùng, mà khi ấy giá trong nước mới 19.000 đồng/lít xăng. Cứ cho là lạm phát và nhiều yếu tố khác đi nữa, cũng không thể có sự chênh lệch giá xăng hiện tại quá lớn như vậy được” - Tâm:  anhtam@yahoo.com

 

“Giá xăng ở Việt Nam vẫn là quá cao so với Malaysia. Tại Malaysia thời điểm này xăng A92 là 1,99 RM x 6.800 VNĐ/RM = 13.532 VNĐ. Như vậy tôi thấy là mấy ông xăng dầu VN vẫn lãi quá cao” - Nguoi dan:  123@gmail.com

 

“Giá xăng ở VN hiện là 20.600 đồng (tương đương 1 đôla)  một lít, trong khi giá xăng bên Mỹ là 3,61 đôla một gallon (loại 89) -  gần 4 lít. Như vậy giá xăng bên VN vẫn cao hơn giá xăng bên Mỹ rồi” - Tuy Can:  tuycan@hotmail.com

 

“Cứ tăng vọt lên 1 nhát rồi giảm nhỏ giọt như thế này thì dù có về giá cũ, các bác xăng dầu cũng đút túi khối tiền ấy nhỉ. Kiểu này chắc không bao giờ các mặt hàng tiêu dùng giảm giá được đâu? - Phúc:  phuc@gmail.com

 

“Tăng thì từ 2.000- 3.000 đồng, còn giảm thì từ 200-800 đồng, thế thì giảm 10 lần như vậy mới bằng 1 lần tăng” - Lê Thị Vốn:  von.tamphuc@gmail.com

 

+ Thứ 2 là từ kinh nghiệm thực tế về chuyện “tăng nhiều, giảm chẳng được bao nhiêu”, “lùi 1 bước để tiến 10 bước”…  người dân đã mất lòng tin và luôn bị “bóng ma” nghi ngờ ám ảnh:

 

“Giảm 5,6 lần mới được chừng ấy... Trong khi không biết lần tăng sắp tới gấp mấy lần giảm đây? Dân mình đừng vội mừng mà lại thất vọng như từng xảy ra với giá xăng dầu và gần đây nhất là với giá điện nước đấy!” - Trần Văn Lâm:  u34_1@yahoo.com

 

“Giảm 5 lần liên tiếp mà mới xuống được có 3.200đ, trong khi đó tăng 1 lần đã vượt quá con số đó rùi. Vẫn không thể chấp nhận được cách điều hành luôn bất lợi cho người tiêu dùng như vậy của liên bộ Tài chính và Công Thương” - Thang: Thang.cmaxx@gmail.com

 

+ Thứ 3 là cán cân lợi ích dù tăng hay giảm, dù các doanh nghiệp luôn kêu lỗ thì người dân ai cũng thấy rõ vẫn luôn “nghiêng về phía người giàu”, về các doanh nghiệp “con cưng”. Vậy nên ngay cả chuyện giảm giá dù được không ít người hoan nghênh, song động cơ và sự thực tâm trong đó vẫn bị nghi ngờ:

 

“Theo tôi nghĩ, lần giảm giá này là bất ngờ nhưng có thể hiểu được, vì Bộ mới cho các doanh nghiệp tự định giá xăng dầu nên họ giảm giá để tỏ ra như thế là có lợi cho người tiêu dùng. Rồi sau đó nếu khi giá dầu lên một chút chắc là họ lại ào ào tăng giá? Tôi và nhiều người vẫn nghi ngờ như vậy, vì các chính sách trước đây đã khiến người tiêu dùng đã không còn mấy sự tin tưởng vào thực tâm của họ nữa rồi” - Ngô Văn Hoàng:  hoasua19802000@yahoo.com

 

“Vẫn là cái chiến thuật cũ xưa nay hay dùng. Thế giới họ mừng vì giá xăng dầu tuột dốc, còn VN ta vẫn chỉ tăng một cục và giảm nhỏ giọt thành nhiều lần. Khi các doanh nghiệp lỗ thì nhà nước và các bộ thi nhau kêu khổ giúp các doanh nghiệp và mong được sự chia sẻ của người dân. Thế giờ họ lãi khủng, dân vẫn phải mua với giá quá cao so với cả các nước phát triển thì họ có chia sẻ cùng người dân không? Các bộ ngành quản lý có nghĩ cho dân? Quyền lợi giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà nước có phải đã thực sự được coi trọng như nhau? Trong khi chúng tôi thấy rõ thực tế là chỉ DN và nhà nước hưởng lợi khi giá xăng dầu giảm mạnh, còn người dân vẫn chịu cái cảnh vài chục ngày hoặc cả tháng giảm 1 lần và mỗi lần là vài trăm đồng. Còn tăng thì…” – Le Thang:  lethang1368@yahoo.com
 
Nhân viên điện lực TPHCM ghi chỉ số điện (ảnh: Hồng Thủy, nguồn: báo Người Lao động)
Nhân viên điện lực TPHCM ghi chỉ số điện (ảnh: Hồng Thủy, nguồn: báo Người Lao động)

 

Tín hiệu tích cực

 

Dù sao thì lần công bố giảm giá xăng dầu mới nhất này cũng được dư luận phản hồi lại với nhiều tín hiệu tích cực hơn. Nhưng điều được trông chờ hơn cả vẫn là sự bình ổn giá cả bền vững, tránh cho người dân lúc nào cũng phải canh cánh bên mình nỗi lo về sự mất ổn định của giá thị trường:

 

“Cần giảm thêm nữa để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân đi, các bác ơi. Dù sao tôi nghĩ đây cũng là những tín hiệu cho thấy sự quan tâm của các ngành, các cấp tới XH. Hy vọng sẽ còn nhiều biện pháp mạnh tay hơn nữa nhằm hỗ trợ dân trong thời buổi khó khăn hiện nay” – bạn đọc có email:  winter_willcome@yahoo.com

 

“Các bạn ơi, đừng nói vậy!!! Với tôi thì cứ giảm được ít nào hay ít đó. Ví dụ giảm được 600đ/lít là mỗi lần đổ xăng tôi đã giảm được khoảng 27.000đ tương đương với 1,3 lít rồi. Xấp xỉ 2,9%. Nhưng ở đây là vấn đề tăng thì nhanh, giảm quá từ từ. Tăng 10 giảm 2. Thật khổ cho những người như chúng ta, không đổ thì không làm ăn gì được!!! Vậy kính mong các vị giới chức quản lý nên có những biện pháp hữu hiệu hơn, Vì Dân hơn chút nữa!!!” -  TOP:  huytope@yahoo.com

 

“Nghe tin xăng giảm giá 600d 1 lít mà nhẹ cả người. Ngày nào tôi cũng phải đổ xăng và mỗi lần đổ xăng lại thấy xót hết cả ruột. Hy vọng xăng tiếp tục giảm nữa” - Do Le:  dodieulehang1312@gmail.com

 

“Wa, đã lâu rồi mới thấy xăng giảm liên tục trong  thời gian ngắn như vậy, hy vọng các mặt hàng khác cũng sẽ được giảm theo. Nếu như điện và nước cũng giảm được thì tốt biết mấy” - Boys:  hoangdangtiep@gmail.com

 

“Mong nhà nước mau bình ổn giá, chứ cứ theo đà xuống rồi lại lên thì giá xăng dầu Việt Nam lúc nào cũng cao hơn của thế giới. Vậy thì  cần cho biết nguyên nhân tại sao giá xăng dầu tăng mạnh như thế, trong khi VN đâu phải nước giàu. VN vẫn là nước đang phát triển, giá cả thị trường phải được bình ổn chứ. Tôi cũng là người quan tâm đến đời sống xã hội, thấy giá cả cứ tăng nhanh kiểu leo thang thế này thì thật sự là không ổn cho lắm” - ChungPQ:  chungnse09071@gmail.com

 

Tóm lại, ai cũng có thể thấy phần lợi nghiêng về bên nào trong tương quan giá cả theo kiểu “bập bênh” lên lên, xuống xuống thế này. Bởi vậy tâm trạng chung vẫn là mừng ít lo nhiều.

 

Kiều Anh