Tổng Bí thư: Không để cán bộ tranh thủ đề bạt, ký duyệt lúc sắp nghỉ

(Dân trí) - Gạt bỏ ý kiến cho rằng Quốc hội kỳ họp vừa qua thực hiện lại quy trình bầu lãnh đạo nhà nước là hình thức vì việc này vừa thực hiện 3 tháng trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích, việc chuyển giao quyền lực, kiện toàn sớm để tránh việc có lãnh đạo sắp nghỉ vẫn tranh thủ đề bạt, ký duyệt dự án…

Phép thử các lãnh đạo mới

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm ngày hôm nay, 6/8, báo cáo làm rõ thêm vấn đề công tác cán bộ, nhân sự tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc này là gốc của vấn đề, là then chốt của mọi then chốt, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân vì chủ trương chính sách có tốt bao nhiêu mà cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, làm sai lệch đi thì nguy hiểm.

Không phải ngẫu nhiên mà sau Đại hội 12, các cơ quan nhà nước được kiện toàn ngay. Tổng Bí thư khẳng định, đây là chủ trương đúng, dù ban đầu, các ý kiến chưa phải thông suốt ngay vì chỉ còn ít tháng nữa là chuyển sang Quốc hội khoá mới mà thay một loạt lãnh đạo. Cũng có người đặt câu hỏi một vài tháng sau lại bầu, lại tuyên thệ nhậm chức lại, có hình thức không?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, lãnh đạo thành phố dự buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, lãnh đạo thành phố dự buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau Đại hội, nếu tiếp tục duy trì bộ máy cũ, nhiều người sẽ lo lắng bộ máy có giai đoạn chông chênh, đó là còn chưa kể sẽ có những lãnh đạo sắp nghỉ vẫn tranh thủ đề bạt, ký dự án nọ kia, để lại hậu quả về sau. Kiện toàn sớm là để thực hiện đúng tinh thần Đảng đã thay đổi nhân sự trong Trung ương thì chính quyền cũng phải vậy.

“Những người không tham gia Bộ Chính trị nữa mà vẫn làm Chủ tịch nước, Thủ tướng thì chúng tôi khó lãnh đạo lắm vì khi đó, các anh biết chủ trương của Trung ương Đảng thế nào mà điều hành đất nước, quyết định các vấn đề trong mấy tháng liền” – Tổng Bí thư nói.

Ngoài ra, việc kiện toàn sớm cũng tạo tiền đề để các cán bộ “xung trận” với khí thế mới, có bước thách thức, kiểm nghiệm là mấy tháng sau phải bầu lại. Vậy nên kết quả bầu, phê chuẩn lại các chức danh tại Quốc hội vừa qua, tỷ lệ phiếu rất, người thấp nhất được phê chuẩn cũng tới trên 80% trong khi nhiều khoá trước, không ít Bộ trưởng trình ra Quốc hội mà không phê chuẩn được. Theo Tổng Bí thư đánh giá, đó là thành công bước đầu của khoá XIV.

Việc có khởi kiện Trung Quốc hay không phải bàn bạc cẩn trọng

Về vấn đề bảo vệ chủ quyền, cử tri Trần Văn Bình (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) nhắc lại việc toà trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu sách ngang ngược của Trung Quốc về đường lưỡi bò. Các nước đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết nhưng nước này chưa chịu, đang điên cuồng tìm sự ủng hộ ở các nước không liên quan đến Biển Đông. Câu hỏi đặt ra, Việt Nam phải làm sao để bảo vệ ngư dân, ngư trường, ngăn chặn các hành động bạo ngược của Trung Quốc trên biển như đâm chìm tàu, o ép ngư dân ta?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri cùng 2 đại biểu Quốc hội khác của đoàn Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri cùng 2 đại biểu Quốc hội khác của đoàn Hà Nội.

Cử tri Vũ Đức Thuận (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) thì lo tình trạng người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, ở Việt Nam hiện nay. Cử tri dẫn lại vấn đề với lĩnh vực du lịch ở Đà Nẵng vừa qua, liên tiếp các vụ việc người Trung Quốc bắt nạt chị bán chuối, tuyên truyền xuyên tạc lịch sử tại chùa Linh Ứng, đốt tiền Việt tại quán bar. Hướng dẫn viên Trung Quốc thì nói biển Mỹ Khê là của Trung Quốc, cung đình Huế giống Tử cấm thành vì thời đó, đây là đất của Trung Quốc…

“Cần xử lý nghiêm những người Việt bắt tay với người Trung Quốc, để các công ty Trung Quốc tự do hoạt động lữ hành chui. Ngành du lịch không thể tiếp tục để hở những lỗ hổng làm mất chủ quyền đất nước ngay trên lãnh thổ của mình như vậy” – ông Thuận thẳng thắn.

Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn với việc người nước ngoài thuê đất, thuê nhà tại Việt Nam. Ông Thuận đề cập chuyện xung quanh sân bay Nước Mặn tại Đà Nẵng có nhiều người Trung Quốc thuê nhà, làm khách sạn, mà từ chối phục vụ, như một vùng cấm mà người Việt không vào được. Rồi dự án boxit Tây Nguyên cũng dấy lên lo lắng với những làng Trung Quốc phát sinh, ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng đã có đền thờ, khu phố của người Trung Quốc… mà cơ quan quản lý cũng khó nắm được, ở đó người ta làm những gì, ngay tại những vị trí trọng yếu.

Trao đổi về vấn đề này với các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng và nhà nước nhất quán quan điểm phát triển đất nước gắn với bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ. Việt Nam cương quyết bảo vệ chủ quyền và phải làm cho bằng được vì nếu bờ cõi không yên bình, làm sao phát triển được, đất nước đã khổ đau qua bao nhiêu năm chiến tranh rồi.

Về phán quyết của trọng tài quốc tế vụ Philippines kiện Trung Quốc, Tổng Bí thư cho biết, đó không phải chỉ là một vài câu tuyên bố mà là một tập tài liệu dày, phải nghiên cứu kỹ, cẩn trọng. Vậy nên vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ tuyên bố Việt Nam hoan nghênh việc ra phán quyết, còn nội dung thì chờ nghiên cứu xem vấn đề nào liên quan đến lợi ích quốc gia, Việt Nam mới lên tiếng.

Tổng Bí thư giải thích, việc kết luận về phán quyết PCA hay việc có khởi kiện Trung Quốc như cách làm của Philippines hay không, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều phải bàn bạc, cân nhắc cẩn trọng. Chỉ có vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền là đã nhiều lần được khẳng định, Việt Nam kiên quyết kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh an toàn quốc gia (trong đó có cả an ninh, an toàn thông tin mạng).

P.Thảo