1. Dòng sự kiện:
  2. Đánh giá sản phẩm
  3. Hướng dẫn thủ tục hành chính online

Vì sao thời tiết nồm ẩm là "ác mộng" với đồ điện tử?

Minh Khôi

(Dân trí) - Thời tiết nồm, hơi ẩm trong không khí có thể dễ dàng xâm nhập vào các vi mạch điện tử, gây ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị gia dụng.

Vì sao thời tiết nồm ẩm là ác mộng với đồ điện tử? - 1

Thời tiết nồm ẩm có thể gây ra nhiều phiền toái và nguy cơ hỏng hóc cho thiết bị điện tử (Ảnh minh họa).

Miền Bắc đang bước vào giai đoạn nồm ẩm nhất trong năm, với độ ẩm không khí thường xuyên duy trì ở mức 85-90%.

Đây được coi là "ác mộng" đối với các thiết bị điện tử như TV, laptop, loa, amply, máy ảnh,… vốn rất nhạy cảm với hơi ẩm. Nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp, các thiết bị này có thể bị hỏng hóc, ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như chất lượng hoạt động.

Một trong những thiết bị chịu tác động nhiều nhất từ thời tiết nồm ẩm là TV. Người dùng thường gặp tình trạng suy giảm chất lượng hình ảnh, màn hình bị nhòe, nhiễu, hoặc bật lâu mà không lên nguồn.

Điều này xuất phát từ hiện tượng hơi ẩm xâm nhập vào các vi mạch bên trong, gây ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị.

Bên cạnh đó, các thiết bị như remote TV, điều hòa, máy lọc không khí cũng rất dễ bị ảnh hưởng. Hơi ẩm làm cho nút bấm kém nhạy, thậm chí gây chập cháy các linh kiện điện tử bên trong.

Vì vậy, người dùng nên hạn chế treo remote trên tường hoặc để sát mặt đất, nơi dễ hấp thụ độ ẩm cao.

Không chỉ TV và remote, các thiết bị âm thanh như loa, amply, đặc biệt là loa máy tính và loa Bluetooth cũng có nguy cơ hư hỏng cao trong những ngày nồm ẩm. Độ ẩm cao có thể khiến hơi nước đọng lại trên vi mạch và màng loa, gây nhiễu tiếng, làm giảm chất lượng âm thanh cũng như độ bền của thiết bị.

Vì sao thời tiết nồm ẩm là ác mộng với đồ điện tử? - 2

Trong số các thiết bị điện, TV dễ bị ảnh hưởng nhất. Triệu chứng thường là suy giảm chất lượng hình ảnh, nhòe hình, nhiễu thường xuyên, bật lâu không lên trong những ngày nồm ẩm (Ảnh minh họa: Getty).

Máy vi tính và laptop cũng nằm trong nhóm các thiết bị dễ bị ảnh hưởng. Khi độ ẩm tăng cao, người dùng có thể gặp phải tình trạng bấm nút nguồn không lên, máy xử lý chậm hoặc phản hồi kém.

Nguyên nhân chính là do máy tính thường được đặt trên mặt bàn hoặc sát tường, những nơi dễ tích tụ hơi ẩm, gây ảnh hưởng đến vi mạch bên trong.

Đối với người sử dụng máy ảnh và ống kính chuyên nghiệp, nồm ẩm là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng mốc rễ tre trên thấu kính. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng hình ảnh mà còn có thể lây lan sang các thiết bị khác nếu không được xử lý kịp thời.

Ngoài ra, các thiết bị điện tử phổ biến khác như ổ điện, chuông báo, đồng hồ treo tường, chuông cửa... cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ thời tiết nồm. Khi tường nhà bắt đầu "chảy nước", hơi ẩm có thể xâm nhập vào các bảng mạch điện, gây nguy cơ chập cháy và mất an toàn khi sử dụng.

Giải pháp bảo vệ thiết bị điện tử trong mùa nồm ẩm

Vì sao thời tiết nồm ẩm là ác mộng với đồ điện tử? - 3

Nếu phát hiện giọt nước đọng lại trên thiết bị điện, bạn có thể lấy khăn mềm để lau nhẹ, tránh nước ngấm vào bên trong (Ảnh: Getty).

Theo ông Nguyễn Minh An, chuyên gia điện tử gia dụng, để hạn chế tác hại do thời tiết nồm ẩm gây ra, người dùng có thể áp dụng một số biện pháp như sau.

Đầu tiên, cần tránh đặt thiết bị sát tường hoặc dưới sàn nhà. "Những khu vực này có độ ẩm cao, dễ khiến hơi nước xâm nhập vào linh kiện bên trong. Thay vào đó, nên đặt thiết bị ở nơi cao ráo, thoáng khí", ông An khuyến nghị.

Việc giữ khoảng cách giữa các thiết bị điện cũng quan trọng. "Điều này giúp không khí lưu thông tốt hơn, tránh tình trạng tích tụ độ ẩm gây ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị", ông An giải thích.

"Nếu thấy xuất hiện hơi nước trên TV, máy tính hay các thiết bị khác, người dùng có thể dùng khăn mềm để lau nhẹ, tránh nước ngấm sâu vào bên trong.

Đối với các thiết bị nhỏ như máy ảnh, ống kính, thiết bị cầm tay, người dùng có thể bảo quản trong các tủ chống ẩm chuyên dụng hoặc hộp kín có cục hút ẩm để giảm thiểu nguy cơ hư hỏng", chuyên gia khuyên. 

Để giảm thiểu tình trạng nồm ẩm, các gia đình có thể cân nhắc 2 phương án. Đó là sử dụng vật liệu hút ẩm tự nhiên, hoặc trang bị các thiết bị chuyên dụng.

Đối với vật liệu tự nhiên, có thể dùng vôi sống, than hoạt tính có thể đặt trong thùng gỗ hoặc giấy dưới gầm giường, góc phòng để giúp hút ẩm hiệu quả, đặc biệt với phòng nhỏ.

Tuy nhiên, đối với các gia đình có con nhỏ, người bị bệnh hô hấp hoặc sở hữu nhiều thiết bị điện tử đắt tiền, việc đầu tư một chiếc máy hút ẩm là giải pháp đáng cân nhắc để đảm bảo không gian luôn khô ráo.