Bạn đọc viết
Bằng giả: Sự vô lí hiển nhiên nhưng lại nghiễm nhiên tồn tại.
(Dân trí) - Ý kiến của Bộ trưởng Luận hoàn toàn chính xác. Ông đã rất can đảm khi nói nên điều này vì trong đó không những có trách nhiệm của Bộ ông đứng đầu, mà còn dám nói cả Bộ Nội vụ nữa.
“Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân” Nhân sự việc này tôi dám xin tát nước theo mưa, trình bày một vài suy nghĩ của mình về chất lượng đào tạo, về cán bộ công chức…..
Trước hết phải khẳng định luôn: Ý kiến của Bộ trưởng Luận hoàn toàn chính xác. Ông đã rất can đảm khi nói nên điều này vì trong đó không những có trách nhiệm của Bộ ông đứng đầu, mà còn dám nói cả bộ Nội vụ nữa.
Lan man chuyện sang đất nước Nhật Bản – Đầu tàu kinh tế của Châu Á, nơi mà hiệu suất lao động của những con người ở đó khiến các quốc gia khác phải thán phục. Tôi có đọc được trên mạng tâm sự của ông Ito Junichi, CEO công ty World Link Japan Inc: “Ở Tokyo, trường đại học nổi tiếng nhất là Đại học Tokyo. Nhưng các sinh viên ở trường này nếu có đến làm cho công ty tàu hỏa của thành phố thì việc đầu tiên họ phải làm là dọn dẹp nhà vệ sinh, cắt vé. Họ phải học lao động bằng chân tay. Họ phải trải qua mọi việc từ dưới lên trên trước khi muốn trở thành sếp. Theo tôi, việc người trẻ không tôn trọng những người lao động chân tay là khuyết điểm rất lớn của xã hội”.
Chắc không phải bàn thêm gì về ý kiến này mà hãy liên hệ với những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta: Một sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm lại có thể trở thành cấp trên chỉ đạo những công nhân đã làm việc 5 – 7 năm. Đó là một sự vô lí hiển nhiên nhưng sự vô lí ấy lại nghiễm nhiên tồn tại.
Nói sang vấn đề công chức: Bộ trưởng Luận nói bằng giả không thể vào được công ty tư nhân, công ty nước ngoài. Đúng. Nhưng vì sao lại thế? Đơn giản lắm, họ không cần tấm bằng mà họ cần khả năng làm việc thực tế, họ cần anh chứng minh cho họ khả năng làm việc của mình. Vì thế nên mới có chuyện nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí chưa có bằng cũng xin được việc tại các công ty tư nhân. Cái mà nhà tuyển dụng cần không phải một tấm bằng, một nhân sự để lấp chỗ trống, một nhân sự làm được việc.
Nhưng việc thi tuyển công chức của chúng ta lại hoàn toàn khác. Tôi xin nói ngay là nó quá lạc hậu rồi. Cái lạc hậu đàu tiên là quá coi trọng bằng cấp (vì sao coi trọng tấm bằng lại là lạc hậu thì xin hãy nhìn lại chất lượng đào tạo, chất lượng của “một tấm bằng ra lò” chắc hẳn ai cũng sẽ hiểu!). Tiêu chí cuộc bất kì cuộc thi tuyển công chức nào cũng là tìm ra người tài, những người tài đó sau này sẽ trở thành một bộ phận lãnh đạo xã hội. Nhưng hãy nhìn vào thực tế. Cái mà đa số những cuộc thi tuyển công chức làm được là gì? Có chọn được người giỏi không? Câu trả lời là “Có”. Có những người giỏi thực sự, còn có những người chỉ “giỏi học thuộc”. Hãy nhìn lại các môn thi là tiêu chí để thi tuyển xem. Đa phần là học thuộc, học thuộc và học thuộc. Hãy bỏ qua chuyện tiêu cực sang một bên vì gần đây các địa phương đã rất tích cực trong việc hạn chế tiêu cực trong việc thi tuyển công chức (hạn chế là một chuyện, còn hay không là một chuyện khác, nhưng trong đây tôi xin không xét tới chuyện còn tiêu cực hay không trong thi tuyển công chức).
Ngoài chuyện tuyển người giỏi học thuộc thì còn vấn đề nữa là phương pháp thi lạc hâu, mà mà nói tới lạc hậu thì có lẽ chỉ nên xét một ví dụ tiêu biểu: Đó là môn tin học. Trong một xã hội mà công nghệ thông tin phát triển từng ngày thì các công chức được thi tuyển môn tin học sử dụng hệ điều hành Windows XP, bộ Office 2003 và một số nơi còn được thi tin học trên giấy! (?) Tôi có một người quen vừa trải qua đợt thi tuyển công chức, chắc là kết quả không cao nên về nhà không được vui. Khi hỏi ra thì tôi cũng phải suy nghĩ: Cháu nói đến 80 - 90% máy tính của các sinh viên bây giờ dùng Windows 7 và bộ Office 2007 hoặc 2010, về chức năng sử dụng thì Windows XP và Windows 7, Office 2003 và Office 2007, 2010 là không khác nhau, nhưng về phương pháp sử dụng thì lại khác nhau, thậm chí rất khác nhau. Một người bắt đầu học sử dụng Office mà tiếp cận với Office 2007 hoặc 2010 thì rất có thể sẽ không sử dụng được (để thi được) Office 2003. Điều này hẳn ai sử dụng máy tính cũng biết. Và chính nó đã gây ra một thực tế đó là người sử dụng được cái hiện đại hơn khi muốn thi công chức lại phải quay lại học cái lạc hậu hơn, mà mục đích của sự ra đời cái hiện đại hơn (trong lĩnh vực này) là để thay thế cho cái lạc hậu. Anh có thể làm được hoàn chỉnh một bài thi trên Office 2010 nhưng anh lại bị trượt vì đề thi yêu cầu sử dụng Office 2003. Thật vô lí phải không nào? Đề thi môn Tiếng Anh cũng vô cùng lạc hậu khi mà dạng đề thi giống như đề kiểm tra của chương trình phổ thông ngày xưa vậy. Chương trình phổ thông bây giờ cũng đã sử dụng dạng đề hoàn toàn trắc nghiệm, còn thi vào các doanh nghiệp thì đã sử dụng tới chuẩn TOEIC hoặc hơn. Vậy tại sao xã hội đã phát triển mà lại cứ “bắt” những công chức tương lai phải sử dụng những cái lạc hậu, lỗi thời vậy.
Thiết nghĩ Bộ Nội vụ không phải học đâu xa, các thi tuyển công chức hãy học theo các doanh nghiệp tư nhân và các ngân hàng thương mại: một đợt tuyển dụng ít nhất có 3 vòng: Thi phân loại (thi trên máy tính như thế đã tiết kiệm được thi tin học, thi tiếng Anh chuẩn TOEIC, thi chuyên ngành, phỏng vấn vòng 1, phỏng vấn vòng 2. Chắc chắn sẽ tìm được người tài thực sự.