Thủ tướng cùng ĐBSCL bàn hướng ứng phó với hạn, mặn lịch sử
(Dân trí) - Thời gian qua, tình trạng hạn mặn diễn ra gay gắt ở ĐBSCL, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân. Trước tình hình trên, sáng 7/3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với các tỉnh, thành phố ĐBSCL về công tác phòng, chống xâm nhập mặn.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mùa khô năm 2015-2016, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6/2016, muộn hơn cùng kỳ khoảng gần 2 tháng. Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra một số vùng đặc biệt chú ý tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn như: Vùng Gò Công, Trà Vinh, các khu vực trong phạm vi cách biển 30-45km có khả năng có nước ngọt từ đầu tháng 3 đến ngày 7/3. Sau thời gian này độ mặn sẽ lên cao, không lấy được nước.
Vùng Long Phú-Tiếp Nhật (Sóc Trăng) cần tranh thủ lấy nước. Riêng vùng ranh Sóc Trăng – Bạc Liêu (bán đảo Cà Mau) mức độ xâm nhập mặn phụ thuộc vào chế độ vận hành các cống ngọt hóa ven QL1 từ Bạc Liêu đến Cà Mau. Cần lưu ý vận hành hệ thống quản lộ - Phụng Hiệp để giải quyết tình trạng này, Nguồn nước ngọt về giữa Bán đảo Cà Mau khó khăn hơn mùa khô 2015.
Thời gian qua chúng ta đang đối diện với hiện tượng El Nino kéo dài nhất trong lịch sử nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 9/13 tỉnh thành phố trong khu vực (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tổng diện tích lúa thiệt hại toàn vùng ĐBSCL từ cuối năm 2015 đến nay gần 139.000 ha; trong đó, 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất (chiếm 62%). Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau: 49.343 ha, Kiên Giang: 34.093 ha, Bạc Liêu: 11.456 ha và Bến Tre: 13.844 ha.
Hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) bị thiếu nước, gồm: 144.000 hộ chưa được cấp nước tập trung và 11.000 hộ được cấp nước tập trung. Đặc biệt, toàn tỉnh Bến Tre hiện nay chỉ còn 4 xã (huyện Chợ Lách), nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn.
Do hạn hán, nguồn nước cạn kiệt, nhiều khu vực đang nằm trong mức độ cảnh báo cháy cao (cấp 4, cấp 5), đặc biệt là hai cánh rừng lớn U Minh Thượng và U Minh Hạ. Do nắng nóng kéo dài, bốc hơi lớn, thiếu nước ngọt bổ sung nên ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm và phát sinh dịch bệnh.
Tại hội nghị Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đưa ra các giải pháp trong thời gian tới: Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, tổ chức giám sát, dự báo xâm nhập mặn đến từng cửa lấy nước để vận hành, điều tiết công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống.
Về đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, cần sử dụng các phương tiện lưu động cung cấp nước cho người dân các khu vực không có nước ngọt phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Cung cấp trang, thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị ảnh hưởng mặn nhưng không thể cấp nước bằng công trình tập trung.
Trước tình trạng cấp bách của hạn hán và xam nhập mặn, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị: Các bộ, ngành, địa phương coi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay là thiên tai đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, cần huy động cả hệ thống chính trị, tăng cường nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân. Chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, triển khai các biện pháp chủ động phòng chống mặn xâm nhập sâu và kéo dài; áp dụng các biện pháp kỹ thuật về thủy lợi và canh tác lúa để hạn chế tác hại do nhiễm mặn; hướng dẫn nông dân chỉ gieo cấy lúa ở những nơi có đủ nguồn nước tưới.
Bộ TN&MT cần, chỉ đạo Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam khẩn trương làm việc với các nước thượng nguồn sông Mê Kông để chia sẻ thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ khô hạn theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị với Chính phủ cần xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2015-2016, gồm 39 địa phương, trong đó có các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 623.800 triệu đồng.
Xem xét hỗ trợ 215 tỷ đồng cho các địa phương để mua giống, khôi phục sản xuất cho các diện tích bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Ưu tiên bố trí 1060 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để đầu tư một số hạng mục công trình, công trình để phát huy hiệu quả đầu tư, đưa vào sử dụng phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, cụ thể như sau.
Phạm Tâm