Bài học vụ con tin năm 1979 với nguy cơ đóng băng quan hệ Anh - Iran

(Dân trí) - Hàng loạt tít lớn trên hầu khắc các trang nhất báo chí vài ngày qua xoay quanh mối quan hệ Iran - Anh đã xấu đi nghiêm trọng. Dư luận VN cũng bàn tán nhiều khi liên hệ vụ việc này với điều tương tự đã xảy ra giữa Iran với Mỹ 32 năm trước.

Bài học vụ con tin năm 1979 với nguy cơ đóng băng quan hệ Anh - Iran - 1
Sứ quán Iran tại London bị đóng cửa (ảnh: Reuters)
 
Giọt nước tràn ly

 

Anh đóng cửa sứ quán và trục xuất người Iran; Anh, Iran trả đũa nhau quyết liệt; Iran giáng cấp quan hệ với Anh, trục xuất đại sứ; Iran muốn chấm dứt quan hệ với Anh; Quốc hội Iran quyết định trả đũa Anh; Iran hạ cấp quan hệ với Anh…Những hàng tít như thế càng nhấn mạnh điểm nóng căng thẳng mới nhất nảy sinh trên trường quốc tế những ngày cuối năm này.

 

Nhiều lời đồn đoán về khả năng một cuộc chiến mới có thể lại nổ ra với Iran vừa rộ lên thời gian gần đây, càng tỏ ra có thêm cơ sở khi cuộc chạy đua của cái mà nhiều người gọi là “khẩu chiến” giữa Iran với một số nước bắt đầu tăng tốc. Hồi tuần trước Anh cùng Mỹ và Canada tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung đối với Iran sau khi Cơ quan nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo nói Iran đã thử các thiết bị liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân. Phản ứng mang tính trả đũa từ phía Tehran, như thường thấy, đến tức thì thông qua quyết định của Quốc hội Iran giảm mối quan hệ ngoại giao với Anh.

 

Căng thẳng tiếp tục leo thang với vụ hàng trăm sinh viên Iran hôm 4/11 xông vào tấn công gây hư hại cho Sứ quán Anh tại Tehran. Dù sau đó Chính phủ Iran đã đưa ra lời xin lỗi, song xem ra sự việc đã bị đẩy đi quá xa dẫn tới những hậu quả ngày càng xấu hơn: hai nước đóng cửa sứ quán nước mình tại nước kia và rút các nhân viên ngoại giao về nước. Đức, Pháp và Hà Lan cũng vừa triệu hồi đại sứ tại Tehran về nước để tham vấn; Mỹ, EU và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ tấn công tại Tehran…

 

Quan hệ song phương Anh – Iran một lần nữa được cho là đang lặp lại kịch bản khủng hoảng tồi tệ, gần giống như sự đổ vỡ năm 1989 sau khi Iran tuyên án tử hình tác giả Salman Rushdie - người sống lưu vong tại Anh. (Hai nước phục hồi quan hệ ngoại giao năm 1999).

 

Song trên bình diện khác, giới quan sát cùng những người quan tâm cho rằng vụ này có nhiều điểm gợi nhớ tới cuộc khủng hoảng con tin chấn động dư luận xảy ra tại Tehran ngày 4/11/1979, mà hậu quả là Tổng thống Mỹ thời đó Jimmy Carter tuyên bố đóng băng tài sản của Iran, đồng thời cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Tehran.

 

Qua những hồi ức sống động của Đại sứ Mỹ tại Iran hồi đó là ông William Healy Sullivan, chúng tôi như được xem lại cuốn phim quay chậm mô tả lại cảnh huyên náo khi hàng trăm sinh viên Iran tràn vào Sứ quán Mỹ tại Tehran năm 1979, bắt cóc 90 nhân viên sứ quán làm con tin; tới những vụ đấu trí, đấu lực… căng thẳng kéo dài suốt 444 ngày đêm khi 52 con tin còn lại vẫn nằm trong tay những người đã bắt cóc họ.
 
Bài học vụ con tin năm 1979 với nguy cơ đóng băng quan hệ Anh - Iran - 2
Phó Tổng thống Mỹ thời đó – ông George Bush cùng các chính khách khác chờ đón số con tin từ Iran trở về
 
Tháo gỡ căng thẳng

 

Một cơ may tình cờ khiến chúng tôi được biết, trong một phái đoàn thương mại Mỹ thăm VN hồi giữa thập niên 90 có một gương mặt khá nổi tiếng. Đó là ông William Healy Sullivan,  người đàn ông có gương mặt đôn hậu và mái tóc bạc trắng rất dễ “nhận diện”, song ông lại chính là 1 tâm điểm rất được dư luận chú ý trong vụ bắt cóc con tin tại Tehran.  

 

Không khó lắm để chúng tôi có được cái hẹn phỏng vấn ông tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội. Ông Sullivan vui vẻ kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm thời làm Đại sứ tại Lào và Philippines trước khi trở thành Đại sứ tại Iran đúng vào thời điểm khắc nghiệt nhất năm 1979.
 

“Suốt đời tôi không thể quên những gì xảy ra tại Tehran hồi ấy, nhất là nỗi lo lắng, bồn chồn, khắc khoải kéo dài hơn 400 ngày đêm cho tới khi người cuối cùng trong số các cộng sự của tôi được trả tự do, tôi mới trút được gánh nặng tâm lý cũng như tình cảm và sự lo lắng cho số phận của họ…”- tôi nhớ ông đã nói như vậy khi kết thúc câu chuyện.

 

Và cũng tới lúc đó, chúng tôi mới nhận ra rằng sự riêng tư của mình đã bị xâm phạm, bởi vị cựu đại sứ Mỹ bị ai đó trong số khách nước ngoài lưu lại khách sạn nhận ra và rủ cả một đám đông tới cùng say sưa ngồi nghe câu chuyện từ chính nhân chứng bị bắt cóc hụt kể lại.
 
Bài học vụ con tin năm 1979 với nguy cơ đóng băng quan hệ Anh - Iran - 3
Ông William Sullivan (thứ tư từ phải sang) tham dự cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Carter với Vua Iran (trái) năm 1978

 

Vui vẻ trả lời thêm những câu hỏi của các “nhà báo không chuyên” mang nhiều quốc tịch khác nhau, ông Sullivan một lần nữa gửi đi thông điệp: Có những bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Song quan trọng nhất là mỗi người, mỗi bên liên quan cũng như cộng đồng thế giới nên cùng nỗ lực hết mức để cứu vãn tình thế. Điều đó trước hết là vì lợi ích của những người dân. Đối thoại thay vì đối đầu… Đổ vỡ thì bên nào cũng bị tổn thương    Ông Sullivan đã nhấn đi nhấn lại như vậy về bài học đối nhân xử thế được đút rút từ cả chặng đường dài làm công tác ngoại giao.

 

Cũng chính vì mục tiêu đó mà ông Sullivan cùng nhiều đồng sự cũ, đồng nghiệp mới đã gác lại quá khứ, cùng chung tay góp sức xây dựng mối quan hệ Việt – Mỹ tốt đẹp hôm nay.

 

Thanh Nguyễn