Nhất thể hoá Bí thư - Chủ tịch UBND: “Dân kêu là phải tới, lập tức giám sát ngay!”
(Dân trí) - “Nhất thể hoá chức danh Bí thư cấp uỷ kiêm Chủ tịch UBND, Quảng Ninh đã làm ở cấp xã từ năm 2002, cấp huyện thì làm ở Cô Tô từ năm 1994. Kinh nghiệm là cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp trên để khi dân kêu là phải tới luôn, lập tức có đoàn giám sát, yêu cầu giải trình, xử lý ngay” – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng trao đổi với PV Dân trí…
“Không đẩy ai ra đường”
- Những con số cụ thể về kết quả 3 năm thực hiện Đề án 25 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị tại Quảng Ninh như giảm được 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, 107 đầu mối cơ quan, giảm hàng nghìn biên chế công chức, viên chức… đã nói lên phần nào thành công của tỉnh nhà. Quảng Ninh đã thực hiện việc này như thế nào, thưa bà?
- Tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu xuất phát từ thực tiễn, tiến hành rà soát một cách tổng thể và hết sức kỹ lưỡng tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, các sở ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức, đánh giá quá trình hoạt động, triển khai chức năng, nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả đạt được theo hướng để tự đơn vị đánh giá, rồi cấp trên trực tiếp đánh giá, đội ngũ công chức làm việc tại cơ quan đánh giá, lãnh đạo cơ quan đánh giá. Sau đó, tỉnh nhìn nhận lại để thấy những mặt mạnh, yếu tố bất cập, chồng chéo, đan xen và xem xét cách tháo gỡ.
Bước đầu chúng tôi đề xuất các giải pháp sát nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi mô hình.
Làm việc này trước hết phải tạo được sự đồng thuận về chủ trương của từ lãnh đạo tới nhân viên, phân tích một cách thấu đáo về hiệu quả đạt được khi thay đổi tổ chức, những lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, người dân, trong đó có phân tích những sự hy sinh về quyền lợi cá nhân và nhất thiết phải giải quyết thấu tình đạt lý, ưu tiên chính sách cao nhất có thể hoặc đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ riêng.
- Hơn một năm trước, đoàn giám sát của Quốc hội xuống Quảng Ninh làm việc về vấn đề thực hiện mô hình nhất thể hoá của tỉnh. Không ít những băn khoăn đã được nêu ra như nhất thể hoá đồng nghĩa với việc hàng loạt biên chế, chức danh cần tinh giản, động chạm trực tiếp đến “nồi cơm” của không ít lãnh đạo. Quảng Ninh làm sao để giải bài toán một cách hài hòa?
- Làm việc này cần có quyết tâm chính trị cao. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy không hề đơn giản. Nó kéo theo nhiều vấn đề như gây ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ do thay đổi môi trường làm việc, công chức, viên chức phải rời bỏ bộ phận đang làm, phải làm thêm nhiều việc hơn, làm những việc mới, chưa quen…
Liên quan đến công tác cán bộ thì khi hợp nhất, số lượng lãnh đạo sẽ giảm nên việc sắp xếp đội ngũ cán bộ một cách hợp lý hết sức quan trọng, tránh gây tâm tư và mất động lực. Ngoài ra, việc này liên quan đến chế độ chính sách khi thực hiện tinh giản.
Vì vậy, trường hợp này đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải hết sức quyết liệt, dám làm và biết cách làm, biết cách tạo động lực để cơ quan mới hoạt động tốt hơn.
- Nhiều “người trong cuộc”, nhiều địa bàn đang thực hiện việc sắp xếp, thay đổi bộ máy, nhân sự cho rằng nói không có tâm tư trong cán bộ, trong tổ chức về việc này thì không đúng?
- Về việc này, Bí thư Tỉnh uỷ của chúng tôi (ông Nguyễn Văn Đọc – PV) luôn nhắc đi nhắc lại quan điểm “đổi mới nhưng không được vội vàng, không được đẩy ai ra đường”. Vậy nên đề án của Quảng Ninh có lộ trình cụ thể, không phải duy lý để quyết định một cái là làm luôn đâu.
Vậy nên như ở huyện Tiên Yên, chúng tôi giảm một lúc 79 biên chế nhưng không ai oán giận vì huyện bố trí cho những người thôi công vụ tiếp tục công việc ở các đơn vị ngoài công lập.
Còn ở Quảng Ninh lâu nay đã có quy chế, người làm 3 năm trong lĩnh vực công tác mà không có gì đổi mới thì phải thay đổi vị trí. 7 năm nỗ lực hết sức mà thấy không phát triển được lên cao cũng phải thay đổi vị trí để tránh trì trệ.
Toàn tỉnh hiện đã rà soát đến các Giám đốc sở về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ về quản lý nhà nước, dù không sai phạm nhưng không có gì đổi mới thì vẫn không coi là nhân sự tốt và chúng tôi sẽ lập tức tìm cách sắp xếp.
Ngăn ngừa tối đa tiêu cực do tập trung quyền lực
- Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề lớn nhất đặt ra với việc tổ chức Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện/xã là nguy cơ lạm quyền, độc đoán, hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Thực tế việc áp dụng mô hình ở cấp huyện tại 2 huyện Tiên Yên, Cô Tô thời gian qua, mâu thuẫn này được giải quyết như thế nào, thưa bà?
- Kinh nghiệm, bài học Quảng Ninh rút ra từ việc thực hiện việc này là phải có sự chỉ đạo sát sao, giám sát việc thực hiện, nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực khi thực hiện nhất thể hoá chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND. Cần ngăn ngừa tối đa những tiêu cực do tập trung quyền lực bằng cách phân định thẩm quyền giữa các cấp theo hướng tăng cường phân cấp, yêu cầu xây dựng quy chế mới, trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu từng chức danh, phân cấp một số quyền của Bí thư cho Phó Bí thư, của Chủ tịch UBND do cấp phó.
Nhất thể hoá chức danh Bí thư cấp uỷ kiêm Chủ tịch UBND Quảng Ninh đã làm ở cấp xã từ năm 2002, cấp huyện thì làm ở Cô Tô từ năm 1994. Khi thực hiện, chúng tôi thay hết quy chế làm việc ở những nơi đó. Thường trực cấp uỷ giờ không phải như trước với Bí thư và 2 Phó Bí thư nữa mà giờ là thường trực 3 bên “bàn đấy, quyết đấy, làm đấy”. Làm như vậy thì có gì vướng là xử lý luôn, dân kêu là tới luôn, có việc là giải quyết bằng phiếu kín luôn.
Song song với đó, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp trên đối với việc thực hiện, nhiệm vụ của cấp dưới, tăng cường giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể. Chúng tôi dứt khoát phân công một ủy viên Thường vụ tỉnh uỷ trực tiếp theo dõi, quản lý những nơi nhất thể hóa để khi nghe thấy điều gì đó (kể cả từ thông tin báo chí, dư luận quần chúng) là lập tức có đoàn giám sát luôn, yêu cầu giải trình và xử lý ngay.
Song điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh vẫn là phẩm chất của cán bộ.
- Vẫn là về công tác cán bộ - yếu tố quan trọng nhất, như bà nói, làm sao để chọn chuẩn xác những người “2 trong 1”, có thể đóng tròn các vai như vậy?
- Trước khi thực hiện hợp nhất các cơ quan phải nhất thể hoá chức danh người đứng đầu. Ví dụ: Chủ nhiệm UB Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra, Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ… Việc này không thể nói là làm được ngay mà phải có lộ trình và rất thận trọng. Cần bố trí, sắp xếp, điều chuyển một cách hợp lý nhất để phát huy năng lực cán bộ.
Nếu có cán bộ tự nguyện thôi giữ chức vụ thì phải có cơ chế chính sách chính đáng. Có thể lùi thời gian khi cán bộ sắp nghỉ chế độ. Khi có một vị trí nghỉ chể độ hoặc quy hoạch, đủ điều kiện sắp xếp, luân chuyển ở vị trí khác, chúng tôi không bố trí người mới mà thực hiện kiêm nhiệm. Như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức, không gây ra sự xáo trộn lớn ảnh hưởng tiêu cực tới bộ máy…
Nhìn chung là việc này phải rất linh hoạt. Việc lựa chọn cán bộ đủ tầm và am hiểu lĩnh vực, uy tín và có phẩm chất cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của tổ chức bộ máy mới. Đây là điều Quảng Ninh đang làm và làm rất tốt.
- Xin cảm ơn bà!
P.Thảo – H.Sâm