Bàn về thi bằng trắc nghiệm?
Tác giả bài này không chống thi trắc nghiệm. Trắc nghiệm có thể áp dụng cho Sinh vật học, cho Vật lý hay Hóa học với những công thức ngắn gọn, hay cho Y khoa với những tình thế bệnh lý hiển nhiên, … Nhưng không cho thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vì nếu theo như UNESCO thì Trung học phổ thông có mục đích là dạy học trò một số tri thức để sống và để làm người trong xã hội.
Minh họa: Ngọc Diệp
Một cách cực đoan, có thể tóm gọn tình trạng hiện thời của đa phần học sinh ở nước ta trong ba chữ: học để thi.
Có lẻ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ý thức được điều đó nên mấy năm gần đây, chú tâm nhiều đến cải tổ thi cử trước nhất cho dự án cải tổ giáo dục.
Lý thuyết mà nói, trào lưu hiện thời của giáo dục thế giới quan niệm rằng thi cử phải nằm trong quá trình học, là một công cụ để biết chỗ nào đã lĩnh hội tận tường, chỗ nào còn cần hoàn thiện để học tiếp – Thi là một phương thức đánh giá đào tạo.
Bên ta có vẻ dùng thi như phương thức chế tài, để phát bằng hay không. Trong hoàn cảnh đó, thi phát sinh ra lối học ứng phó chứ không phải học để biết, học để làm, học để sống với người khác và học để hạnh phúc.
Học tủ, học thuộc lòng, học từ chương là hiện tình thường gặp ở xứ ta.
Thi trắc nghiệm trước mắt có thể là một giải pháp chống học tủ vì trắc nghiệm gồm nhiều câu hỏi chi tiết.
Nhưng học chi tiết để mù tổng thể cũng có thể sẽ là một hậu quả của thi trắc nghiệm.
Thật vậy, nếu học sinh quen với cách hành xử hiện nay, tích lũy nhiều để thi đậu, thì với thi trắc nghiệm, các em sẽ quay sang học chi tiết mà quên tổng thể.
Các câu hỏi trắc nghiệm thường không đo được khả năng đúc kết các kiến thức, không đo được khả năng ứng dụng hay khả năng làm người. Không biết phân tích rồi tổng hợp.
Trắc nghiệm cũng không đánh giá được khả năng nói, viết, diễn tả ý mình suy xét phê bình và bảo vệ lập trường.
Những khả năng này không những được tôi luyện qua môn ngữ văn – thi vẫn còn tự luận theo thay đổi lần này – mà còn thể hiện, ít nhất, qua các môn về khoa học xã hội.
Một cách chung chung, chương trình trung học phổ thông rèn những hiểu biết tổng quát, những tri thức để làm người. Trong đường hướng đó, thi bằng trắc nghiệm không hoàn toàn thích hợp.
Toán thì thi trắc nghiệm được?
Không hẳn.
Cách đây hai năm, dư luận xôn xao với bài toán “đàn cừu và tuổi của vị thuyền trưởng”. Lúc đó, nhiều tiếng nói đã tham gia bàn về phương thức tiếp cận có suy nghĩ. Vì tất cả các môn học, kể cả Toán, đều hướng đến mục đích học làm người, một con người toàn diện có tri thức và có đạo đức. Phải chuẩn bị cho các em biết phân tích một đề Toán chứ không nhắm mắt tìm đáp số.
Đọc một đề Toán cũng cần suy nghĩ như đọc một đề Triết!
Một bằng cớ khác: đại đa số các nhà toán học rất giỏi lý luận và giỏi Triết mà dẫn đầu là Albert Einstein.
Thi trắc nghiệm ít tốn kém và dễ tổ chức, lại bảo đảm khách quan?
Hiện Bộ giáo dục dự trù thi tốt nghiệp bằng trắc nghiệm sẽ đơn giản hóa việc chấm thi và khách quan hóa các điểm vì bài thi sẽ do phần mềm đọc và cho điểm.
Có thể.
Với điều kiện là các QCM – questions à choix multiples – phải được soạn thảo kỹ lưỡng, phải được ứng dụng thử trên một mẫu học sinh có giới hạn để sau đó chỉnh sửa trước khi mang ra làm bài thi cho toàn thể học sinh.
Cũng còn phải “tập huấn” các trò trước khi thi bằng trắc nghiệm, phải cho chúng biết cách chấm điểm – có điểm âm khi trả lời sai hay không chẳng hạn, …-
Ngay tới khi dụng cụ trắc nghiệm hoàn chỉnh, thi bằng trắc nghiệm vẫn phải trả cái giá tâm lý xã hội, cái giá của học lệch, ... Cứ mỗi năm mỗi thay đổi thì thật là bất ổn cho học sinh. Những giá này không đo bằng tiền mà đo bằng tương lai của giới trẻ và sự phát triển của đất nước.
“Không thể cứ thi thế nào thì dạy thế đó”
Hoàn toàn đồng ý với lời của Thứ trưởng Bùi Văn Ga khi ông khẳng định với báo chí như thế.
Nhưng trong bối cảnh Việt Nam, với “văn hóa học để thi” ăn sâu bám rể từ nhiều năm nay không thể nào bảo rằng nhà trường chỉ cần trang bị tốt kỹ năng và kiến thức cho trò thì phương thức thi nào cũng tốt.
Nếu phương thức thi nào cũng tốt thì tại sao phải thay đổi?
Cũng không thể dựa trên thí dụ của một số nhỏ học sinh dự các kỳ thi quốc tế để bắt toàn thể mấy trăm ngàn học sinh thi tốt nghiệp phổ thông phải “đối phó” với những thay đổi trong phương thức thi. Học sinh trường chuyên, “gạo cội” hay “gà nòi” khác với đa số học sinh chỉ muốn học để làm người … vô danh nhưng ... thung dung tựu nghĩa.
Cuối cùng ?
Hình thức thi cữ phải được quyết định theo chủ đích giáo dục, chương trình và phương pháp học chứ không thể ...”để cái cày trước con trâu”.
Học trò, giáo viên và phụ huynh có lý khi băn khoăn trước quyết định thay đổi hình thức thi cử mà Bộ mới vừa quyết định cho 2017.
Nước Mỹ … chuyên môn thi trắc nghiệm nhưng truyền thống Mỹ không khởi thủy bằng học từ chương. Học trò Mỹ quen với Test từ năm lớp 1.
Tác giả bài này không chống thi trắc nghiệm. Trắc nghiệm có thể áp dụng cho Sinh vật học, cho Vật lý hay Hóa học với những công thức ngắn gọn, hay cho Y khoa với những tình thế bệnh lý hiển nhiên, … Nhưng không cho thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vì nếu theo như UNESCO thì Trung học phổ thông có mục đích là dạy học trò một số tri thức để sống và để làm người trong xã hội.
Nguyễn Huỳnh Mai