1. Dòng sự kiện:
  2. Đánh giá sản phẩm
  3. Hướng dẫn thủ tục hành chính online

Trợ lý ảo Siri của Apple nghe lén người dùng?

Nam Đoàn

(Dân trí) - Liên đoàn Nhân quyền Pháp (LDH) mới gửi báo cáo và đơn khiếu nại tới văn phòng công tố Paris liên quan đến trợ lý giọng nói Siri của Apple với nội dung thu thập trái pháp dữ liệu cá nhân người dùng.

Trợ lý ảo Siri của Apple nghe lén người dùng? - 1

Apple cho rằng, việc thu thập các bản ghi âm từ trợ lý ảo Siri nhằm cải thiện công cụ này tốt hơn (Ảnh minh họa: ST).

Nội dung đơn khiếu nại cho rằng, Apple đã có hành vi thu thập hàng loạt bản ghi âm từ trợ lý ảo Siri, đây là hành vi vi phạm quyền riêng tư, xử lý dữ liệu cá nhân trái phép.

Đơn khiếu nại do LDH đệ trình chủ yếu dựa trên lời khai của chuyên gia công nghệ Pháp Thomas Le Bonniec (29 tuổi), một "tay trong" của dự án lớn mang tên Crowd Collect (thu thập thông tin từ đám đông).

Hiện dự án vẫn đang tuyển dụng các nhà phân tích trên toàn thế giới nhằm mục đích cải thiện hiệu quả phản hồi đa ngôn ngữ của chatbot Siri.

Theo Thomas Le Bonniec, anh được thuê làm công việc này vào năm 2019 với mức lương 2.600 euro/tháng, nhiệm vụ là phân tích hoạt động dữ liệu được thu thập bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Pháp).

"Đây là một dự án đòi hỏi rất nhiều nhân lực, tôi làm việc trong một không gian rộng lớn với hàng trăm người. Ngày đầu tiên đến đã được thông báo rằng, chúng tôi sẽ xử lý các bản ghi âm về những người đang nói chuyện với trợ lý Siri của họ hay các bản ghi âm được ghi lại mà họ không biết khi thiết bị bị kích hoạt do nhầm lẫn", ông cho biết.

Điều này bao gồm việc xác minh rằng bản ghi âm các cuộc trò chuyện của Siri là chính xác hay cần phải sửa lại, xác định xem đây có phải là các bản ghi âm vô tình hay không (Apple gọi đó là tác nhân tiết lộ vô tình).

Trong đơn khiếu nại do Đơn vị điều tra của Đài phát thanh Pháp tham khảo, số lượng bản ghi âm do riêng công ty Globe Technical Services xử lý ước tính lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu. Gần đây, Apple báo cáo, trợ lý ảo Siri xử lý hơn 25 tỷ truy vấn mỗi tháng trên toàn thế giới.

Theo đơn khiếu nại, hành vi của Apple vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), trong đó yêu cầu phải có sự đồng ý "có thông tin" từ người dùng trước khi thu thập bất kỳ thông tin cá nhân nào.

Hé lộ trò chuyện về sức khỏe, chính trị

Trong thời gian làm việc tại Globe Technical Services (GTS), Thomas Le Bonniec và các đồng nghiệp đã nghe một lượng lớn những bản ghi âm được kích hoạt một cách vô tình.

Người dùng nói về cuộc sống riêng tư và trải nghiệm những khoảnh khắc mà không biết rằng mình đang bị ghi âm.

"Có những khoảnh khắc tầm thường, gây sốc hoặc xấu hổ khi bạn nghe thấy những điều rất riêng tư; thậm chí là bạo lực mà bạn không chia sẻ với người lạ.

Cũng có những cuộc trò chuyện thảo luận về dữ liệu sức khỏe, chẳng hạn như ai đó nói về bệnh đa xơ cứng hoặc sảy thai của họ; cũng có những ý kiến chính trị. Rất nhiều bản ghi âm trẻ em trên iPad, tôi nhớ đã nghe ai đó nói về tài khoản ngân hàng của họ ở Thụy Sĩ và những đồng nghiệp thường xuyên nghe thấy các cặp đôi quan hệ tình dục", người tố giác này cho biết.

Trong văn bản hướng dẫn phân phối cho các "nhà phân tích dữ liệu" của GTS, nhân viên cũng được cảnh báo về bản chất của những bản ghi âm này.

"Xin lưu ý rằng, dự án này sẽ liên quan đến dữ liệu cá nhân và riêng tư của người dùng. Ngôn ngữ thô tục, chủ đề bạo lực, khiêu dâm hoặc chủ đề tội phạm có thể xuất hiện. Nếu điều này làm phiền bạn, vui lòng trao đổi với người quản lý", trích dẫn cho biết.

Chính việc báo cáo một bản ghi âm có nội dung khiêu dâm với cấp trên đã thuyết phục Thomas Le Bonniec rời công ty sau khi nghe gần 50.000 bản ghi âm.

Trải nghiệm với Siri Grader này đã khiến ông phá vỡ điều khoản bảo mật để tố cáo điều ông coi là "hệ thống nghe lén tổng quát" và do đó trở thành một trong số ít người tố giác trong GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft).

"Mọi người mua thiết bị của Apple vì nghĩ rằng quyền riêng tư của họ được bảo vệ tốt hơn. Tôi hoàn toàn không tin tưởng. Google, Microsoft và Amazon cũng đang trong tình trạng tương tự. Họ cũng đã thuê người để làm cùng một loại công việc.

Các GAFAM triển khai trợ lý giọng nói đều có lợi ích trong đó. Cần phải có những cuộc điều tra chuyên sâu để xác định lợi ích này là gì và liệu họ có vi phạm luật pháp hay không. Không chỉ luật pháp châu Âu mà còn cả luật pháp của những quốc gia liên quan", ông cảnh báo.

Kể từ năm 2020, nhiều báo cáo khác nhau do Thomas Le Bonniec gửi tới các cơ quan bảo vệ dữ liệu của Pháp hoặc châu Âu đều không dẫn đến bất kỳ cuộc điều tra nào.

Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu (cơ quan tương đương với CNIL tại Pháp) đã đóng báo cáo của mình vào năm 2022 mà không cần mở cuộc điều tra.

"Người khiếu nại không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về việc dữ liệu cá nhân của mình bị xử lý bất thường", Ủy ban giải thích với tờ Radio France.

Vào tháng 8/2019, sau lời khai của Thomas Le Bonniec và một số nhân viên khác của dự án Crowd Collect, Apple đã thông báo rằng họ sẽ tạm dừng chương trình đánh giá Siri.

Theo đó, Apple cam kết không lưu giữ bản ghi âm trừ khi người dùng đồng ý rõ ràng giúp cải thiện giao diện và dữ liệu được Siri xử lý không cho phép xác định danh tính người dùng: mỗi thiết bị tạo ra một mã định danh gồm chữ và số và ẩn danh.

Dữ liệu Siri do Apple có được bán ra bên ngoài?

Khi Radio France's Investigation Unit hỏi về quy trình nhắm vào Apple tại Hoa Kỳ, công ty này tuyên bố rằng "Siri được thiết kế ngay từ đầu để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Chúng tôi sử dụng dữ liệu Siri để cải thiện Siri và liên tục phát triển các công nghệ để trợ lý ảo này trở nên riêng tư hơn nữa. Chúng chưa bao giờ được sử dụng để tạo hồ sơ tiếp thị và chưa bao giờ được bán cho bất kỳ ai vì bất kỳ mục đích nào".

Những lập luận này không thuyết phục được tất cả khách hàng Apple tại Pháp, một số người trong số họ tin chắc rằng các cuộc thảo luận riêng tư của họ đang bị iPhone ghi lại cho mục đích quảng cáo.

Điều này không phải là không có bằng chứng. Vào đầu tháng 1, anh Jérôme, người dùng Apple đã nhận được lời mời quảng cáo trên Instagram mà không cần bất kỳ tương tác nào với chiếc iPhone 12 mini của mình.

"Tôi đang uống cà phê với bạn đời của mình. Cô ấy đang đọc một tạp chí và hỏi tôi rằng tôi đã từng đến Milan chưa và chia sẻ ước mơ một ngày nào đó được đến La Scala. Vào lúc đó, tôi mở ứng dụng Instagram của mình và nội dung tài trợ đầu tiên là quảng cáo cho nhà hát La Scala tại Paris.

Quảng cáo đầu tiên tôi được cung cấp có tên giống hệt như quảng cáo mà chúng tôi vừa đề cập: La Scala ở Milan. Chúng tôi thực sự bị choáng ngợp, đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra. Khi tôi nhắc đến một từ khóa trong cuộc trò chuyện, các ứng dụng như Instagram hoặc Facebook sẽ gợi ý nội dung tài trợ hoặc quảng cáo đề cập đến từ đó", Jérôme chia sẻ.