Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng:
Mất cảnh giác an ninh quốc phòng sẽ dẫn tới nguy cơ tổn thất rất lớn
(Dân trí) - “Hơn bao giờ hết trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt với vấn đề quốc phòng phải luôn luôn đề cao cảnh giác, điều này không bao giờ thừa. Nếu một lúc nào đó chúng ta mất cảnh giác thì sẽ dẫn tới nguy cơ gây ra tổn thất rất lớn” - Thiếu tướng Lê Mã Lương nói.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - nêu quan điểm trong cuộc trao đổi với PV Dân trí xung quanh góp ý cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng.
Thiếu tướng Lê Mã Lương nói: “10 năm trở lại đây kinh tế của nước ta có những bước phát triển. Tác động của thế giới và khu vực đan xen thuận lợi, khó khăn đối với sự phát triển kinh tế đất nước, nguy cơ ảnh hưởng, tác động đến việc giữ vững chủ quyền, độc lập tự do của Tổ quốc mà Nhà nước ta đã có những đầu tư khá mạnh cho các hoạt động của quốc phòng - an ninh, trong đó đặc biệt chú trọng đến hiện đại hóa của 5 lực lượng: phòng không - không quân, hải quân, điện tử, thông tin và cảnh sát biển. Trong những năm vừa qua các lực lượng này đã từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ đất nước rất có hiệu quả. Chúng ta mua sắm phương tiện vũ khí, trang thiết bị không phải để chạy đua vũ trang mà để phòng thủ đất nước, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước, phù hợp với cách đánh, vị trí chính trị của Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà thế giới coi Việt Nam là nước đứng thứ 23 có nền quốc phòng mạnh. Những hoạt động của hải quân, không quân, đặc biệt là của hải quân trên biển đã chứng tỏ quốc phòng có những bước đột phá, phát triển, đặc biệt là những binh chủng cần phải đầu tư thì đã được đầu tư tương đối mạnh.
Dự thảo báo cáo chính trị nêu rõ nhiệm vụ thời gian tới là “tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng...”. Ông đánh giá thế nào về nội dung này ?
Việt Nam có vị trí địa lý chính trị đặc biệt và nhạy cảm. Dưới con mắt của những người nghiên cứu chúng tôi, về góc độ quân sự, chúng ta mở ra quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa diện và quan hệ với tất cả các nước trên thế giới nên đã góp phần giúp chiến lược ngoại giao thành công, góp phần tạo ra vị thế của chúng ta trong quan hệ đối ngoại với các nước. Việt Nam trong con mắt của thế giới đã có một sự tin tưởng và mong có sự hợp tác toàn diện, kể cả với các nước lớn như Nga, Ấn Độ, Mỹ và kể cả với Trung Quốc. Trong đó đối ngoại quân sự góp phần rất lớn, góp phần tạo ra vị thế, tạo ra chiều sâu cho sự phát triển của quốc phòng an ninh Việt Nam.
Trong con mắt của bạn bè quốc tế cũng quan tâm tới sự ổn định của đất nước chúng ta. Chúng ta đang bước dần lên con đường phát triển bền vững. Điều này có tác động rất lớn đến quốc phòng, bởi để có nền quốc phòng mạnh thì trước hết phải có một nền kinh tế mạnh, phát triển bền vững. Điều ấy đã chứng minh trong những năm qua rất rõ. Chính vì quốc phòng mạnh lên thì có tác động trở lại đối với xã hội, với nền kinh tế của đất nước, có tác động hai chiều nên cần biết đầu tư phù hợp.
Tuy nhiên so với yêu cầu trong 5 năm, 10 năm tới khi tình hình thế giới và khu vực phức tạp, sẵn sàng đe dọa đến an ninh của đất nước trên vùng trời, vùng biển, biên giới hải đảo thì chúng ta vẫn chưa đạt tới một sự thật sự yên tâm để phòng thủ đất nước, hiện đại hóa những binh chủng mà về mặt chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự đề ra ưu tiên phát triển trước, tiếp tục đẩy nó lên. Chúng ta không thể thỏa mãn với những phương tiện vũ khí mà chúng ta có hiện nay.
Để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là ứng xử với những hành động sai trái trên Biển Đông đang ngày càng phức tạp, khó lường, theo ông dự thảo báo cáo chính trị cần làm rõ, lưu ý những vấn đề nào trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng thời gian tới ?
Để giữ vững chủ quyền trên biển đảo thì một trong những giải pháp là chúng ta phải quốc tế hóa, phối hợp hải quân, không quân với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự phối hợp ấy, tôi cũng đã nghĩ tới là sự phối hợp với lực lượng hải quân của Hoàng gia Úc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản để chúng ta giảm tải sự căng thẳng, giảm tải khả năng chúng ta không thể kiểm soát hết được. Vấn đề là quốc tế hóa tới đâu, phối hợp với nhau như thế nào để giữ ổn định khu vực Biển Đông thì đây lại là vấn đề mà chúng ta phải tiếp tục tư duy sâu hơn để đặt ra những điều kiện, bởi những vấn đề trên Biển Đông không riêng gì của Việt Nam, ASEAN mà nó là vấn đề của thế giới.
Tôi cho rằng Việt Nam hơn bao giờ hết phải nỗ lực cao hơn, nhanh hơn, tham gia hiệu lực vào đội quân gìn giữ hòa bình của thế giới. Vừa qua chúng ta đã có thành viên tham gia rồi nhưng còn nhỏ, chưa để lại dấu ấn, và kinh nghiệm tham gia vào đội quân giữ gìn hòa bình của thế giới. Khi chúng ta có đội quân tham gia vào đội quân giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc thì có rất nhiều lợi ích to lớn. Nó chứng tỏ thế, lực, uy tín quốc phòng Việt Nam; tạo ra kinh nghiệm cho quân đội Việt Nam trong việc giữ gìn hòa bình thế giới. Mặt khác thông qua đó biết được mặt mạnh cũng như điểm yếu của chúng ta để khắc phục, giúp vị thế quân đội Việt Nam, vị thế Việt Nam nâng lên một bước.
Một vấn đề khác mà tôi cũng đặc biệt lưu ý, nguyên tắc xây dựng quân đội của bất kỳ nước nào trên thế giới, đó chính là việc nâng cao sẵn sàng chiến đấu thông qua hoạt động diễn tập cấp chiến lược, chiến dịch, thực binh, diễn tập một bên, đối kháng, tham mưu trên bản đồ,... Mỗi năm có vài chục cuộc diễn tập ở khu vực này, ở khu vực kia của đất nước, ở vùng chiến lược này, ở vùng chiến lược kia, của binh chủng này, quân chủng kia phối hợp với nhau thì sẽ góp phần tạo nên một sức mạnh, thông qua đó thể hiện rõ kinh nghiệm về sẵn sàng chiến đấu. Vừa qua chúng ta cũng có nhiều cuộc diễn tập, nhưng nếu so với những năm 80-90 của thế kỷ trước thì hàng chục năm gần đây những cuộc diễn tập của chúng ta không rầm rộ, quy mô như thế.
Thế hệ chúng tôi đã trải qua chiến đấu, thông qua những cuộc diễn tập góp phần tạo nên bản lĩnh của người chiến sĩ, đánh giá được phần nào lòng trung thành của người lính với tổ quốc, sự dũng cảm của người lính khi thực hiện nhiệm vụ, bản lĩnh người chỉ huy. Những năm sắp tới phải luôn luôn lưu ý tới những cái này. Vấn đề diễn tập của các cấp cực kỳ quan trọng, tác động trực tiếp tới sẵn sàng chiến đấu, nâng cao trình độ bản lĩnh chiến đấu. Hiệp đồng quân binh chủng của chúng ta vừa qua chưa đạt tới tầm. Bất kỳ nước nào dù hiện đại đến đâu nếu không quan tâm tới vấn đề này sẽ góp phần làm quân đội yếu đi.
Vấn đề cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh chính là đánh giá kẻ thủ, nhận biết kẻ thù trong thế giới phẳng không đơn giản chút nào. Hôm qua là kẻ thù hôm nay có thể đã là cựu thù, hôm qua là bạn hôm nay là đối trọng với chúng ta. Vì vậy hơn bao giờ hết trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt với vấn đề quốc phòng phải luôn luôn đề cao cảnh giác, điều này không bao giờ thừa. Nếu một lúc nào đó chúng ta mất cảnh giác thì sẽ dẫn tới nguy cơ gây ra tổn thất rất lớn.
Lịch sử đã cho chúng ta những bài học xương máu và cay đắng rồi cho nên cần phải làm cho người lính hiểu rõ người lính ấy trung thành với cái gì ?. Đó có phải là với tổ quốc, với nhân dân, đó có phải vấn đề bất di bất dịch mãi mãi không ?. Khi chúng ta đặt ra vấn đề như thế thì phải kiên trì mãi mãi với mục tiêu đó. Đối với người lính lòng trung thành với tổ quốc là số 1, không được chệch hướng cái đó. Trong công tác đảng, chính trị cái đó phải rõ.
Xác định kẻ thù phải rõ, không thể có một chút mơ hồ, không thể có một sự mất cảnh giác. Trong điều kiện hiện nay, bất kỳ thế lực nào nếu anh đang là bạn tôi, anh thể hiện sự hợp tác cùng có lợi, vì hòa bình trong khu vực và thế giới thì OK. Nhưng nếu đe dọa đến chủ quyền của đất nước, lòng tự tôn của dân tộc Việt Nam này thì chúng ta phải thể hiện rõ ràng thái độ rạch ròi, không lơ mơ được. Đó là vấn đề phải đặt lên hàng đầu.
Tôi nói như thế vì có lúc, có thời điểm chúng ta nhìn nhận, đánh giá về thế lực thù địch chưa rõ ràng, chưa rạch ròi. Lịch sử đã cho chúng ta những bài học. Một trong những bài học mà đến bây giờ những thế hệ chúng tôi không bao giờ quên được, mà kể cả những thế hệ sau cũng không bao giờ quên được, cần phải nói cho anh em ở thế hệ sau đừng bao giờ quên. Đó là sau khi giải phóng Miền Nam, tập đoàn Pôn Pốt phát động chiến tranh dọc biên giới, trong lúc trên dưới đang say sưa với thắng lợi thì dân ta chết, bộ đội ta chết, lính Pôn Pốt tàn sát dân của chúng ta, trong đó có ở đảo Thổ Chu. Hàng trăm con người chết vào tháng 5/1975. Ở dưới báo cáo lên trên là nổ súng thế nào. Đến lúc nó đánh chúng ta te tua rồi mới nổ súng, quân ta bắt đầu mới chiến đấu. Đó là phân biệt bạn bè không rõ ràng, một bài học lịch sử. Câu chuyện của năm 1975 kéo đến những năm sau này, thế hệ chúng tôi hầu hết anh em đều ngấm chuyện đó. Ai ngấm càng sâu thì đều có thái độ cảnh giác cao.
Hôm nay anh là bạn tôi đấy nhưng mai anh lăm le chiếm đất liền, cướp đảo của tôi thì tôi nhất định không thể chấp nhận chuyện đó, chúng ta dứt khoát phải là thù chứ, bởi mảnh đất ấy, cái đảo ấy bao nhiêu thế hệ cha ông đã đổ xương máu để có được, bây giờ tiền nhân giao cho mình, mình để mất đi thì mình có tội với tiền nhân.
Xin cảm ơn ông !
Thế Kha (thực hiện)