Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng
Từ nhiều năm nay, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để xứng đáng với vị thế, trọng trách cầm quyền của Đảng trong hệ thống chính trị và xã hội.
Vì vậy, việc quan tâm chăm lo xây dựng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng luôn được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Với ý nghĩa đó, Đại hội XII của Đảng đã khẳng định, phải quan tâm “xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.
Xây dựng Đảng về đạo đức đã trở thành vấn đề căn cốt, được đặt ngang hàng cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của xây dựng Đảng về đạo đức, vì Đảng giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội nên đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, văn minh của giai cấp, dân tộc và xã hội. Hơn nữa, thực tiễn chỉ rõ, trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên thường đảm nhiệm các cương vị chủ chốt trong bộ máy của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Trong công tác và cuộc sống, họ phải tiếp xúc nhiều với sự cám dỗ của tiền tài, vật chất, danh lợi, nên rất dễ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật, pháp luật nếu cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên không chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, lợi ích nhóm.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay, cùng với nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp phải tự giác, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Muốn vậy, cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau đây:
Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, coi đây là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải sát thực với tình hình đặc điểm, nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị, có giá trị định hướng tư tưởng và hành động sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Trong đó cần đặc biệt coi trọng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về các nội dung cốt lõi như: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; suốt đời hy sinh phấn đấu để thực hiện mục tiêu lý tưởng của Đảng, vô luận trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; dân chủ, gương mẫu, trung thực, trách nhiệm, gắn bó mật thiết với quần chúng; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, lợi ích nhóm.
Cùng với đổi mới nội dung, cần chú trọng vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp sinh động học tập và làm theo Bác. Cần nắm vững những lời huấn thị, chỉ dẫn quan trọng của Bác về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trên cơ sở đó chú ý vận dụng có hiệu quả những phương pháp mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng để giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đó là: Phương pháp giáo dục thuyết phục; nêu gương về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân; phương pháp giáo dục, rèn luyện đạo đức thông qua tự phê bình và phê bình, thông qua thực tiễn thực hiện chức trách, nhiệm vụ và tự tu dưỡng, rèn luyện của từng cán bộ, đảng viên.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng tuyên truyền kết quả làm theo tấm gương của Bác; đặc biệt coi trọng tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và những cách làm hay, kinh nghiệm sáng tạo của các cấp, các ngành, các địa phương. Phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức, các lực lượng tiến hành đa dạng hóa những hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, phát thanh, truyền hình, các buổi mít tinh kỷ niệm sự kiện lịch sử truyền thống của Đảng, dân tộc…
Hai là, kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nặng nề, phức tạp, một “cuộc chiến” đầy cam go, thử thách, liên quan đến sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và thanh danh của Đảng hiện nay.
Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng ở các cơ quan, đơn vị về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của cấp ủy Đảng và đội ngũ cán bộ chủ trì đối với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là những người giữ vị trí trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: Quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; thu, chi ngân sách, mua sắm công, tài chính, ngân hàng, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cán bộ; quản lý doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần đầu tư nước ngoài; giáo dục-đào tạo và y tế.
Đảng ta đã xác định lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển. Tuy nhiên, việc tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân hay coi lợi ích cá nhân là động lực duy nhất thì đó là tư tưởng cực đoan, dễ sa ngã vào chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân luôn trái với mục tiêu xây dựng CNXH, làm cản trở sự phát triển của lịch sử, đồng thời là “kẻ địch” không kém phần nguy hiểm mà chúng ta phải quyết tâm đấu tranh, ngăn ngừa và loại trừ nó ra khỏi cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thắng lợi của CNXH không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân”. Mặt khác, kiên quyết ngăn chặn, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, lợi ích nhóm là thiết thực góp phần phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng hiện nay.
Ba là, coi trọng và đề cao vai trò của nhân dân trong việc tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ rèn luyện đạo đức cách mạng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, chấp hành kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cơ hội, lợi ích nhóm, sống xa dân, quan liêu, cửa quyền… đã gây bức xúc trong dư luận. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này là nhiều nơi chưa coi trọng vai trò giám sát của nhân dân. Do vậy, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia giám sát hoạt động của bộ máy chính trị và giám sát cán bộ, đảng viên là một trong những biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng có hiệu quả. Vì kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, người dân càng giám sát chặt chẽ bao nhiêu, nguy cơ sai phạm của bộ máy công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên càng bị hạn chế, đẩy lùi bấy nhiêu.
Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân. Định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Chủ động nhận diện, phát hiện và xử lý nghiêm minh mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống.
Thông qua việc tăng cường giám sát của nhân dân sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ngăn ngừa và phòng, chống có hiệu quả tệ nạn quan liêu, tham nhũng, cơ hội, thực dụng, qua đó góp phần bảo đảm cho cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước được chấp hành và thực thi một cách nghiêm minh.
Đại tá, PGS, TS ĐẶNG SỸ LỘC (Phó chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị-Học viện Chính trị)