Ba lý do chính cần sửa đổi Bộ luật Lao động

(ĐCSVN) – Mục đích sửa đổi Bộ luật Lao động lần này sẽ là sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế...

Ba lý do chính cần sửa đổi Bộ luật Lao động - 1
Ảnh minh họa: Đỗ Thoa

Nhiều vướng mắc, bất cập từ thực tiễn

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa chính thức công bố dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) để lấy ý kiến dư luận xã hội về nhiều vấn đề lớn. Trong tờ trình về dự án Luật, Bộ LĐ-TB&XH đã nêu 3 lý do chính về sự cần thiết ban hành Bộ Luật lao động (sửa đổi).

Trong đó, lý do đầu tiên được Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ là thực tiễn quá trình triển khai áp dụng Bộ luật Lao động đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập cần bổ sung, sửa đổi.

Qua tổng kết 5 năm thi hành, nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc áp dụng các điều luật trong Bộ luật Lao động về một số nội dung như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối thoại tại nơi làm việc, công đoàn, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công…

Bộ luật Lao động năm 2012 còn một số quy định mang tính nguyên tắc nhưng Điều 242 của Bộ luật không giao cho các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nên đã gặp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Trước các yêu cầu và kiến nghị của nhiều địa phương, doanh nghiệp, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vướng mắc trong thi hành Bộ luật Lao động năm 2012. Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định hướng dẫn ngoài phạm vi được giao quy định tại Điều 242 Bộ luật Lao động để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những vướng mắc, bất cập này. Tuy nhiên, trong phạm vi từng nghị định, từng thông tư, các vướng mắc mới chỉ được giải quyết theo từng chủ đề nhỏ, mang tính tình thế mà chưa xử lý được vấn đề mang tính đồng bộ, căn bản, logic, xuyên suốt qua các chương trong Bộ luật.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động vẫn còn một số điều chưa đáp ứng sự phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường lao động, yêu cầu nâng cao năng suất lao động, yêu cầu cải tiến quản trị nhân lực doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghệ lần thứ 4. Tại các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn đầu tư kinh doanh, nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đều đề nghị Bộ luật Lao động cần sớm được sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, làm thêm giờ, tuyển dụng và quản lý lao động nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp về lao động để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh.

Do vậy, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết bởi yêu cầu từ việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thời gian soạn thảo Bộ luật Lao động 2012 từ năm 2008 - tháng 5/2012 cũng là thời gian mà Hiến pháp năm 2013 được soạn thảo. Quá trình soạn thảo Bộ luật, dù dự thảo đã cụ thể hóa cơ bản tinh thần của dự thảo Hiến pháp, nhưng sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, nội dung của Bộ luật Lao động vẫn chưa thể chế hóa hết các nội dung của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới làm thay đổi hoặc phát sinh những vấn đề mới liên quan tới nội dung, kết cấu của Bộ luật Lao động như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng 2017  và các Luật chuyên ngành tách ra từ nội dung của Bộ luật Lao động như:  Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật an toàn - vệ sinh lao động năm 2015.

Do đó, Bộ luật Lao động cần được tiếp tục sửa đổi để bổ sung các chế định mới nhằm thể chế hoá Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động; đảm bảo tính thống nhất, sự phù hợp của hệ thống pháp luật.

Yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, cần thiết sửa đổi, bổ sung Bộ luật vì yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang chuẩn bị tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), cụ thể là 4 nhóm quyền theo 8 công ước cơ bản của ILO gồm: Tự do hiệp hội và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể theo Công ước 87 và 98; xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc theo Công ước 29 và 105; xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em theo Công ước 138 và 182; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp theo Công ước 100 và 111. Những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nêu trên đồng thời cũng là những cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Liên hợp quốc  và là nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO .

Qua nghiên cứu, rà soát, về cơ bản nội dung của Bộ luật Lao động 2012 phù hợp với các tiêu chuẩn lao động cơ bản về xóa bỏ lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em. Tuy nhiên, một số quy định của Bộ luật Lao động 2012 còn chưa tương thích, nhất là các nội dung về tự do hiệp hội; bảo vệ quyền tổ chức và thương lượng tập thể; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp .

Do vậy, Bộ luật Lao động 2012 cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật lao động quốc gia với tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện trong các khuôn khổ pháp lý quốc tế khác nhau.

Được biết, sau khi rà soát, chỉnh sửa và lược bỏ các điều có nội dung đã được quy định bởi các luật khác; sửa đổi, bổ sung các điều, khoản của Bộ luật Lao động hiện hành theo mục đích và các quan điểm chỉ đạo sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều trong tất cả các chương./.

Bộ luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23/6/1994 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/1995. Trải qua 24 năm hình thành và áp dụng trong cuộc sống, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012.

Theo Kim Thanh 

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm