Bạn đọc viết
Bảo tồn lễ hội hay bảo tồn văn hóa lễ hội
(Dân trí) - Các lễ hội là nét văn hóa đẹp có từ ngàn xưa, nó luôn hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Nhưng chính con người với những suy nghĩ thô tục đã làm các lễ hội dần mất đi giá trị tốt đẹp thuở sơ khai. Chúng ta cần duy trì, bảo tồn văn hóa lễ hội chứ đừng chỉ bảo tồn lễ hội mà thôi.
Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng 2 cờ bạc, tháng 3 rượu chè ... Câu ca dao ấy đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt bao năm nay như một truyền thống lâu đời. Văn hóa người Việt được hình thành từ văn hóa nông nghiệp, thuở còn mông muội, con người không giải thích được các hiện tượng tự nhiên nên đã có một niềm tin mãnh liệt vào thần thánh. Các tục lệ, lễ hội cũng được hình thành từ đó mà ra.
Dọc theo đất nước ta, các lễ hội có ở khắp nơi, theo thống kê năm 2009, Việt Nam có đến 7966 lễ hội mà trên 80% là các lễ hội dân gian. Các lễ hội thường được tổ chức vào dịp đầu năm, thế nên mới có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Với gần 8000 lễ hội được tổ chức ở khắp nơi, chúng ta thử nhẩm tính xem có bao nhiêu lượt người tham gia lễ hội vào cái tháng ăn chơi đó?
Kết quả là người người đi lễ hội, nhà nhà đi lễ hội, tất cả các công ty, cơ quan xí nghiệp đặc biệt là các cơ quan nhà nước đều nô nức đi lễ dẫn đến công việc bị đình trệ, tốn kém tiền của, ảnh hưởng đến sản xuất. Chỉ cần nhìn lượng người chen chúc nhau trong các lễ hội cũng đủ biết sự vắng vẻ ở các cơ quan, xí nghiệp như thế nào, chỉ cần nhìn đoàn ô tô biển xanh xếp hàng dài hàng km cũng đủ biết các cơ quan nhà nước làm việc ra sao trong những ngày đầu năm mới.
Ngày nay, khi đất nước ta dần chuyển sang nền kinh tế công nghiệp, khoa học đã phát triển, nhưng tư duy về tâm linh, niềm tin vào thần thánh không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn bao giờ hết, thậm chí là tin một cách mù quáng. Điều đó phần nào phản ánh con người đã dần mất niềm tin vào cuộc sống thực tại và họ sẽ đi tìm niềm tin ở các đấng siêu nhiên với các quyền lực vô song có thể cho họ tất cả từ tiền tài danh vọng đến sức khỏe, may mắn.
Thoạt đầu những tưởng đó là truyền thống tốt, là nét văn hóa đẹp nhưng ngẫm nghĩ lại nếu một dân tộc không chịu phấn đấu lao động mà chỉ biết tin vào tâm linh, biếu xén thần linh rồi cầu xin giúp cuộc sống tốt đẹp hơn thì quả là cực kỳ nguy hiểm.
Khi bỏ bê công việc để đi lễ hội cầu xin, liệu rằng công việc của chúng ta có tự hoàn thành được, liệu rằng tiền bạc có tự chảy vào túi chúng ta như chúng ta vừa xin xỏ? Không, hoàn toàn không, thậm chí còn trái ngược lại. Người ta đến hội trước tiên là cầu sức khỏe nhưng nhiều người sau khi đi lễ hội xong điểm đến tiếp theo lại là ... bệnh viện, đó là do tranh cướp hoa tre ở hội Gióng, tranh cướp ấn ở đền Trần, cướp quả phết ở hội Hiền Quan ... và nhiều lễ hội khác.
Lại có nhiều người cầu tiền tài, may mắn, sau khi chắc bẩm thần linh đã nhận “quà” của mình và thực hiện theo lời cầu xin, họ ra ngay cổng đến, chùa mua những lá vé số với mong muốn “trúng quả” nhưng cuối cùng lại mất tiền oan.
Một con người muốn có tiền tài danh vọng không có cách nào khác là phải nỗ lực học tập và lao động, một đất nước muốn phát triển không có cách nào khác ngoài việc phấn đấu vươn lên bằng chính những chính sách, những đầu tư đúng lúc đúng chỗ.
Đời sống vật chất và tâm linh luôn là hai thái cực của cuộc sống, vật chất giúp con người tồn tại, tâm linh giúp con người vui vẻ, thanh thản. Nếu mù quáng sống dựa quá nhiều vào tâm linh thì sự thanh thản sẽ không còn nữa mà thay vào đó là những sự tranh giành, mua bán, hối lộ rồi tự chuốc về những lo sợ hão huyền.
Các lễ hội là nét văn hóa đẹp có từ ngàn xưa, nó luôn hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Nhưng chính con người với những suy nghĩ thô tục đã làm các lễ hội dần mất đi giá trị tốt đẹp thuở sơ khai. Chúng ta cần duy trì, bảo tồn văn hóa lễ hội chứ đừng chỉ bảo tồn lễ hội mà thôi.
Mai Văn Chiến - ĐH Công nghệ GTVT
(maivanchien01@gmail.com)