Bạn đọc viết

Ba điều nghĩ về chuyến thăm của Tổng thống Obama

Không gì có thể cản bước quan hệ Việt – Mỹ đi vào thực chất, toàn diện cùng có lợi. Chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề vĩ mô.

>> Tổng thống Obama: Mỹ muốn Việt Nam cải thiện năng lực quốc phòng

Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang trong cuộc họp báo chung sau hội đàm.
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang trong cuộc họp báo chung sau hội đàm.

Trước hết, phải thừa nhận một điều rằng bất kỳ tổng thống nào của Mỹ đến Việt Nam đều mang một ý nghĩa quan trọng đặc biệt, có lẽ từ quá khứ cho đến hiện tại mối quan hệ Việt – Mỹ luôn chưa đựng những điều đặc biệt vượt lên trên cả nghi thức ngoại giao thông thường.

Đặt trong bối cảnh hiện tại chuyến thăm của ông Obama đã mang lại nhiều cảm xúc khó tả, cả tuần nay tin tức, hình ảnh về chuyến thăm này phủ kín các mặt báo và mạng xã hội, dù là báo chính thống hay trang cá nhân đều bày tỏ đồng tình ủng hộ rất cao và chờ đợi một điều mới mẻ từ cuộc viếng thăm này.

Việt Nam đã và đang trải qua những thay đổi quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng…trong tình hình đó chuyến thăm của ông Obama không những mang làn gió mới hâm nóng quan hệ song phương mà còn tạo tiền đề quan trọng để chúng ta có thể tận dụng giải quyết những nhiệm vụ mang tính chiến lược.

Thứ nhất: Trước chuyến đi của ông Obama giới chức Mỹ đã bàn đến khả năng nước này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, nếu khả năng này thành hiện thực sẽ là cơ hội tốt cho chúng ta trong phát triển sức mạnh quốc phòng nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là trong tình hình căng thẳng Biển Đông đang leo thang.

Vũ khí Mỹ luôn là được nhiều quốc gia đánh giá cao vì tính ưu việt, bảo đảm về trình độ công nghệ và hiệu quả trong sử dụng.

Hơn nữa, đây là lá bài quan trọng trong chính sách xoay trục về Châu Á của Mỹ, rõ ràng Việt Nam với vị thế địa chính trị, chiến lược quan trọng sẽ là đối tác không thể thiếu của Mỹ trong việc thực hiện chính sách này. Điều kiện này thôi thúc Mỹ đẩy mạnh đang dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với Việt Nam trong đó có vấn đề dỡ dở bỏ lệnh cấm vận vũ khí, vấn đề còn lại là thái độ của ta trong vấn đề này như thế nào.

Bản thân Tổng thống Obama rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi chiến lược tái cân bằng sức mạnh của Mỹ tới Đông Á là một phần quan trọng trong di sản của ông. Giới phân tích cho rằng ông Obama sẽ muốn để lại dấu ấn sâu đậm trong việc cải thiện nhanh chóng quan hệ Việt – Mỹ. Năm 2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii rằng: “Tương lai của Mỹ gắn liền với Châu Á-Thái Bình Dương và tương lai của khu vực này cũng phụ thuộc vào Mỹ”.

Thứ hai: Mặc dù nỗ lực hội nhập sâu và rộng hơn 30 năm qua nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, chúng ta đã tham gia TPP và các hiệp định quan trọng khác nhưng sự tin tưởng vào một nền kinh tế thị trường bao giờ cũng có sức nặng hơn một nền kinh tế chưa được công nhận thể chế này.

Nếu chưa là kinh tế thị trường Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi tham gia cuộc chơi toàn cầu, một mặt chúng ta khó có chổ đứng trong chuỗi phân phối lợi ích, mặt khác sẽ tạo ra nguy cơ mất trắng thị trường nội địa do thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại.

Việt Nam là một nền kinh tế còn nhiều điểm đang chuyển đổi, còn nhiều điểm có thể còn chưa tương thích với cam kết trong TPP nên đây cũng là dịp để phía Việt Nam có thể khẳng định quyết tâm, nỗ lực hội nhập một cách tích cực, có trách nhiệm.

Còn về phía Mỹ, với vai trò là một nền kinh tế phát triển hơn, Mỹ hoàn toàn có thể thể hiện sự hỗ trợ đối với Việt Nam, đặc biệt là trong cải cách khu vực pháp lý, thể chế để thực hiện có hiệu quả và tốt nhất hiệp định này.

Như nhận xét của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành “Chúng ta rất hy vọng với quá trình cải cách của Việt Nam và việc Việt Nam thực hiện có trách nhiệm TPP, Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Điều này sẽ đặc biệt thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”

Thứ ba: Một trong những vấn đề nhức nhối và nhạy cảm hiện nay là căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước Đông Nam Á đều bị cuốn vào chuyện này và rõ ràng vấn đề Biển Đông phải được quốc tế hóa trong việc giải quyết theo tuyên bố chung DOC.

Trong bối cảnh đó, thông qua chuyến thăm của Tổng thống Obama, Việt Nam hoàn toàn có thể tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế, nhất là khi âm mưu “cá nhân hóa Biển Đông” ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng hải và lợi ích của Hoa Kỳ.

Chính Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ L.Panetta cũng tuyên bố, Washington sẽ phân bố lại 60% lực lượng hải quân của nước này sang Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020. Chính sách xoay trục và tái cân bằng của Mỹ này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến thái độ của Mỹ đối với Biển Đông.

Quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông phù hợp với chủ trương bảo vệ hòa bình an ninh trên biển và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tại Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức tại Indonesia (11/2011), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, mặc dù không đứng về bên nào trong tranh chấp tại Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ cam kết mạnh mẽ về bảo vệ tự do hàng hải, hàng không, đảm bảo không để thương mại quốc tế bị ảnh hưởng bởi các hành động của nước nào đó gây ra.

Không gì có thể cản bước quan hệ Việt – Mỹ đi vào thực chất, toàn diện cùng có lợi. Chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề vĩ mô.

Ths Trương Khắc Trà

SĐT: 0973471789