1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội thảo về an ninh Biển Đông tại Ba Lan

(Dân trí) - Hội thảo An ninh Biển Đông đã diễn ra tại Đại học Civitas ở thủ đô Warsaw của Ba Lan với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, các sinh viên, đại điện các đoàn thể người Việt tại Ba Lan.


Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia của Ba Lan. (Ảnh: LQĐ)

Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia của Ba Lan. (Ảnh: LQĐ)

Hội thảo an ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan-Châu Á (CSPA), Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam và Đại học Civitas, Câu lạc bộ Lê Quý Đôn phối hợp tổ chức tại hội trường trường Đại học Civitas ở trung tâm thủ đô Warsaw hôm 20/3.

Nhiều nhà nghiên cứu, các sinh viên Ba Lan, một số bà con người Việt và đại điện các đoàn thể người Việt tại Ba Lan đã tham dự hội thảo. Một số kênh truyền thông của Ba Lan cũng đến dự.

Mở đầu hội thảo, Giáo sư Mai Xuân Lý, chủ tịch CLB Lê Quý Đôn tại Ba Lan (CLB LQĐ), cho biết cùng với Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam CLB LQĐ đã tổ chức Hội thảo về Biển Đông vào năm 2011 và 2014. Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình diễn biến phức tạp hơn như Trung Quốc tiếp tục thực hiện những biện pháp cứng rắn nhằm đòi hỏi chủ quyền phi lý trên biển, chính sách đối ngoại của các nước có lợi ích an ninh hàng hải ở khu vực xuất hiện những nét mới, nhất là Mỹ và Philippines, Tòa án trọng tài đã ra phán quyết bác bỏ đường chín đoạn và chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, hội thảo lần này rất cần thiết, đặc biệt giúp người Ba Lan hiểu nhiều hơn về tranh chấp Biển Đông và tiến tới hợp tác giữa hai nước về vấn đề này.

Tại buổi hội thảo, các diễn giả gồm Giáo sư Tadeusz Iwiński, các nhà khoa học Paweł Behrendt và Oskar Pietrewicz (CSPA), tiến sĩ Lã Đức Trung (Viện khoa học và văn hóa Việt Nam, Đại học Almamer) đã trình bày những tham luận về tình hình Biển Đông và việc tranh chấp giữa các quốc gia có liên quan.


Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: LQĐ)

Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: LQĐ)

Các tham luận đều khẳng định các nước có liên quan không nên dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông mà phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa theo các công ước quốc tế về luật biển. Các tham luận cũng khẳng định việc duy trì an ninh trên Biển Đông là rất quan trọng trong việc đảm bảo tự do hàng hải, duy trì giao thương của các nước trên thế giới.

Trong buổi hội thảo, Tiến sĩ Lã Đức Trung nhắc lại việc Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép Hoàng Sa và Trường Sa và việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp.

Hội thảo lần này có nhiều người Ba Lan tham gia. Bà giáo sư Jadwiga Koralewicz, đại diện Đại học Civitas, cho rằng hội thảo rất có ích cho người Ba Lan, đặc biệt là các sinh viên vì họ biết rất ít về tình hình Biển Đông.

Tản Viên