Tổng Bí thư: Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp

(Dân trí) - “Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Sáng ngày 7/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần này là một sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng, được tổ chức đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010 - 2015, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đất nước trong 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX (Ảnh Mai Châm)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX (Ảnh Mai Châm)

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 5 năm qua, ở ngành nào, cấp nào cũng có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành mình, đơn vị mình. Đặc biệt là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đến nay cả nước đã có hơn 1.200 xã và 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất. Đã có hàng vạn đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan toả trong cả nước. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu, tuyên truyền, động viên, đẩy mạnh phong trào thi đua, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thêm động lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Những kết quả đạt được của phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua là rất to lớn, song vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục. Nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Một số phong trào tác dụng lan toả chưa cao.

Công tác sơ kết, tổng kết ở một số địa phương, đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, chậm phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến. Đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều. Chúng ta cần suy nghĩ, nghiêm túc rút kinh nghiệm và có biện pháp tích cực khắc phục những hạn chế, khuyết điểm này.

Tổng Bí thư lưu ý thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn là động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh một số nội dung cụ thể đó là, tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức, phương thức tổ chức, tránh sự nhàm chán, tẻ nhạt.

Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi nhưng cũng phải làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua; bảo đảm hài hoà ba lợi ích: lợi ích của người lao động; lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị; lợi ích của xã hội.

Trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua cần chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực.

Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp.

Thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Công tác thi đua, khen thưởng đòi hỏi phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng cũng cần phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên trách thi đua, khen thưởng là nòng cốt theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả.

Đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua - khen thưởng, có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua để tích cực tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền trong công tác thi đua, khen thưởng.

“Với sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước của nước ta trong thời gian tới nhất định sẽ có nhiều thành công mới, tạo ra động lực quan trọng, góp phần vào tiến trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Quang Phong