1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mỗi tháng kiếm 25-30 triệu đồng, tài khoản tiết kiệm vẫn 0 đồng

Trúc Ly

(Dân trí) - Không ít người trẻ gặp áp lực trong việc phải tiết kiệm và cố gắng quản lý chi tiêu khi thu nhập không quá cao. Việc này khiến họ hoang mang cho tương lai nhưng chưa tìm thấy câu trả lời.

Ngọc Anh (26 tuổi) - nhân viên tư vấn bán hàng ở một công ty thiết bị y tế ở Hà Nội - kể lương cứng mỗi tháng của cô là 16 triệu đồng. Dù thế, tổng thu nhập của cô là khoảng 25 triệu đồng nhờ hoa hồng bán được và một chút lợi nhuận từ việc kinh doanh mỹ phẩm online tại nhà.

Tuy nhiên, cả năm nay, Ngọc Anh không để ra được một đồng nào tiết kiệm. Đầu tháng có lương, cuối tháng hết tiền, vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại khiến Ngọc Anh cảm thấy lo lắng và đặt dấu hỏi về cách chi tiêu của bản thân.

Liệt kê ra những khoản phải chi trả mỗi tháng, Ngọc Anh nói khoản nhiều nhất dành cho tiền thuê nhà (7 triệu đồng), tiếp theo là tiền ăn uống (5 triệu đồng), 2 triệu đồng tiền điện, nước sinh hoạt, 3 triệu đồng dành cho việc kết nối, duy trì mối quan hệ xã hội, cụ thể là những bữa ăn ngoài, cà phê với bạn bè.

Mỗi tháng kiếm 25-30 triệu đồng, tài khoản tiết kiệm vẫn 0 đồng - 1

Không nhiều người trẻ giỏi quản lý chi tiêu và tiết kiệm (Ảnh minh họa: CNBC).

Cô cũng dành khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng để mua quần áo, 2 triệu đồng dành cho mỹ phẩm, chăm sóc da, làm móng, massage ngoài tiệm. Vì nuôi thú cưng, mỗi tháng cô chi trả gần 1 triệu đồng tiền ăn, tiền cho thú cưng đi tắm rửa ngoài tiệm. 3 triệu đồng còn lại, cô dành để đi du lịch gần hoặc xa, tùy vào điều kiện kinh tế. 

Sau khi liệt kê ra toàn bộ chi phí, Ngọc Anh nhận thấy bản thân chưa có mục tiêu cho việc tiết kiệm, chưa biết cách cắt giảm chi tiêu trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Cô cho rằng, với mỗi đầu mục như phía trên, nếu biết cách cân đối hợp lý, mỗi tháng, cô có thể tiết kiệm được 6-7 triệu đồng. Dù vậy, khi cuộc sống đang thoải mái, việc cắt giảm bất cứ hạng mục nào đều khiến Ngọc Anh thấy khó chịu.

Nguyễn Đạt (23 tuổi) - nhân viên IT tại Hà Nội - có mức thu nhập hàng tháng 20 triệu đồng nhưng tài khoản tiết kiệm chưa khi nào quá 10 triệu đồng.

Mỗi tháng, Đạt chi trả 4 triệu đồng tiền thuê nhà, 4 triệu đồng cho chi phí ăn uống, 1 triệu đồng cho phí điện, nước, 2 triệu đồng chi phí bơi lội, tập gym, 3 triệu đồng chi phí ăn nhậu với bạn bè, 2 triệu đồng dùng để mua sắm đồ chơi cho bể cá. Số tiền còn lại có tháng dùng để tiết kiệm, có tháng dùng để du lịch.

Ra trường và đi làm được một năm, mỗi khi tài khoản tiết kiệm vượt quá 10 triệu đồng, Đạt đều có lý do để sử dụng khoản tiền này, khi là nâng cấp máy tính mới, khi là mua điện thoại mới, khi là đi du lịch... Do vậy, tài khoản tiết kiệm của Đạt chưa khi nào vượt quá 10 triệu đồng. 

Tuy nhiên, Đạt không mấy bận tâm về điều này. Đạt cho rằng khi mới ra trường, còn là người tự do, việc chi tiêu, mua sắm quá tay là điều bình thường, không có gì đáng lo ngại nếu vẫn nằm trong khả năng, không phải vay mượn ai. Đạt không quen với lối sống tiết kiệm, phải tính toán quá nhiều khi mua bất cứ món đồ nào.

Đồng quan điểm này, Mai Anh - bạn gái của Nguyễn Đạt - cho rằng cả hai đều theo lối sống thoải mái, không gò bó. Mai Anh làm công việc mẫu ảnh tự do, có kênh TikTok với lượng lớn người theo dõi nên có mức thu nhập tương đối ổn, trên 20 triệu đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, Mai Anh chi tiêu khá nhiều tiền cho việc mua sắm, đi du lịch để xây dựng hình ảnh đẹp trên mạng xã hội. Cô hài lòng với cách sống hiện tại, chưa nghĩ nhiều đến tiết kiệm hay đầu tư vì cho rằng mọi thứ xa vời. Với Mai Anh, ở độ tuổi ngoài 20, cô muốn tận hưởng cuộc sống tốt nhất trong khả năng.

Không chỉ người trẻ, không ít người ở thế hệ 7X, 8X cũng gặp vấn đề "kiếm được cả 30-40 triệu đồng mỗi tháng nhưng trong tài khoản tiết kiệm không có nổi 100 triệu đồng". 

Chị Mai Lan (39 tuổi), quản lý cấp trung tại môt ở Hà Nội, nói thu nhập mỗi tháng của chị khoảng gần 40 triệu đồng. 15-17 triệu đồng là học phí tiểu học, học phí học thêm của 2 con. 10 triệu đồng là tiền sinh hoạt hàng tháng. Số còn lại được dùng để mua sắm đồ cá nhân như mỹ phẩm, quần áo, chi tiêu các khoản hiếu, hỷ, ngoại giao... còn lại mới là dự phòng.

"Hầu như không tháng nào để ra được 10 triệu đồng", chị bày tỏ. Trước đây, mỗi tháng chị cố gắng tiết kiệm được 1 chỉ vàng. Nhưng từ khi giá vàng tăng cao, số tiền để ra mỗi tháng không đủ mua nổi nửa chỉ, nên chị cũng bỏ luôn thói quen tiết kiệm vàng, mà cố để ra khoảng 2-3 triệu (chưa tới 1% thu nhập) để gửi tiết kiệm online của ngân hàng.  

Theo chị, nếu không có thêm nguồn thu thứ hai hoặc tiền lợi tức từ tái đầu tư thì với cuộc sống ở đô thị, một người có thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng và phải nuôi người phụ thuộc như chị cũng phải xoay xỏa để sống ổn, nói gì tới để ra được tiền. 

New York Times chỉ ra ngày càng nhiều người trẻ gặp vấn đề về tiết kiệm. Số đông trong đó cho rằng tiết kiệm không thực sự mang lại nhiều giá trị.

Đa phần mọi người quan điểm rằng người trẻ cần tiết kiệm tiền để mua nhà, có chỗ ở ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ cho biết khi giá nhà ngày càng tăng cao, vượt quá khả năng của họ, việc tiết kiệm tiền để mua nhà không khả thi.

Cùng với đó, không ít người cho hay họ chưa nghĩ đến việc sẽ ở đâu trong tương lai. Do vậy, tiết kiệm tiền mua nhà không nằm trong mục tiêu khi tuổi còn trẻ.

Ngoài ra, một bộ phận người trẻ quan điểm sau đại dịch Covid-19, họ trân trọng cuộc sống hiện tại và không muốn phải khắc khổ để tiết kiệm tiền vì không rõ tương lai sẽ ra sao. Cũng có người nói khi cuộc sống đã quá mệt mỏi, họ không còn muốn phải bận tâm về việc tiết kiệm hay cố gắng tính toán quá nhiều khi chi tiêu.

Những quan điểm này của một bộ phận người trẻ luôn gây tranh cãi. Bởi trên hết, theo lời khuyên của chuyên gia, tiết kiệm là cần thiết để có một cuộc sống tốt hơn trong tương lai. Đến một độ tuổi nào đó, quan điểm tài chính của người trẻ cũng sẽ thay đổi theo hướng dần trưởng thành và đi vào thực tế hơn.