Bạn đọc viết:

Áp dụng công nghệ hiện đại vào CMND mới

(Dân trí) - Vài tuần nay báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã công bố những trao đổi cởi mở và thẳng thắn về mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới do Bộ Công an ban hành. Đặc biệt có rất nhiều ý kiến không đồng tình việc đưa tên cha mẹ vào CMND.

Thẻ căn cước mới có gắn chip điện tử được áp dụng tại Đức từ năm 2011 (ảnh từ internet)
Thẻ căn cước mới có gắn chip điện tử được áp dụng tại Đức từ năm 2011 (ảnh từ internet)

 

Tôi rất hoan nghênh Bộ CA đã lắng nghe dư luận và tạm dừng việc triển khai thí điểm cấp CMND mới. Là một công dân và đã  hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhiều năm ở cả trong nước và nước ngoài (CHLB Đức), tôi có vài kiến nghị với dự án sản xuất và cấp CMND mới (nếu được thực thi) như sau :

 

1. Cần xác định rõ rằng CMND mới sẽ được sử dụng cho hiện nay và trong tương lai, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập thế giới. Bởi vậy CMND mới phải bền, đẹp và hiện đại để công dân Việt Nam cũng có thể cảm thấy tự hào khi sử dụng làm giấy tờ tùy thân, kể cả khi đi sang các nước láng giềng như ASEAN ( không cần hộ chiếu như các nước EU đã áp dụng cho công dân nội khối).
 
CMND mới không những được sử dụng cho việc xác thực nhân thân như hiện nay, mà cũng cần có đủ chức năng cho các ứng dụng trong tương lai như: xác thực online, cung cấp chữ ký điện tử phục vụ cho phát triển chính phủ điện tử, dịch vụ ngân hàng, chăm sóc sức khỏe…

 

 2. CMND mới không nên có tên cha mẹ vì điều này không hợp với thông lệ quốc tế và có  nhiều lý do khác, như dư luận đã phản ánh trong mấy ngày vừa qua.

 

3. CMND mới cần phù hợp với qui định của ICAO về giấy thông hành, vậy cần có dòng kí tự đọc được bằng máy (MRZ). Các cơ sở như cơ quan nhà nước, khách sạn, sân bay, công an cửa khẩu…có thể trang bị đầu đọc (rẻ như đầu đọc mã vạch) để đọc dữ liệu cá nhân từ dòng MRZ  khi cần thiết. Hơn nữa có thể sử dụng dữ liệu đọc bằng máy này để tạo ra chìa khóa truy cập vào bộ dữ liệu lưu trong Chip điện tử, làm tăng mức độ bảo mật.

 

 4. CMND mới không nên sử dụng công nghệ mã vạch (rất xấu, trông như mã hàng hóa, mau hỏng và không an toàn, nên không mấy đất nước sử dụng). Mà nên sử dụng ngay công nghệ hiện đại, đó là Chip điện tử tích hợp bên trong thẻ nhựa khổ D1 có màng bảo vệ  để lưu trữ các thông tin, phục vụ cho kiểm tra xác thực và kiểm tra thật giả.

 

Có thể sử dụng loại Chip điện tử đọc có tiếp xúc (như thẻ ngân hàng) hoặc đọc không tiếp xúc (RFID chip, như hộ chiếu điện tử của nhiều nước) kết hợp với cấu trúc mã khóa công khai PKI (Public Key Infastructure).  Chip điện tử có khả năng tự động xử lý được tình huống khi truy cập, nên thẻ có tích hợp Chip được gọi là thẻ thông minh (Smart Card). Thẻ thông minh thường đi liền với cơ chế bảo mật riêng trong truy cập, gắn liền với hệ vận hành chuyên dụng, cho phép sử dụng xác thực online và cung cấp chữ ký điện tử, tạo cơ sở cho xây dựng chính phủ điện tử.
 
Chíp điện tử đã được chứng minh là tiện lợi và có độ an toàn, bảo mật rất cao nên đã được hầu hết các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác sử dụng trong hộ chiếu điện tử và CMND.

 

5.  CMND mới nên tích hợp vài tính năng bảo mật có thể nhìn thấy bằng mắt thường, ví dụ: ảnh hologram,  mực, tem đổi màu để người dân bình thường có thể tự kiểm tra được thật/giả. Ngoài ra cần tích hợp một số tính năng bảo mật chỉ có thể kiểm tra bằng máy. Nên tham khảo mẫu thẻ e-ID mà 20 nước châu Âu và nhiều nước khác  trên TG đã áp dụng.

 

6. CMND mới không nên có hạn sử dụng 15 năm mà chỉ nên 10 năm (thay đổi nhanh nên trẻ em là 5 năm) vì con Chip và các vật liệu làm CMND cũng chỉ có tuổi thọ tương đương.

 

7. Để triển khai, Bộ CA nên cho lập một cơ sở sản xuất và quản lý thẻ thông minh, chuyên phục vụ cho cung cấp các loại giấy tờ tùy thân hiện đại như: CMND điện tử, hộ chiếu điện tử, bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế điện tử …

 

Sở CA các tỉnh lập danh sách kèm dữ liệu cá nhân người xin cấp hoặc đổi CMND gửi bảo mật về Bộ CA duyệt, rồi gửi sang nhà máy để sản xuất phôi và in dữ liệu cá nhân lên thẻ. Làm như vậy sẽ tránh được việc phải lưu trữ phôi phân tán ở các địa phương, phòng ngừa mất mát hay làm giả. Bộ CA sẽ có bộ phận quản lý hồ sơ và theo dõi suốt đường đời của một CMND đã cấp. Bởi vậy không thể có chuyện một người xin cấp CMND 2 lần vì trước khi được cấp thì tên tuổi, địa chỉ, ảnh, vân tay đều phải so sánh với kho hồ sơ đã lưu trữ.

 

8. Về nguồn vốn : Ngân sách nhà nước cần đầu tư khoảng 5 triệu USD (khoảng 110 tỷ đồng) cho nhà máy sản xuất và quản lý phôi thẻ thông minh. Cùng 10 triệu USD cho trang thiết bị thu thập ảnh, vân tay, dữ liệu cá nhân tại CA của 64 tỉnh thành của VN (hoặc ở tuyến quận, huyện). Và 5 triệu USD cho  một trung tâm lưu trữ dữ liệu công dân tại Bộ CA. Tổng cộng cần cho dự án khoảng 20 triệu USD (420 tỷ VNĐ).

 

Khi cấp CMND nên thu phí, tính tiền VN tương đương khoảng 2 USD/ người, hộ chiếu 30USD (trẻ em dưới 18, người già trên 60, học sinh sinh viên  thu 50%). Nếu mỗi năm có 5 triệu người được cấp CMND mới, lệ phí thu trong 2 năm = 2 năm x 5 triệu công dân x 2 USD/CMND) là đã hòa vốn.

 

9. (Theo tôi được biết) Việt Nam đang triển khai dự án sản xuất và cấp phát hộ chiếu điện tử với tiền đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Vậy cũng có thể sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu, công nghệ và thiết bị cho sản xuất và cấp phát hộ chiếu điện tử đồng thời cho dự án CMND mới . Như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền và công sức.

 

Tôi rất mong các cơ quan chức năng của Bộ CA và nhà nước xem xét những đề xuất trên. Tôi cũng sẵn sàng tiếp tục đóng góp ý kiến, đề xuất ý tưởng và giải pháp để dự án được triển khai nhanh. Như vậy người Việt ta cũng sẽ sớm có một loại giấy tờ tùy thân đẹp, hiện đại và có nhiều tiện lợi trong sử dụng cho cả hiện tại và tương lai.

 

Ts. Bùi Đăng Đối (số 7 đường Thanh Niên, quận  Ba Đình, Hà Nội)

email:  bddoi@yahoo.de