Thêm tên cha/mẹ vào CMND - Chuyện không đơn giản

(Dân trí) - Phản ứng của nhiều người với quy định có thêm tên cha mẹ theo quy định trong mẫu Chứng minh nhân dân (CMND) mới, khiến chúng tôi chợt nhớ lại một chuyện cũ tương tự khác. Đó là về chuyện đổi biển số xe từ 3 lên 4 số…

Cấp đổi chứng minh nhân dân cho người dân (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Cấp đổi chứng minh nhân dân cho người dân (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

 

Thời đó, nhà báo Nguyễn của tờ Lao Động bỗng dưng một hôm cứ thở dài sườn sượt. Hỏi nguồn cơn thì  ông "bình" ngay một bài về chuyện “đùng một cái đổi biển số xe”. Trong đó tôi còn nhớ một câu rất đắt, đại ý là: Không ai biết được một ngày đẹp trời nào đó, mấy ông ấy lại thấy cần nâng số con số trong biển xe từ 4 lên 5, 6, 7… thì dân tình cứ thế mà… đùng bao nhiêu cái và bạc mặt lo làm thủ tục đổi??? Và nếu vậy liệu rồi cái biển số xe máy thôi cũng có khi phải to bằng biển số xe ôtô...
 

Chẳng vậy mà  với chuyện điền thêm tên cha/mẹ vào CMND theo quy định mới, Nguyen Phuc Chinh chinhvc25@gmail.com đã có lời than thở y chang:

 

“Đây là sáng kiến sao, lẽ nào không có được sáng kiến nào hay hơn? Tên cha mẹ đã ghi đầy đủ trong giấy khai sinh và sơ yếu lý lịch khi cần thiết rồi, giờ lại đem tên cha mẹ điền vào CNMD nữa để làm gì? Biết đâu chừng mai mốt còn đề xuất ghi thêm tên: Ông, Bà, Vợ và các con nữa ấy chứ nhỉ????”

 

May thay, giờ đây khi “cơm sôi” đã “bớt lửa” nhờ thông báo tạm dừng triển khai mẫu CMND mới của Bộ Công an, có vẻ như dân tình càng có thêm thời gian để ngẫm ngợi và đóng góp những ý kiến "nặng ký" hơn.

 

Đơn giản - Tiện lợi

 

Đã quá ngán ngẩm vì vô số thủ tục giấy tờ nhiêu khê rắc rối mà mỗi khi động tới thứ nào đều cũng có nguy cơ bị “hành là chính”, nên chẳng cần phải ai vận động hay thuyết phục gì thì chắc đại đa số cư dân nước Việt chúng ta đều bỏ phiếu ủng hộ ngay cho những tiêu chí ngắn gọn nêu trên với CMND – loại giấy tờ tùy thân tối cần thiết với bất kỳ ai.

 

“Hiện nay người ta đang theo xu hướng thời đại CNTT, cứ đơn giản hóa những gì không cần thiết càng tốt. Ví dụ cái điện thoại hay thiết bị điện tử càng nhỏ đi càng tốt. Nhưng ngược lại ở nước mình, tôi thấy hình như cái gì càng nhiều, càng bự thì mới được coi là  càng tốt thì phải? Cứ ghi nhiều thứ vô đó để làm gì nhỉ? Tôi không hiểu ghi thêm tên cha mẹ vô CMND để làm gì ? Hay luật sau này sẽ sửa lại là: những người vi phạm pháp luật phải chịu sự bảo hộ của cha mẹ (chứ không phải chỉ là người dưới tuổi vị thành niên như trước đây chăng?)” - Trần Anh:  talaanh@yahoo.com

 

“Nếu làm thế thì có lẽ lại là ‘chuyện chỉ có ở Việt Nam’ chăng? Sao không tham khảo kinh nghiệm của các nước khác ấy, rất đơn giản, hiệu quả mà lại đẹp mắt nữa. Ví dụ như cách làm của Hàn Quốc ấy…  Chứ tự nhiên CMND của cá nhân mình lại thêm tên cha mẹ vào nữa thì đúng là… hết nói. Phải chăng việc này cũng là do trình độ…?” - Công Cường:  congcuongkorea@gmail.com

 

“Ở Hàn Quốc CMND không có tên cha mẹ, cũng không có dấu vân tay. Người ta quản lý bằng mã vạch và số CMND. Tất cả đều quản lý chung một con số chứ không quá “loằng ngoằng” như ở Việt Nam mình” - Hoàng:  lehuyhoanghb@yahoo.com

 

“Không cần làm gì nhiều, chỉ cần làm như các nước trên thế giới. Họ cấp CMND cho nhân dân, người dân có quên mang CMND theo thì Sở Cảnh sát cũng có 1 cái máy để người dân đặt ngón tay vào là có thể nhận dạng khuôn mặt, họ tên, nơi ở....Hoặc chỉ cần đọc số CMND là nhân viên cảnh sát có thể nhập vào máy tính và tra ra tất cả. Vì thế theo tôi, thay cho việc làm có thể lại bị coi là “hành dân” thêm nữa, mong cơ quan chức năng nên nghĩ đến việc áp dụng sự phát triển công nghệ để đầu tư thêm trang thiết bị cần thiết. Còn nếu chưa làm được như vậy thì chỉ cần để như hiện tại là được. Đừng nên sáng tạo 1 cách không hợp lý” -Linh CK:  thuytienbuon8907@yahoo.com

 

 “Nếu như phát hành CMND mới thì hãy tham khảo mô hình CMND của nước ngoài, ví dụ như của Mỹ hoặc ngay gần VN như Singapore hoặc Thái Lan ấy. Họ chỉ sử dụng 01 ID (dãy số) để quản lý 01 người từ lúc sinh ra tới lúc chết đi. Số ID này sẽ được sử dụng để làm CMND, bằng lái xe, hộ khẩu, sổ đỏ và các giấy tờ liên quan. Các cơ quan chức năng có thể quản lý tất cả thông qua 1 tài khoản quản lý có lưu các thông tin liên quan tới ID này. Thẻ CMND có thể dùng thẻ từ, in 1 số nội dung cơ bản và hình ảnh, có thể dùng máy quét để kiểm tra CMND là thật hay giả và các thông tin liên quan... Cái này mong các vị ở bộ Công an nghiên cứu, chứ giờ lại làm CMND thì xem chừng không hợp lý lắm” - Hiển:  hienminhk42i2@gmail.com

 

Hiện đại nhưng đừng “hại điện”!

 

Cũng  ủng hộ cho việc quản lý được dễ dàng và tốt hơn, một vài ý kiến bày tỏ đồng tình với quy định mới (vốn theo dự kiến thì lẽ ra đã có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua), như Hoang Ngoc Cuong hoangcuong12@gmail.com cho rằng: 

 

“Theo tôi, để quản lý tốt công dân thì đúng là nên ghi cả tên cha, mẹ vào CMDN. Còn một số cháu, ví dụ như được thụ tinh trong uống nghiệm, trẻ không cha thì tỉ lệ ấy chắc cũng không nhiều – chỉ khoảng 0,0001% . Vì vậy, tôi đồng tình với quy định ghi thêm tên cha mẹ vào CMND”.

 

Hoặc Nguyễn Hải haidang310yh@yahoo.com đề xuất theo kinh nghiệm bản thân:

 

“Trong giấy căn cước của chế độ cũ ở miền Nam cấp cho bố tôi có ghi rõ tên của cha, mẹ. Chính nhờ vào thông tin này mà tôi đã tìm và xác định được anh, em bà con của mình. Nên chăng trong việc đổi mẫu CMND mới cứ để việc khai tên cha mẹ theo sự tự nguyện của người được cấp?”

 

Dẫu sao, tiếng nói của đa số vẫn vạch ra nhiều cái “MẤT” hơn là ĐƯỢC. Và các luận cứ được đưa ra đều tỏ ra có sức thuyết phục hơn.

 

Theo tôi thì  không nên đưa tên cha, mẹ vào trong CMND. Để việc một người có thể có đến hai CMND là do khâu quản lý CMND tôi thấy còn nhiều yếu kém thôi. Nếu  Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần thay đổi CMND để thuận lợi trong công tác quản lý công dân, thì nên đưa thêm các đặc điểm cá nhân vào mặt sau của CMND như: nhóm máu, mã số điện tử của người công dân đó… thì phù hợp hơn” – Trung Kien:  kientvinatex@gmail.com

 

“Theo tôi, CMND nên làm theo kiểu thẻ ATM. Trên thẻ chỉ có họ tên, ngày sinh, thời gian cấp và mã số cá nhân. Để quản lý chỉ cần quẹt mã vạch hay đánh mã số cá nhân vào, sẽ hiện ra những thông tin cần thiết ngay” – Cam TS29: camts29@yahoo.com.vn
 

“Tôi nghĩ rằng bây giờ công nghệ thông tin đã phát triển rất mạnh. Chỉ cần mỗi người có một thẻ CMND bằng một chíp điện tử (như thẻ SIM điện thoại chẳng hạn), thì nhà chức trách hoặc cá nhân muốn tích hợp bao nhiêu thông tin cá nhân vào đó mà chẳng được (ngoài những thông tin cơ bản của CMND)” - Gia Thụy:  thuygialc@gmail.com

 

“Không cần ghi tên cha mẹ vào CMND làm gì. Đã quản lý bằng mã vạch thì hồ sơ lưu đầy đủ rồi, khi nào cần thông tin thì chỉ cần quét một cái toàn bộ thông tin hiển thị hết, nếu vậy ghi tên cha mẹ vào làm gì cho bất tiện? Quan trọng là lúc làm hồ sơ cá nhân đã khai đầy đủ thông tin rồi, quản lý hồ sơ gốc bằng công nghệ mã vạch là tốt nhất. Càng hiện đại thì càng phải đơn giản đi, chứ tôi thấy vấn đề này mình càng làm hình như càng rối thêm thì phải? - Nghien:  nguyenphucdx@yahoo.com

 

 “CMND mới ư? Tôi nghe nói mỗi công dân VN sinh ra đều có một mã số. Khi làm thủ tục chứng minh thì anh đã có hồ sơ  lý lịch cá nhân có ghi tên cha mẹ, năm sinh, nơi sinh, lưu trong sổ bộ. Khi cần chứng minh việc gì liên quan tới đương sự ấy, cơ quan CA cứ soi mã số cá nhân ấy về sổ bộ là có đủ dữ liệu cá nhân. Vậy thì cần gì phải ghi rõ họ tên cha mẹ vào CNMD làm gì nhỉ? Ở các nước khác họ cần phải làm vậy để quản lý nhân sự không, các bác?” - NamPhan:  phan_kim@yahoo.com

 

“Nên như cũ. Có chăng nên có thêm phần "đọc" qua máy như thẻ thanh toán tiền, khi ấy công an muốn đọc gì trong đó thì đọc!” - Nguyen Khanh: nguyenkhanh_l@yahoo.com

 
Mẫu chứng minh thư mới sẽ có tên bố và mẹ người được cấp (ảnh: Pháp luật VN) 
Mẫu chứng minh thư mới sẽ có tên bố và mẹ người được cấp (ảnh: Pháp luật VN) 
 

Cần và Đủ

 

Không chỉ cho rằng điền thêm tên cha mẹ là sự vi phạm đời tư, hoặc có thể lại tạo thêm cơ hội cho tiêu cực (như kiểu “con ông, cháu cha”), thêm phiền hà và tốn kém cho dân… mà theo ý kiến chung của nhiều người thì nên vạch rõ ranh giới giữa CMND với giấy Khai sinh, với Sơ yếu lý lịch.

 

“Tôi đồng tình với quan điểm của tiến sỹ Lê Hồng Sơn, theo mẫu CMND cũ là hợp lý nhất, không gây phiền hà trong thủ tục cải cách hành chính” - Hoàng Minh Đức:  hoangduc@gmail.com

 

“Theo mình, CMND là loại giấy tờ tùy thân của cá nhân, để nhân diện 1 ai đó sống ở đâu, quê quán, đặc điểm... Điều này khác với giấy Khai sinh - là giấy tờ để biết là ai sinh ra mình, thì mới cần có thêm thông tin về bố mẹ. Vì vậy điều đó không cần thiết và quan trọng hơn cả nó không đúng với quy định của pháp luật” – Le Hung:  lehungcdd@gmail.com

 

“Đề tên cha mẹ nữa thì giống giấy Khai sinh thứ 2. Tôi nghĩ CMND nên là một cái gì đó riêng tư, thuộc về cá nhân. Đã thay đổi thì thay đổi 1 lần rùi hoàn thiện, để tránh việc đổi đi đổi lại nhiều lần. Không nên "thử" rồi nếu không tốt thì "đổi" lại, đã làm thì cần nghiên cứu kĩ lưỡng rồi làm luôn. CMND cũng đâu phải đòi hỏi công nghệ hay kĩ thuật gì ngoài tầm của VN, nên tôi nghĩ  VN mình cũng sẽ có khả năng làm được một loại CMND đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết... Một vấn đề mà tôi quan tâm nữa là chất liệu làm CMND và độ bền của nó. Nên làm sao cho phù hợp với thời gian sử dụng 15 năm, tránh như việc sử dụng tiền đồng....được một thời gian là đen xỉn, không đảm bảo chất lượng và thẩm mĩ” - Vũ Thành Trung:  thanh_trungc4@yahoo.com

 

“Giấy CMND là giấy thông hành của cá nhân chứ không phải sơ yếu lý lịch, nên không cần thiết phải có tên cha mẹ làm gì” - Vuong:  vuongdigi@yahoo.com

 

Để cân nhắc thêm, nên chăng ngành chức năng cũng tham khảo ý kiến của đại đa số  người dân sau khi đã giải thích rõ những điều cần thiết, như Mr. Ecivil:  vnblogger.com@gmail.com bày tỏ:

 

“Đề nghị các cơ quan chức năng nêu rõ ưu/nhược điểm của các loại CMND cũ và mới trước khi áp dụng, để những người dân có ý kiến còn góp ý. Vì việc thay đổi CMND như vậy không những ảnh hưởng đến đời tư của công dân, mà có thể còn gây lãng phí khá lớn. Giả sử có một người vẫn còn cha mẹ đẻ, nhưng lại có cha mẹ nuôi hợp pháp theo pháp luật thì ghi tên ai trong CMND? Nếu những trẻ mồ côi, hoặc những đứa trẻ sinh ra ngoài giá thú, chúng không có tội nhưng khuyết cha hoặc mẹ thì ghi thế nào? Nếu những người này mà mỗi khi nhìn thấy CMND lại phải buồn rầu nghĩ về cha mẹ mình thì thật là không hay.

 

Hơn nữa theo tôi nghĩ, liệu việc ghi thêm tên cha/mẹ có lại chỉ lợi với những "cậu ấm", "cô chiêu" có cha mẹ làm to,  muốn khoe danh vọng gia đình? Nhưng đó là thiểu số, còn đại đa số thì sao? Mong các vị suy xét kỹ lưỡng: điều gì có lợi cho dân, được lòng dân thì hãy làm. Ngược lại nếu  không được dân ủng hộ, không có lợi cho dân thì các vị hãy cân nhắc cho thật kỹ lưỡng hơn.

 

Không nên cứ nghĩ ra điều gì là muốn làm ngay, hoặc cứ thích là thay đổi. Như thế dân khó có thể chấp nhận được. Mà ngay cứ muốn đi trước các nước khác thì cũng cần cân nhắc kỹ xem cái nào đúng, cái nào sai, cái nào có lợi, có hại so với thực tế VN, rồi thông báo rõ cho dân và được sự đồng thuận của dân thì mới nên thực hiện chứ. Ví dụ như trong vấn đề này thì đã có những nước nào trên thế giới làm vậy chưa? Ghi thêm tên cha mẹ để làm gì, để giải quyết được vấn đề gì? Trong khi chỉ cần số CMND là có thể tra ra nơi ở, nguyên quán rồi còn gì nữa?”

 

Quanh tấm CMND nho nhỏ, chuyện tưởng cũng nhỏ mà hóa ra không hề đơn giản!

 

Khánh Tùng