Đào tạo Đại học – Cao đẳng ở Tây Nguyên:

Bài 3: Sinh viên đi đâu, về đâu?

Khi hàng vạn sinh viên chưa có việc làm, các cơ sở đào tạo đua nhau mở ngành, lớp. Không biết, vài ba năm sau nữa, các em ra trường sẽ về đâu?

Trường Đại học Tây Nguyên tọa lạc trên một khu đất rộng lớn phía nam TP Buôn Ma Thuột.

Quanh ngôi trường này, cư dân xây cất nhà trọ cho sinh viên thuê nhiều vô kể. Các thế hệ sinh viên trọ học ở đây cứ thế, đến lại rồi đi.

Với em Nguyễn Thị Ngân (quê huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), thì 4 năm vượt hàng trăm cây số vào Tây Nguyên kiếm tấm bằng đại học là quãng thời gian vất vả, gian nan cho cả gia đình. Bởi 1 năm học là một khoản tiền bố mẹ vay ngân hàng, mà cho đến giờ này khoản nợ ấy đã lên gần 50 triệu đồng. Vậy mà, khi cầm được tấm bằng Đại học Tài chính-Ngân hàng thì em chưa biết đi đâu, về đâu…

Trăn trở của Nguyễn Thị Ngân cũng là tâm trạng chung của hầu hết sinh viên ở tỉnh Đắc Nông.
Bài 3: Sinh viên đi đâu, về đâu?
TS Nguyễn Tấn Vui (Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên) cho rằng việc đào tạo ĐH,CĐ tràn lan khiến sinh viên ra trường thất nghiệp.

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông, mỗi lần tiếp xúc cử tri là mỗi lần được nghe cử tri phản ánh và chất vấn việc: “Đắc nông là tỉnh nghèo với bộn bề những khó khăn, nhưng có con số học sinh sinh viên ra trường cũng không phải ít. Hiện nay rất nhiều người chưa có việc làm…”.

“Qua phản ảnh của cử tri, chúng tôi cũng đã gửi gắm ý kiến của mình đến với các cơ quan, các sở ban ngành chức năng và đang thống kê lại toàn bộ và phân hạng lĩnh vực ngành nghề để tỉnh có định hướng phù hợp”, bà Hạnh cho biết thêm.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khu vực Tây Nguyên hiện có 20 trường ĐH-CĐ chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, với khoảng 40.000 sinh viên đang theo học. Trong đó, có 3 trường đại học là: Đại học Đà Lạt, Đại học Tây Nguyên, Đại học Yersin và 3 phân hiệu Đại học khác nằm ở Kon Tum, Gia Lai và Đắc Lắc.

Ngoài ra, mỗi năm ở Tây Nguyên còn có hàng trăm nghìn sinh viên theo học tại các trường ĐH-CĐ khác trong cả nước.

Sinh viên được đào tạo đông và rất khó kiếm việc làm, nhưng ở Tây Nguyên lại còn có thêm một loại hình đào tạo cử tuyển dành cho miền núi, vùng cao, mà theo các nhà quản lý, cách thức đào tạo này đang bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết.
Bài 3: Sinh viên đi đâu, về đâu?
Đại học Tây Nguyên cũng liên tục mở ngành, liên kết với nhiều trường cao đẳng, đại học để tuyển sinh cả hệ trung cấp, cao đẳng.

Ông Miên Klơng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắc Lắc cho biết, tỉnh này còn khoảng 3.000 sinh viên dân tộc thiểu số ra trường chưa có việc làm. Vừa qua lại cử tuyển 200 sinh viên đi học ở Phân viện Học viện hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên, nhưng kết quả học tập đa số đều ở mức yếu, kém.

Ông Miên Klơng nói: “Tỉnh có chủ trương cho đào tạo lớp cử tuyển, nhưng vừa rồi Phân viện Hành chính Tây Nguyên báo cáo hơn 70% yếu và kém, thế là lại phải phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên phụ đạo thêm. Có chỉ tiêu tuyển việc làm nhưng chất lượng sinh viên như vậy là rất nguy hiểm. Vừa rồi thi tuyển công chức, chúng tôi cố gắng đưa chỉ tiêu con em người dân tộc thiểu số, nhưng xét cho cùng, đối tượng này cộng thêm 20 điểm cũng không ăn thua. Đối với con em gia đình anh hùng lao động được cộng thêm 30 điểm nữa nhưng vẫn không đạt yêu cầu”.

Dù biết bão hòa, thậm chí dư thừa rất nhiều so với nhu cầu, nhưng các trường vẫn tiếp tục chiêu sinh, mở thêm ngành, thêm lớp mà dễ nhận thấy nhất là 2 lĩnh vực đào tạo y khoa và sư phạm. Trong đó ngành y khoa, chỉ tính riêng ở địa bàn Đắc Lắc, ngoài khoa Y, trường Đại học Tây Nguyên, còn có Trường Trung cấp y tế Đắc Lắc và Cơ sở II Trung cấp y dược Hà Nam.

Mỗi năm các trường này tuyển sinh 1.200 chỉ tiêu, gấp 6 lần nhu cầu thực tế ở địa phương.

Ông Trần Thư - Trưởng phòng đào tạo Trường trung cấp y tế Đắc Lắc thừa nhận: “Đây là một vấn đề mà nhiều trường rất băn khoăn. Bây giờ các em không có việc làm thì mình có thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh hay không? Hay là mình thay đổi mã ngành đào tạo? Một số em học điều dưỡng rồi không xin việc làm, quay lại học y sĩ, một số em học y sĩ xong không xin việc làm lại quay sang học điều dưỡng”.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phân tích, sinh viên ra trường không có việc làm là do tình trạng mở trường ĐH-CĐ tràn lan.

Sinh viên đi học theo phong trào, cộng với chính sách đào tạo cử tuyển hết sức bất cập, dẫn đến chất lượng sinh viên ra trường thấp.
Bài 3: Sinh viên đi đâu, về đâu?
Trong khi hàng vạn sinh viên ở Tây Nguyên ra trường thất nghiệp, Trường ĐH Buôn Ma Thuột lại được xây dựng, chuẩn bị tuyển sinh..

Phản ánh ánh thực tế này, ông Vui lấy ví dụ cụ thể: “Tôi thấy tỉnh Đắc Nông cử tuyển một lớp ngành y ra cho Học viện Quân y đào tạo về. Cuối cùng phải đào tạo lại, vì tay nghề kém. Chính tôi phản đối nhiều nhất. Học y mà thi vào chỉ 8 đến 10 điểm, số lượng rất đông, nhiều khi chiếm đến 50% chỉ tiêu của trường. Bây giờ tốt nghiệp ĐH-CĐ ra quá nhiều mà không có việc làm có một phần là do chúng ta đào tạo ĐH-CĐ tràn lan; quá nhiều trường, đặc biệt là trường ngoài công lập”.

Ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắc Lắc thì phân tích với một góc độ khác.

Đó là, công tác dự báo về nguồn nhân lực ở khu vực Tây Nguyên còn rất hạn chế, bất cập dẫn đến tình trạng đào tạo ĐH-CĐ tràn lan, từ đó nảy sinh những hệ lụy trong giải quyết việc làm.

Riêng tại Đắc Lắc, trong khi còn thiếu khoảng 400 bác sĩ, dược sĩ ở các tuyến, thì một lượng rất lớn y sĩ, trung cấp dược, điều dưỡng, nữ hộ sinh dư thừa, không thể bố trí đủ việc làm trong nhiều năm.

Ông Doãn Hữu Long phân tích: “Vấn đề đào tạo và giải quyết việc làm là chính sách mang tầm vĩ mô. Đó là trách nhiệm của các bộ liên quan, đặc biệt là Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ ngành Trung ương để có dự báo trong vấn đề đạo tạo từng nhóm nguồn nhân lực. Do dự báo không chuẩn, các Bộ, ban ngành lại sinh ra các hình thức đào tạo như: từ y sĩ lên bác sĩ, bác sĩ cử tuyển, bác sĩ theo địa chỉ. Nhiều học sinh cấp 3, năng lực không có gì để xác định mà đưa đi đào tạo bác sĩ thì chất lượng có vấn đề”.
Bài 3: Sinh viên đi đâu, về đâu?

Trong khi hàng vạn sinh viên ở khu vực Tây Nguyên ra trường chưa có việc làm. Các cơ sở đào tạo trong khu vực liên kết với rất nhiều trường trong cả nước rồi đua nhau mở ngành, mở lớp đào tạo tràn lan thì ở Đắc Lắc, Trường Đại học Buôn Ma Thuột cũng đang chuẩn bị vận hành; các ngành y, dược hệ trung cấp, cao đẳng ở đây cũng đang được chiêu sinh quyết liệt.

Không biết, vài ba năm sau nữa, các em ra trường lại sẽ đi đâu, về đâu? Hơn 160.000 sinh viên cả nước thất nghiệp đang còn đó. Gần 15.000 sinh viên chưa kiếm nổi việc làm ở khu vực Tây Nguyên vẫn còn đây. Nhưng việc mở thêm trường, thêm ngành, thêm lớp ĐH-CĐ thì vẫn cứ diễn ra mà hầu như đang thiếu sự kiểm soát./.
Theo VOV (Nhóm PV/VOV-Tây Nguyên)