Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi: Bộ nào quản lý thì hơn?

Thống nhất đổi tên Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên, tình trạng không rõ trách nhiệm và chống chéo trong quản lý dạy nghề đang là nội dung các đại biểu Quốc hội còn nhiều băn khoăn. Việc giao cho Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐ-TB-XH quản lý lĩnh vực dạy nghề vẫn đang còn nhiều ý kiến trái chiều.


Lỗi không phải ở người lao động

"Bộ LĐ-TB-XH đã quản lý tốt lĩnh vực dạy nghề, cần để Bộ này tiếp tục quản lý". Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Cù Thị Hậu – Đoàn ĐB Hưng Yên.

- Một số ý kiến cho rằng, dạy nghề cũng là một lĩnh vực giáo dục đào tạo nên giao cho Bộ GD thống nhất quản lý sẽ tốt hơn. Tại sao bà lại có quan điểm để Bộ LĐ-TB-XH quản lý?

Luật Dạy nghề 2006 đã bỏ ngỏ cơ quan quản lý dạy nghề. Từ đó đến nay, các nghị định và văn bản hướng dẫn luật đều theo hướng giao cho Bộ LĐ-TB-XH quản lý dạy nghề. Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan chuyên trách quản lý về lao động. Việc Bộ này đảm đương thêm trách nhiệm về đào tạo nghề sẽ tạo thuận lợi về quản lý lao động.

Bà Cù Thị Hậu









Bà Cù Thị Hậu
 Tôi là người đã nhiều năm gắn bó với lĩnh vực lao động, tôi cảm nhận được sự tiến bộ về mọi mặt của người lao động từ kỹ năng đến ý thức chấp hành kỉ luật lao động. Bằng chứng của các cuộc thi tay nghề của lao động VN tại các cuộc thi của ASEAN đã chứng minh tay nghề lao động VN luôn đứng đầu trong khu vực. Các trường dạy nghề của VN phát triển nhanh, ngành nghề đào tạo đa dạng và đảm nhận được nhiều ngành nghề then chốt của nền kinh tế mà trước kia phải đi thuê.

- Các cuộc thi tay nghề giỏi của ASEAN những năm gần đây, VN thường chiếm vị trí rất cao, thậm chí đứng đứng đầu như năm vừa qua. Tuy nhiên, năng suất lao động của công nhân VN lại rất thấp so với khu vực. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

Năng suất lao động của VN thấp không phải do kỹ năng hay năng lực mà do công nghệ. Các DN của VN chậm đổi mới công nghệ thì công nhân có giỏi đến đâu năng suất cũng không thể cao được. Tôi tin rằng với công nghệ tiên tiến của thế giới, người lao động VN hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Đào tạo nghề phải gắn với công nghệ, gắn với DN. DN cần lao động đáp ứng công nghệ nào thì các cơ sở dạy nghề phải đáp ứng và theo sát công nghệ đến đó. Như vậy, DN cần đặt hàng cho các cơ sở đào tạo nghề, không nên đổ lỗi cho đào tạo nghề không đáp ứng được công nghệ. Tôi thấy, thời gian vừa qua nhiều DN đã ký kết với các cơ sở đào tạo nghề nên số lượng người qua đào tạo tìm được việc làm rất cao (80 - 85%).

- Thời gian vừa qua, nhiều địa phương phát triển cơ sở đào tạo nghề một cách tràn lan và thiếu quy hoạch. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo nghề không đảm bảo được yêu cầu của DN, thưa bà?

Đây là thực trạng cần phải giải quyết và Luật sửa đổi có thể điều chỉnh được vấn đề này. Việc dạy nghề giao về một đầu mối là Bộ LĐ-TB-XH để quản lý và giám sát. Bộ này cần xây dựng một quy hoạch và chiến lược đào tạo nghề. Thời gian vừa qua, nhiều địa phương cho phát triển các cơ sở dạy nghề một cách tự phát, đặc biệt các cơ sở dạy nghề của khu vực tư nhân. Từ cơ sở vật chất đến các điều kiện về giảng dạy, giáo viên không đáp ứng được các tiêu chuẩn.

Chúng ta cần có quy hoạch và tiêu chuẩn đào tạo nghề cho các địa phương và từng cơ sở đào tạo. Qua đó, người qua đào tạo nghề phải đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng làm chủ công nghệ, phẩm chất của người công nhân trong nền công nghiệp hiện đại.

- Xin cảm ơn bà!

Cần thay đổi tư duy về nghề

“Cần xem lại chuẩn giá trị xã hội về nghề” - Đây là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc – Đoàn ĐB Đồng Nai về Luật Giáo dục nghề nghiệp.

- Nhiều người vẫn không muốn đi học nghề mà cố gắng vào các trường đại học. Theo ông cần phải làm gì để thay đổi được quản điểm này?

Tôi cho rằng, chuẩn giá trị xã hội của chúng ta về vấn đề này đang bị lệch lạc. Từ vấn đề về thang lương đến vinh danh người có tay nghề… Tại nhiều quốc gia và ngay ở ta thời trước, những người có tay nghề giỏi rất được trọng vọng. Chỉ cần nhìn vào các các trường dạy nghề thời thuộc địa, họ đã đào tạo ra những chuyên gia thực sự, những người hoàn toàn có thể sống một cách đầy đủ nhờ tay nghề của mình.
 
 Ông Dương Trung Quốc









 Ông Dương Trung Quốc

 Những người có tay nghề giỏi ngày xưa có thể có cuộc sống đầy đủ hơn những người làm công chức nhà nước. Họ được xã hội coi trọng, được vinh danh. Chúng ta đang bàn về luật, nhưng luật phải tạo một hành lang pháp lý để điều chỉnh lại chuẩn giá trị của xã hội về vấn đề nghề nghiệp.

- Để lấy lại chuẩn giá trị xã hội về nghề, chúng ta có thể bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Đừng nên coi trọng vấn đề bằng cấp, ví dụ không cần phải nâng cấp lên cao đẳng như các trường nghề hiện nay hay làm mà phải chú trọng đào tạo những người lành nghề. Chúng ta cần bắt đầu từ tạo những giáo viên dạy nghề chuyên nghiệp. Không nên đơn giản hóa vấn đề này. Thời gian vừa qua, những giáo viên của cơ sở đào tạo nghề thường là những người được đào tạo tại chính những trung tâm đó. Kỹ năng về đào tạo nghề còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Chúng ta đừng đánh giá qua cao các cuộc thi tay nghề. Nhưng những trường hợp cá biệt không thể hiện tình trạng đào tạo nghề nói chung. Thực tế hiện nay, từ năng lực của người qua đào tạo và yêu cầu tuyển dụng đang có vấn đề. Nhiều DN tuyển dụng lao động đã không hài lòng với chất lượng đào tạo nghề.

- Như vậy, chúng ta đang tạo ra sự lãng phí tại các trung tâm dạy nghề hiện nay, thưa ông?

Thời gian vừa qua, rất nhiều trung tâm đào tạo nghề được lập ra nhưng do chất lượng đào tạo không cao nên không thu hút được học viên gây lãng phí. Thậm chí, các trung tâm đào tạo nghề ra, DN phải đào tạo lại. Nhu cầu về công nhân lành nghề của DN thì vẫn rất cao mà không tìm được.

Chúng ta cần đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề để các DN được tham gia đào tạo nghề. Khi có cạnh tranh, sản phẩm được đào tạo ra là những công nhân lành nghề sẽ ngày càng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, của nền kinh tế.

- Đẩy mạnh xã hội hóa cần được cụ thể bởi những quy định nào, thưa ông?

Luật cần có những quy định gắn chặt DN với các cơ sở đào tạo nghề. Người qua đào tạo cũng cần gắn chắt lợi ích với những DN tuyển dụng. Những cam kết, kí kết giữa nhà tuyển dụng và cơ sở dạy nghề cần được cụ thể hóa trọng luật và các văn bản hướng dẫn.

Có một thực trạng, nhiều DN đầu tư đào tạo nghề cho người lao động, tuy nhiên, khi họ đã có nghề trong tay, họ lại bỏ DN và đi làm việc ở một đơn vị khác. Từ các chế tài đến xây dựng một văn hóa, một tập quán, chúng ta cần phải loại bỏ được tình trạng trên. Qua đó, DN mới không ngại đầu tư đào tạo nghề. Sự gắn bó giữa đào tạo, tuyển dụng cũng như người được đào tạo với DN cần được thể hiện trong cả luật và văn hóa.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Bá Tú/ Báo Diễn đàn Doanh nghiệp