AlanPhan: Dạy con khó hơn điều hành doanh nghiệp

Có thể gọi ông là triệu phú Việt kiều, cũng có thể chẳng cần quan tâm đến điều đó, vì Alan Phan nói rằng, lúc hết tiền cũng như có tiền, ông thấy không có gì khác nhau lắm.

 Chia sẻ với VietNamNet về chuyện con cái, Alan Phan bảo: "Khi làm ăn thua cuộc, tôi thường nói “mình ngu rồi, làm lại thôi”. Nhưng dạy con thì khó hơn chục lần điều hành doanh nghiệp, và đau đầu hơn nhiều vì không thể “làm lại được”.

AlanPhan: Dạy con khó hơn điều hành doanh nghiệp

TS Alan Phan: "Dạy con khó hơn chục lần điều hành doanh nghiệp,

và đau đầu hơn nhiều vì không thể “làm lại được”.

TS Alan Phan nhắc đi nhắc lại với phóng viên rằng, ông không có ý khuyên bảo gì trong vấn đề dạy con, vì mục tiêu của mỗi cha mẹ rất khác nhau. “Tôi không phải là nhà giáo dục, không phải là chuyên gia về dạy con hay người có thẩm quyền nói về đề tài này chuyên sâu”, ông nói.

Dạy con phụ thuộc hên xui!

Phóng viên: Nhưng thưa ông, dù không phải là chuyên gia dạy con thì ông vẫn là người cha của hai thanh niên có thể gọi là rất thành công trên con đường các con ông đã chọn bên Mỹ. Người con lớn là công tố viên cho tiểu bang Califorlia. Người con thứ hai làm khoa học gia cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ông từng chia sẻ rằng:“Các con tôi đã chọn các nghề mà chúng thích đó là một điều mà tôi rất hãnh diện. Dù là các con tôi không làm doanh nhân, không kiếm được nhiều tiền nhưng chúng rất hạnh phúc với sự lựa chọn đó.” Theo ông, có những yếu tố nào lớn ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái?

TS Alan Phan: Theo kinh nghiệm cá nhân, thì vấn đề dạy con và con mình trở thành người thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn, chứ không phải do kỹ năng dạy con của mình, hay đào tạo theo phương pháp nào. Sách về dạy con tràn ngập ngoài hiệu sách.

Các yếu tố môi trường, xã hội, văn hoá, gia đình và bạn bè là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến con cái. Mỗi đứa con có tính khí và sự phát triển nội tại khác nhau.

Chẳng hạn như hai đứa con của tôi, cùng lớn lên ở một môi trường, nhưng tính khí lại rất khác biệt. Thành ra, khó mà nói được những cái mà cha mẹ thiết kế và tạo dựng ảnh hưởng như thế nào đối với con, chỉ có thể đoán ra thôi nhưng không chắc chắn được.

Tôi đã từng làm ở nhiều doanh nghiệp, đó là cả một sự đau đầu, nhưng so sánh với nuôi con thì nuôi con khó gấp nhiều lần điều hành doanh nghiệp.

Với một doanh nghiệp thì mình có thể đứng tách rời ra để nhìn và quyết định một cách khách quan và nếu làm sai thì làm lại, nhưng dạy con thì không thể làm lại được, không thể khách quan, vì thế, quyết định của mình khó sáng suốt.

Quản lý một đứa con khó gấp chục lần quản lý doanh nghiệp. Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc nuôi con.

Quá trình nuôi con thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ, êm đềm như mình nghĩ mà có lúc đầy bão tố, dù tình trạng “vĩ mô” rất ổn định.

Ông từng trải qua giai đoạn đó như thế nào và vượt qua “bão tố” về con cái ra sao?

TS Alan Phan: Có một thời điểm, đứa con thứ hai của tôi lúc 14 tuổi, trở nên nổi loạn, kết thân với những người bạn mà mình không muốn cho vào nhà. Nó nhuộm tóc vàng, tóc xanh đỏ, đang học giỏi từ hạng A xuống còn chỉ còn hạng D.

Hai vợ chồng ngồi khóc thầm, nghĩ là tiêu thằng con rồi. Khuyên vài ba câu thì nó đứng dậy xách đít đi. Đó là cả một sự đau khổ, kéo dài hơn 2 năm.

Tự nhiên một ngày đẹp trời, vào năm cuối trung học, nó lại khác hẳn, đi học về chào tôn kính cha mẹ , trở lại thành một học sinh ưu tú, gương mẫu. Rồi thi vào học đại học, học xong tiến sĩ, trở thành một khoa học gia. Đó là một chuyện xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn và khả năng kiểm soát của mình.

Phải nói lúc đó tôi hoàn toàn bất lực. Vì thế tôi không dám lạm bàn về mình giỏi hay dở trong việc dạy con.

Tình yêu của cha mẹ càng nhiều, con càng ngoan

Nhưng chắc chắn ông đã phải làm một điều gì đó vào thời điểm ấy?

TS Alan Phan: Tôi có đọc một cuốn sách, có đề cập đến sự kiện, trong xã hội đa dạng như xã hội Mỹ, những đứa con tương đối thành công là con cái của người Do Thái và Á châu, hơn là con cái người gốc Phi hay Mễ.

Cuốn sách này cho rằng, nguyên nhân chính là tình yêu của người cha Do Thái dành cho người con rất sâu nặng, tác động mạnh trên sự thành công của người con. Tỷ lệ dân số bị ở tù xuất thân gốc Do Thái ít nhất trong mọi cộng đồng.

Nhìn lại quá trình nuôi con, thì có lẽ cái mà tôi đã làm được là luôn bày tỏ tình yêu thương đối với con mình. Mình yêu con dù bất cứ thế nào. Yêu ở đây là sự trao gởi toàn diện, cho đi hoàn toàn. Khi con tôi nổi loạn và gây cho tôi đau khổ, tôi vẫn yêu nó tha thiết. Tôi nghĩ, đó có thể là một điều giúp nó khi lầm lạc, vì nó vẫn thấy bao quanh nó là một tình yêu vô điều kiện từ cha mẹ.

Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái càng nhiều thì đứa con càng có nhiều cơ hội trở thành người tốt. Nhưng đó là trải nghiệm của tôi, không phải là kết luận khoa học (cười).


AlanPhan: Dạy con khó hơn điều hành doanh nghiệp

Alan Phan: "Đừng bao giờ hỏi cha mẹ thích con làm gì. Đây là đời sống của con"

Điều nữa là tôi hãnh diện với tất cả những gì con tôi làm, cho dù đó là điều tôi không thích. Khác trước đây, mẹ tôi chỉ muốn tôi trở thành bác sĩ, nếu tôi không có học bổng sang Mỹ mà vẫn ở Sài Gòn thì có lẽ bà đã bắt tôi phải học bác sĩ hay chịu sự la mắng mỗi ngày.

Vào năm cuối trung học, các con hỏi ý kiến tôi về định hướng nghề nghiệp. Tôi bảo các con cứ làm điều gì các con thích. Hỏi kỹ trong lòng xem thích nhất điều gì. Nếu vài ba năm nữa mà không thích nữa thì chuyển đổi cũng chẳng sao. Đừng bao giờ hỏi cha mẹ thích con làm gì. Đây là đời sống của con.

Đó là trải nghiệm của tôi nên tôi mới khuyên các con, vì cái gì mà mình thích làm thì mình sẽ làm một cách say mê, gắn bó lâu dài, nếu không thì dần dần cũng bỏ.

Con cái không thích nghe hay “giảng đạo”nhiều, thích nhìn và coi tấm gương. Bố mẹ hư hỏng thì con cũng sẽ hư hỏng theo. Con nít rất tinh, không dối gạt chúng lâu dài được. Ngay từ nhỏ, hai đứa con cũng hay phê bình tôi, và nếu chúng có lý, thì tôi cũng công nhận mọi sai lầm chứ không chối hay giấu. Tôi không làm một đằng, nói một nẻo. Gia đình tôi có truyền thống rất dân chủ, cởi mở, minh bạch và không trốn tránh trách nhiệm.

Đối với tôi, mình luôn luôn có thể sai

Ngày con ông còn nhỏ, ông chăm sóc các con như thế nào?

TS Alan Phan: Tôi sống với các con cho tới khi chúng vào đại học. Nhưng tôi cũng đi vắng nhiều. Mặc dù hồi chúng 8, 9 tuổi, tôi hy sinh chuyện kiếm tiền, cố gắng dành thời gian để ở bên con, đi dã ngoại, câu cá, lên núi, đi cano. Mùa đông thì đi trượt tuyết với nhau.

Tôi dành thời gian lúc đó bởi đó là giai đoạn tôi thấy các con cần đến cha nhất. Sau 10 tuổi thì chúng nó thích đi chơi với bạn hơn (bên Mỹ bọn trẻ độc lập rất sớm). Ngày nhỏ còn thích đá bóng chơi bóng rổ với mình, đi xem phim nghe nhạc, sau thì không thích chơi với mình nữa, con trai thường là như vậy.

Mẹ chúng chăm sóc chúng rất nhiều nhưng tụi nó thích chơi với cha. Những trò chơi rất bình thường như đạp xe ở công viên, ra biển. Tôi chỉ chơi với con và nghĩ chúng nó cũng học được từ mình nhiều thứ.

Phóng viên: Về dạy con độc lập trong cuộc sống thì thời điểm nào là thích hợp nhất, thưa ông?

TS Alan Phan: Với trẻ con Mỹ thì tụi nó độc lập rất sớm, khoảng hơn 11 tuổi. Với gia đình Việt tại Mỹ thì cũng tùy gia đình.

Chẳng hạn con đầu lòng của tôi, từ năm 13 tuổi, mặc dù mức sống gia đình tôi thuộc loại trung lưu ở Mỹ, khá thoải mái về vật chất, nhưng nó vẫn dậy từ 5h sáng giao báo để kiếm tiền thêm.

Năm 14 tuổi nó đi làm nhân công trong siêu thị, quét dọn và bán kem mỗi ngày 2 tiếng sau khi tan học. Tiền kiếm được nó để dành đến năm 16 tuổi, đủ mua một cái xe hơi cũ khoảng hơn 2000 đô la. Tôi hoàn toàn có thể cho nó số tiền ấy, nhưng đây là tiền riêng của nó nên nó trân trọng yêu quý cái xe ấy vô cùng. Đó là một văn hóa tự lập tốt của Mỹ, rất phổ thông với các thiếu niên mới lớn. Cũng có thể do gia đình khuyến khích tư duy tự lập, luôn tìm câu hỏi cho mình.

Không phải gia đình Việt nào ở Mỹ cũng vậy. Những gia đình quản lý và kiểm soát nhiều quá thì con sống tầm gửi; còn cởi mở thì con cái độc lập hơn. Gia đình giàu ở Việt Nam mà gửi tiền quá nhiều cho con thì chúng chỉ tiêu xài thôi. Rất nhiều đứa hư hỏng, do có tiền.

Mình sai thì mình phải nhận mình sai, không lấy uy quyền để bắt con phải nghe theo. Hai con tôi thích tranh luận lắm. Nếu cả hai bên không thống nhất thì tra cứu, tìm sách hay tài liệu để học thêm, tìm chân lý.

Đối với tôi, mình luôn luôn có thể sai.

Khi dạy con, nếu chúng không tự lập mạnh mẽ thì ra thế giới rất khó. Ở Việt Nam, chúng không phải đối phó với nhiều thử thách vì sự bảo bọc, nhưng khi sống ở nước ngoài, chúng sẽ gặp vấn đề. Phần lớn học trò Á Đông hay bị người Mỹ chê cười ở chỗ đó. Giới trẻ Mỹ dùng từ “wimp” (không xương sống) để chỉ những thanh thiếu niên dựa dẫm vào gia đình, không biết tự lập.

Tôi không phê bình lối dạy con nào. Mỗi gia đình dạy con một lối. Nếu cho con hình thức tự lập và không áp đặt thì tư duy chúng sẽ phóng khoáng hơn, ra thế giới chúng sẽ hòa nhập tốt hơn.

Theo ông, có nên dạy con thái độ đối với đồng tiền không?

TS Alan Phan: Nên chứ, nhưng tùy đứa có hấp thụ được hay không. Dạy cho chúng biết giá trị đồng tiền, biết phương thức kiếm tiền, đầu tư. Nhưng như tôi đã nói, tính khí của đứa con lại có thể không phù hợp với những gì mình muốn chúng học.

Chẳng hạn, con trai thứ hai của tôi từ bé đến lớn không biết hay lưu tâm gì về tiền bạc, ngay cả khi học tiến sĩ. Có lần tôi cần chuyển một số tiền cho nó làm nghiên cứu, nó nói không có tài khoản ngân hàng.

Hỏi nó giữ tiền thế nào, nó nói, tiền con giữ bên túi quần trái để tiêu, còn tiền bên túi quần phải để dành trong trường hợp khẩn cấp, nếu hết tiền túi trái thì ăn mì gói tạm. Lúc nào hết thì hết. Nó không quan tâm đến tiền, không biết nhiều về tiền.

Khi học xong, sắp ra trường, nó nói: Bố ơi con phải đi kiếm việc. Hỏi có bộ áo vest nào chưa, nó bảo chưa. Bố dẫn đi sắm áo vest. 10 ngày sau tôi hỏi con đã gửi thư đi xin việc chưa. Nó nói: Không cần đâu, con nhận được 8 cái thư mời làm việc với lương rất cao. Bố tới giúp con xem chọn cái nào.

Trong 8 cái thư mời việc làm đó, có những công ty nổi danh như Microsoft, Intel, Bộ quốc phòng Mỹ, NASA…sẵn sàng cho nó mức lương cao, phải nói là mà mình không thể ngờ được. Cho đến nay thì nó chưa xỏ bộ vest lần nào, đi họp hay đi dự hội nghị quốc tế lúc nào cũng chỉ quần jean, áo thun.

Hiện nó đang làm cho cho Bộ Quốc phòng Mỹ, việc làm tối mật nên tôi cũng không biết gì tí gì về công việc của nó.

Nhưng có lẽ ở Mỹ nó mới sống được như vậy.

Sống ở nhiều nước khác nhau, ông thấy cái hay nhất của gia đình Việt là gì?

TS Alan Phan: Cái hay nhất là sự gắn bó chặt chẽ, tuy sự gắn bó này đôi khi gây ra rào cản và xích mích rất khó chịu. Nhưng dường như mọi người thương yêu nhau, lo lắng cho nhau hơn các gia đình Mỹ?

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Tiến sĩ Alan Phan là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987. Năm 1999, Tập Đoàn Harcourt của ông đạt mức thị giá 670 triệu USD. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ; tư vấn cho nhiều tập đoàn đa quốc về thị trường mới nổi.


Hương Giang (Vietnamnet)