Thung lũng Mường Thanh và chứng tích lịch sử
(Dân trí) - Thung lũng Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) 60 năm về trước là nơi được xem như pháo đài bất khả chiến bại. Mảnh đất này nay đã xanh tươi trở lại, nhưng kí ức hùng tráng và những chứng tích lịch sử vẫn luôn còn mãi với nơi đây.
Pháp đổ quân cùng một lượng vũ khí lớn lập thành Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ án ngữ miền Tây Bắc và kiểm soát liên thông với Thượng Lào. Lòng chảo bằng phẳng phì nhiêu trở thành cứ điểm quân sự mang trong mình nhiều loại vũ khí. Chiến cụ tối tân, quân Pháp kiêu ngạo không thể ngờ đến một trận thua ê chề đang chờ họ.
Chỉ trong vòng 56 ngày đêm với tinh thần quyết chiến quyết thắng, sự ngạo mạn của quân viễn chinh Pháp đã tan biến cùng tập đoàn cứ điểm hùng hậu trước sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.
60 năm trôi qua, thung lũng Mường Thanh nay xanh tươi trở lại, nhưng kí ức hùng tráng và những chứng tích lịch sử vẫn luôn còn mãi với nơi đây.
Ngay từ đầu tháng Tư, hàng đoàn xe từ khắp đất nước kéo về thăm TP Điện Biên Phủ, tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ. Các cựu chiến binh, chiến sĩ dưới chân Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.
Những hiện vật trong trận Điện Biên Phủ 60 năm trước của quân viễn chinh Pháp vẫn còn được lưu lại ở TP Điện Biên Phủ, như chứng tích thất bại tất yếu của kẻ xâm lược. Trong ảnh là chiếc xe tăng Conti Chaffee 24 bảo vệ sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bị đạn pháo của đại đoàn công pháo 351 tiêu diệt vào lúc 14 giờ 45 ngày 7/5/1954.
Cầu Mường Thanh 14 giờ ngày 7/5/1954, Đại đội 360, Đại đoàn 312 tiến công vượt cầu Mường Thanh, tiêu diệt ổ trọng liên 4 nòng của địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Hố bộc phá trên đồi A1 được tạo thành bởi 960kg thuốc nổ lúc 20 giờ 30 ngày 6/5/1954 đã tiêu diệt 1 đại đội địch và làm choáng váng số quân địch còn lại. Tiếng nổ là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay sau đó Trung đoàn 174 tiến công đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 lúc 4 giờ 30 ngày 7/5/1954.
Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Nội nay đã 90 tuổi về thăm lại chiến trường xưa. Ông là Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 tham gia tấn công khu vực sân bay Hồng Cúm. Xúc động bên hố bộc phá ông nói: “60 năm qua rồi, hôm nay tôi mới có dịp trở lại nơi mình và đồng đội đã gửi lại máu xương. Điện Biên giờ đổi thay nhiều quá”.
Các CCB thăm khu di tích trên đồi A1. Đây là cứ điểm mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với hỏa lực mạnh, hệ thống hầm ngầm bí mật kiên cố. Phải đến ngày 6/5/1954 sau khi khối bộc phá nghìn cân làm sập hệ thống hầm ngầm quân đội ta mới hoàn tất việc chiếm đồi.
CCB Đặng Văn Đảm đang sống ở TP Điện Biên Phủ đã ngoài 80 tuổi, ông được giao nhiệm vụ đào hầm khoét sâu vào đồi A1 để đặt khối bộc phá nghìn cân. Khi ấy ông mới ngoài 20 tuổi, biên chế đơn vị C671, tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.
Trận địa pháo 105 trên đèo Phiêng Lơi. Vào lúc 13 giờ ngày 13/3/1954 Khẩu đội 1 trọng pháo 105mm (Đại đội 806, Trung đoàn pháo binh 45) đã vinh dự bắn loạt đạn đầu tiên vào trung tâm đề kháng Him Lam, mở màn Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Cứ điểm trên đồi Bản Kéo. Lúc 17 giờ ngày 17/3/1954 bằng sự kết hợp giữa công tác binh vận với sự chi viện của pháo binh (Đại đoàn công pháo 351), Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) đã bức hàng và bắt sống toàn bộ quân địch và làm chủ cứ điểm này.
CCB Nguyễn Văn Thẩm thuộc Sư đoàn 316 là người tham gia các trận đánh A1; C1; C2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cũng là một nhân vật trong bộ phim tài liệu lịch sử: Việt Nam trên đường thắng lợi của đạo diễn Liên Xô (cũ) Roman Carmen.
Khẩu pháo 155mm thuộc phân khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gần hầm chỉ huy của De Castries bị đạn pháo của Trung đoàn pháo binh 45 phá hủy trong ngày mở màn chiến dịch 13/3/1954.
Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm De Castries) đã bị tổ xung kích do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tiến vào bắt sống tướng De Castries cùng toàn thể Bộ tham mưu vào lúc 17 giờ 30 ngày 7/5/1954.
CCB Phạm Đình Vụ từng tham gia trận đánh đồi A1 thuộc đơn vị C259, D18, Trung đoàn Thủ đô anh hùng về thăm lại chiến trường xưa.
Chiến tranh đã qua, chiếc xe tặng gục nòng bên sân bay Mường Thanh nay đã thành hiện vật trưng bày, là vật chứng cho thất bại tất yếu của quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam.
Hữu Nghị