"Bài ca xây dựng nông thôn mới" - Một bài hát hay
(Dân trí) - “Bài ca xây dựng nông thôn mới” không chỉ là ca khúc dành cho làng quê Yên Sở của nhạc sĩ Ngọc Khuê, mà đã trở thành lời ca cho bất cứ làng quê nào đang trên đà xây dựng nông thôn mới. Mong muốn qua ca khúc để “làm cho người nông dân yêu thiết tha quê hương mình” của nhạc sĩ Ngọc Khuê, bài hát lan toả rộng rãi, chắc chắn sẽ được nhiều người đón nhận. Bài hát sẽ có sức sống lâu bền như “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của ông đã từng viết về những miền quê Việt Nam.
Tôi có may mắn được tham dự “Lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu Người nông dân Việt nam xuất sắc năm 2018” được tổ chức tối 14/10/2018 tại Cung văn hoá lao động hữu nghị Hà Nội. Trong chương trình văn nghệ “Tự hào nông dân Việt nam” chào mừng buổi lễ, tôi đặc biệt chú ý đến ca khúc “Bài ca xây dựng nông thôn mới” của nhạc sĩ Ngọc Khuê, do hợp ca Học viện âm nhạc quốc gia Việt nam và Vũ đoàn PL trình diễn.
Bài hát có phần lời như sau:
Quê hương muôn đời là đây cha ông ta từng gìn giữ. Quê hương đang mãi trong tim đang cùng ta suốt cuộc đời. Ta đang xây dựng quê hương trên con đường đi tới ngày mai. Phía trước tương lai chờ ta ơi cuộc đời đẹp tươi. Bài ca xây dựng nông thôn mới. Bài ca xây dựng làng quê ta. Làm giàu cho quê hương, làm giàu cho đất nước. Cùng làm cho người nông dân yêu thiết tha quê hương của ta.
Bài hát viết theo thể hành khúc, giọng Sol trưởng, nhịp 2/4. Chỉ với 4 câu nhạc, 2 lời ca, nhạc sĩ đã thể hiện tình yêu quê hương sâu nặng của chính những người nông dân trên quê hương mình.
Bài hát là lời của người nông dân vui mừng phấn khởi khi thấy quê hương ngày càng khởi sắc trên đà xây dựng nông thôn mới. Mở đầu bài hát, tác giả đã khẳng định “ta yêu cánh đồng làng ta, nơi nuôi ta bằng hạt lúa. Ta yêu cánh bãi quê ta cho màu xanh hiền hoà…”. Tình yêu quê hương của người nông dân như thấm trong máu thịt, chảy trong huyết quản. Đó cũng là thể hiện sự biết ơn của người con thành đạt đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Chủ âm son được nhắc lại liên tục ở tiết nhạc thứ nhất, rồi nâng lên âm la trong tiết nhạc thứ hai; bằng tiết tấu một loạt chấm dôi đi liền móc giật, dấu luyến đặt ở cuối câu đã thể hiện được niềm vui phơi phới yêu đời của người nông dân. Cuối câu 1 là nốt rê (bậc 5 của giọng son), càng khẳng định chắc chắn niềm tin tưởng ấy. Nét nhạc đó được lặp lại lần nữa trong câu nhạc thứ hai với ca từ “Ta yêu xóm làng quê ta đang xây dựng nông thôn mới, náo nức trong tim tình yêu xốn xang một bài ca”. Cao độ chợt trở về chủ âm son để chuẩn bị cho nét nhạc vút lên cao trào trong câu tiếp theo.
Sang câu nhạc thứ ba, nét nhạc chợt vút lên cao son-xi-xi- rê-la-xi-đố. Tiết nhạc này được lặp lại 2 lần với tiết tấu giãn ra gồm các hình nốt trắng, nốt đen; lời ca thể hiện niềm vui phơi phới của người dân quê hương khi thấy nông thôn ngày một đổi mới ứng với ca từ “bài ca xây dựng nông thôn mới” được lặp lại như khẳng định thêm niềm vui của người nông dân khi thấy quê hương mình ngày càng đổi mới, hiện đại, khang trang. Từ một làng quê đã chuyển mình dưới ánh sáng của Đảng “Mái rạ ngàn năm hồng thay sắc ngói/gạch mới nung, đá trắng chất ven đường”, nay lại được thay da đổi thịt một lần nữa bởi những ngôi nhà cao tầng, các công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang hơn. Mỗi làng quê đổi mới sẽ góp phần cho đất nước đổi mới. Nhiều làng quê đổi mới sẽ giúp cho đất nước mình ngày càng văn minh tiến bộ. Làng quê ngày càng đổi thay hơn khi chuyển mình từ phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư thành phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến đây, câu kết như chững lại với tiết tấu quen thuộc là những nốt móc đơn, chấm dôi cùng ca từ “cùng làm cho người nông dân yêu thiêt tha quê hương mình”, vừa có khí thế nhất định, lại vừa mang chất trữ tình, đằm thắm,
Nhạc sĩ Ngọc Khuê là người con của làng dừa Yên Sở (Thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội). Yên Sở là nơi trồng rất nhiều dừa. Đây cũng là nơi được xưởng phim truyện Việt Nam chọn làm cảnh chính để thực hiện bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. (Đó cũng là cảm hứng để ông sáng tác ca khúc “Làng Dừa – bản tình ca màu xanh” tặng quê hương mình). Yên Sở cũng là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Hoài Đức. Hiện tại, xã Yên Sở cũng là 1 trong 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới tiêu biểu toàn quốc. Cả 3 trường học trong xã và Trạm y tế đều đạt chuẩn Quốc gia. Yên Sở cũng là nơi được chọn làm bối cảnh quay phim Ma làng – một bộ phim đề tài về nông thôn được nhiều người biết đến.
Nói về hoàn cảnh sáng tác bài hát này, Nhạc sĩ Ngọc Khuê tâm sự: “Năm 2012 tôi vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật – lĩnh vực âm nhạc. Tôi đã xin ý kiến và bàn bạc với địa phương quê tôi để tổ chức một đêm nhạc tại quê, nhằm tri ân bà con quê hương, nơi tôi đã được sinh ra và trưởng thành…Tôi muốn có một vài tác phẩm mới viết về quê hương mình. Đồng thời địa phương tôi cũng đang xây dựng và chuẩn bị đón danh hiệu hoàn thành “Xây dựng Nông thôn mới”. Thế là ý tưởng đã nảy trong suy nghĩ của tôi: Viết về phong trào xây dựng nông thôn mới! Suy nghĩ vậy, nhưng phải thể hiện ca khúc như thế nào, làm sao cho có khí thế của những người nông dân luôn luôn vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp, gia đình mỗi người nông dân được yên vui, no ấm, đồng thời cũng phải dễ hát, dễ nghe, dễ biểu diễn trong những buổi sinh hoạt tập thể ở các địa phương…”. Nhiều lần về quê, đi thăm những cánh bãi mượt mà ngô mía, đến những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, tác giả càng nung nấu ý định viết bài hát về quê hương mình từng ngày đổi mới. Ông tâm sự “Tôi nghĩ viết sao để qua bài hát này, điều quan trọng nhất là làm cho người nông dân thêm yêu quê hương mình, yêu cánh đồng cánh bãi nơi đây, yêu mảnh đất mà ngàn đời nay cha ông ta đã gìn giữ, từ đó họ mới yên tâm, mới đổ hết sức lực của mình để xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới”. Với tình cảm sâu nặng ấy, ca khúc “Bài ca xây dựng nông thôn mới” ra đời.
Bài hát chính thức được trình làng tại chương trình văn nghệ “Tự hào nông dân Việt nam” trong Lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu Người nông dân Việt nam xuất sắc năm 2018 được tổ chức tối 14/10/2018 tại Cung văn hoá lao động hữu nghị Hà Nội, do hợp ca Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Vũ đoàn PL trình diễn. Sau đó, rất nhiều nơi dùng làm tiết mục biểu diễn, liên hoan văn nghệ tại nhiều địa phương trong cả nước. Bài hát cũng đã giúp nhạc sĩ Ngọc Khuê được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về những sáng tác trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015.
Bài ca xây dựng nông thôn mới” không chỉ là ca khúc dành cho làng quê Yên Sở của nhạc sĩ Ngọc Khuê, mà đã trở thành lời ca cho bất cứ làng quê nào đang trên đà xây dựng nông thôn mới. Mong muốn qua ca khúc để “làm cho người nông dân yêu thiết tha quê hương mình” của nhạc sĩ Ngọc Khuê, bài hát lan toả rộng rãi, chắc chắn sẽ được nhiều người đón nhận. Bài hát sẽ có sức sống lâu bền như “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của ông đã từng viết về những miền quê Việt Nam.
Diễm Nguyệt