1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc trước thế gọng kìm của Mỹ, Nhật

(Dân trí) - Chẳng cần chờ đến khi thế gọng kìm của Mỹ và Nhật Bản siết chặt, từ lâu Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động vũ trang cho các lực lượng hải quân và không quân nhằm từng bước thực hiện mục tiêu bá quyền trong tương lai.

Trung Quốc đang nuôi tham vọng nâng cấp tiềm lực quân sự lên mức hàng đầu khu vực.
Trung Quốc đang nuôi tham vọng nâng cấp tiềm lực quân sự lên mức hàng đầu khu vực.

Những biểu hiện mới nhất của việc này chính là việc Trung Quốc gấp rút cho thành lập và đưa vào hoạt động lực lượng tuần duyên mới gồm 11 đội tàu và trên 16.000 quân. Là sự kết hợp của 3 lực lượng hải giảm, ngư chính và hải tuần nên một khi đi vào hoạt động, lực lượng tuần duyên mới của Trung Quốc sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm vì “các đơn vị xưa nay không được phép trang bị vũ khí thì nay cũng đã có quyền”, theo lời của Giáo sư quan hệ quốc tế Yang Mian tại trường Đại học Truyền thông Trung Quốc.

“Dù được đặt tên là tuần duyên nhưng lực lượng này lại được phép trang bị vũ khí hạng nhẹ. Những va chạm với các nước láng giềng sẽ tăng cao”, nhà nghiên cứu Arthur Ding ở Đài Loan cũng nhận định sau khi ghi nhận năng lực trên biển của Trung Quốc đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Nhà nghiên cứu Arthur muốn ám chỉ tới việc Trung Quốc gần đây đã đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh sau nhiều năm tân trang từ một con tàu cũ mua lại của Ukraine; việc nước này đẩy mạnh các hoạt động của tàu lặn Giao Long; tăng cường các cuộc tập trận bắn đạn thật; và đặc biệt nhất là mới đây Trung Quốc đã  ký hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu đa năng Su-35 cùng 4 tàu ngầm lớp Lada của Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng Ba.

Nói là đặc biệt vì nhìn bề ngoài, đây đơn thuần chỉ là một hợp đồng mua bán vũ khí, nhưng trên thực tế lại là hạng mục hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử quan hệ Trung - Nga.

Cụ thể, với hạng mục mua tàu ngầm lớp Lada, Trung Quốc đã nhắm “một mũi tên trúng nhiều đích” khi chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên mang tên St. Peterbourg cũng vừa mới chỉ được phiên chế vào lực lượng hải quân Nga từ năm 2010.

Theo tính toán của Trung Quốc, mục đích đầu tiên của việc sắm tàu ngầm lớp Lada là giúp nước này đa nguyên hóa đội tàu ngầm để làm tăng thêm các biện pháp và hiệu quả tấn công.

Thứ hai, việc sở hữu tàu ngầm lớp Lada sẽ gây khó khăn hơn cho các đối thủ trong việc đối phó với các hoạt động tấn công của Trung Quốc. Rõ ràng, với hợp đồng vừa ký với Nga, Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ hai sở hữu tàu ngầm lớp Lada vốn được thiết kế hoàn thiện hơn cả thế hệ tàu ngầm lớp Kilo vốn đã nổi danh trên thế giới.

Thứ ba và cũng quan trọng nhất là việc sắm tàu ngầm lớp Lada sẽ cho phép Trung Quốc tập trung phát triển tàu ngầm hạt nhân. Với các ưu điểm vượt trội so với các tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân sẽ trở thành đơn vị chủ lực của hải quân Trung Quốc trong tương lai, đồng thời giúp nước này thể hiện sức mạnh “trên cơ” so với các đội tàu ngầm thông thường của các nước nhỏ và yếu hơn trong khu vực.

Đó là với hạng mục sắm tàu ngầm lớp Lada. Còn với hạng mục mua máy bay chiến đấu đa năng Su-35, Trung Quốc cũng có những toan tính tương tự.

Theo phân tích của tạp chí Kanwa Defense Review số tháng 7/2013 phát hành ở Hồng Kông, việc Trung Quốc “tậu” được Su-35 có ý nghĩa quân sự lớn lao không chỉ ở việc không quân nước này sẽ có cơ hội sở hữu loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4++ uy lực, mà còn tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu J-20 ở trong nước.

Theo đó, trước mắt Su-35 sẽ làm tăng thêm sức mạnh hải quân và không quân Trung Quốc khiến cho cán cân sức mạnh trong khu vực nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh. Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh, các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Phlippines, hay cả khu vực Đông Nam Á sẽ lần đầu tiên phải đối mặt với ưu thế công nghệ của không quân Trung Quốc.

Về lâu dài, với khả năng “đánh cắp” công nghệ của mình, Trung Quốc sẽ chẳng mấy chốc áp dụng gần như chính xác những công nghệ của Su-35 cho J-20 và nâng cấp loại máy bay gắn mác nội địa này thành máy bay chiến đấu thế hệ 5 với tốc độ bay siêu thanh.

Trung Quốc đặt mục tiêu đưa J-20 trở thành thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 đầu tiên trong khu vưc.
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa J-20 trở thành thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 đầu tiên trong khu vưc.


Khi đó, không quân Ấn Độ, Philippines và Đài Loan sẽ càng bị đẩy xuống hàng thứ yếu do mới chỉ sở hữu những tính năng cơ bản tương đương loại máy bay chiến đấu thế hệ 3 của Trung Quốc. Nhật Bản tuy khá hơn nhưng cũng sẽ ở “thế đuối” vì những công nghệ quân sự đi trước của Nhật Bản hiện nay không theo kịp sự thay đổi của không quân Trung Quốc

“Một khi sở hữu Su-35 và phát triển thành công J-20, trình độ tác chiến của không quân Trung Quốc sẽ dẫn trước không quân Nhật Bản và không quân Ấn Độ ít nhất là nửa thế hệ trở lên”, tạp chí Kanwa Defense Review nhận định.

Theo thiết kế, Su-35 được trang bị động cơ công suất lớn với lực đẩy tăng tốc lên tới 14.500 kg. Loại máy bay này còn được gắn radar IRBIS-E có cự ly tìm tiếm gấp 4 lần loại trang bị cho máy bay Su-30 MKK của không quân Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra, Su-35 còn có thêm hệ thống radar hàng không mảng định pha chủ động (AESA), khiến cho chương trình nâng cấp máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ dành cho Đài Loan cũng sẽ trở nên vô dụng.

Vậy là, khi lắp ghép tất cả các hoạt động nâng cấp tiềm lực quân sự của Trung Quốc, nhất là với sự xuất hiện của Su-35 và tàu ngầm lớp Lada, không khó để nhận ra rằng Trng Quốc sẽ làm thay đổi toàn bộ môi trường chiến lược ở khu vực Đông Á, gồm cả Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Điều này tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hoạt động căng thẳng và những vụ va chạm trong khu vực, nhất là ở những vùng biển tranh chấp nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế.

 “Với những lợi thế này, việc tuần tra trên biển của Trung Quốc sắp tới sẽ thường xuyên hơn và gắt gao hơn”, nhà nghiên cứu của Đài Loan Arthur Ding nhận định sau khi nói rằng những vụ va chạm với các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền và ngay kể cả với các lợi ích của Mỹ trong khu vực cũng sẽ tăng lên.

Nhiều nhà phân tích cũng nhận định, với các chiến hạm lớn có tầm bắn ngày càng xa, có thể trụ lại hay tuần tiễu trên các vùng biển tranh chấp trong thời gian dài; với một lực lượng tuần duyên mới hùng hậu và có hỏa lực mạnh để tăng cường trấn áp trên biển; và một lực lượng không quân uy lực trước hầu hết các đối thủ, “chó sói” nay sẽ không cần phải “đội lốt cừu” trên Biển Đông và Hoa Đông.

Tuy nhiên, tính toán và đe nẹt chỉ là một vế của vấn đề, vì thực tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều lực cản hơn là nước này nghĩ.

         Đức Vũ
Bài 4: Mục tiêu bá quyền của Trung Quốc có “đứt gánh giữa đường”?
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm