Ngày Xuân, bàn về "cái gốc" của người cán bộ

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "cái gốc" của người cán bộ chính là đạo đức cách mạng. Người nói: "Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Chính vì ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở đi trở lại ý kiến này nhiều lần.

Ngay khi thực hiện bản Di chúc, nghĩa là ở thời khắc "chuyển giao" thiêng liêng nhất đối với mỗi đời người, Người vẫn không quên dặn dò - đối với Đảng thì "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch…"; còn đối với đoàn viên thanh niên "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".

Chung quy lại, điều Người đau đáu trước nhất vẫn là "cái gốc" của người cán bộ, tức là vấn đề đạo đức cách mạng.

Điểm lại việc chọn lựa nhân sự của Đảng ta qua các thời kỳ Đại hội từ khi giành được chính quyền đến nay, ta thấy vấn đề đạo đức của người đứng đầu luôn được xem trọng; và đó gần như là một quan điểm có tính xuyên suốt.

 

Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cái gốc” của cán bộ là phải có đạo đức cách mạng.

Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cái gốc” của cán bộ là phải có đạo đức cách mạng.

Gần đây nhất, ngày 8-12-2015, trong cuộc tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (Hà Nội) để thông báo kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã tiếp nối quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "cái gốc" của người cán bộ khi phát biểu rằng: "Cán bộ phải có đức, có tài nhưng chữ đức phải là gốc; yêu cầu trước hết là phải trung thành tuyệt đối với nhân dân, đất nước". Để minh họa cho ý kiến của mình, Tổng Bí thư đã đọc mấy câu Kiều "Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".

Tuy nhiên, không phải không có ý kiến khác với quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư.

Những ngày này, khi mà hết thảy người dân chúng ta đều đang dõi theo với nhiều kỳ vọng về sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thì đây đó trên các trang mạng (nhất là những trang mạng của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị) xuất hiện quan điểm cho rằng với người lãnh đạo hiện nay, vấn đề năng lực phải đặt lên hàng đầu; thậm chí, về vấn đề đạo đức, kể cả trong trường hợp ai đó xảy chuyện tham ô tham nhũng; bè phái, lợi ích nhóm, tranh giành quyền lực thì cũng nên "châm chước", thậm chí bỏ qua nếu họ có "năng lực", và cái năng lực ấy có thể "vô tình" làm lợi cho nhân dân, cho đất nước.

Có thể xem đây là ý kiến "vị tài" và thoạt nghe thì vậy, nếu ngẫm kỹ - nhất là suy xét trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam - ta sẽ thấy nó thực sự phi lô gic.

Chúng ta cần nhớ, ở nhiều nước Âu - Mỹ có trình độ quản lý xã hội cao, chặt chẽ, việc những cá nhân lãnh đạo nào đó, nếu về mặt đạo đức còn có điều "bất ổn", thì với sự giám sát của xã hội, họ sẽ rất khó làm bậy; hoặc có làm bậy thì cũng khó mà "an toàn giấu nhẹm". Còn đối với những nước mà công tác quản lý xã hội còn có những điều bất cập như chúng ta hiện nay, việc ai đó - nhất là những người giữ cương vị cao - nếu nói chỉ cần "có tài" không thôi thì rất không đủ. Thậm chí, trong trường hợp rơi vào người thiếu đạo đức thì cái "tài" ấy lại càng là mối nguy hiểm.

Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú, có nhiều cách gọi tưởng để chỉ cùng một hiện tượng nhưng lại nói được những sắc thái khác nhau. Ví dụ, có người khôn thuộc loại thông minh nhưng lại có người khôn thiên về "láu cá". Những người gọi là "tài" mà thiếu tâm kể trên thì cái "tài" ấy là gì nếu không phải là tài vinh thân phì gia, đục đẽo tiền bạc của nhân dân, của đất nước?

Nói tới đây, tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao với ý kiến của đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khi - trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ - đã cho rằng: "Năng lực là rất quan trọng, nhưng đòi hỏi đầu tiên của người cán bộ cao cấp là công tâm cho cái chung. Chúng ta không thể gửi trứng cho ác. Cũng có ý kiến bảo là nhân sự đó có lợi ích nhóm, nhưng có thể đổi mới. Đổi mới là hết sức cần thiết. Nhưng tôi nghĩ đến cuộc đổi mới chân chính, có thể đem lại kết quả vững chắc, thực chất, cho nhân dân, cho lợi ích chung của đất nước, thì nó cũng phải xuất phát từ sự công tâm, trong sáng. Tôi không hy vọng trên nền lợi ích nhóm tiêu cực mà có đổi mới tốt cho quốc gia".

Trên phương diện quản lý quốc gia, không ai có thể tự cao tự đại cho rằng mình đủ tài để biết hết mọi việc; sáng suốt chỉ đạo đúng hết mọi việc. Vấn đề là với người có tâm sáng, hết lòng vì dân vì nước, chắc chắn họ sẽ tìm ra được những cộng sự có đủ năng lực, phẩm chất để giúp mình cùng đưa đất nước tới mục tiêu cao cả "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".Theo Hà Khải HưngBáo Công an Nhân dân
 

Dòng sự kiện: Tết Bính Thân 2016