Long trọng khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

(Dân trí) - Ngày 17/7, tại xã cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các lãnh đạo trung ương, địa phương long trọng công bố xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Đến tham dự lễ công bố Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ; Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu,… cùng đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; gia đình, thân tộc Bác Tôn và hơn 1.000 người dân địa phương.

Từ sáng sớm, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng; cắt băng khánh thành công trình trùng tu khu nhà sàn gắn với thời niên thiếu của Bác Tôn và bảng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Long trọng khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cắt băng khánh thành khu lưu niệm bác Tôn Đức Thắng (Ảnh Thanh Hùng)

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh chia sẻ: “Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân cả nước nói chung, tỉnh An Giang nói riêng vô cùng vui mừng đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đây là sự ghi nhận của đất nước và nhân dân đối với công lao to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một vị lãnh tụ cách mạng suốt cuộc đời cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”.

Tại lễ công nhận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có bài phát biểu “bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, Nhà nước và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam”.

Ngoài ra Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang tiếp tục phát huy truyền thống quê hương Bác Tôn, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, có ý thức giữ gìn, trùng tu khu lưu niệm cho xứng với công lao và tầm vóc Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
 

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trên mảnh đất Long Xuyên của Nam Bộ bất khuất và đau thương, bị thực dân Pháp xâm chiếm hơn 20 năm. Những năm tuổi thơ, Bác Tôn sống ở quê nhà và đi học trường trong tỉnh. Học xong bậc tiểu học, Bác tạm biệt gia đình đi lên Sài Gòn - mở đầu cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi vì Tổ quốc, vì nhân dân. Sau khi đảm nhận nhiều chức vụ trong Đảng và Nhà nước, đến 23/9/1969 Bác Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bác Tôn giữ chức vụ Chủ tịch nước đến năm 1981. Ngày 30/3/1980, Bác Tôn qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

Nguyễn Hành