Thừa Thiên Huế:

Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế

(Dân trí) - Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chiều ngày 21/8, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Ban liên lạc cựu học sinh Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường (1945-2015).

Theo ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên – Huế, “Lịch sử Cách mạng Việt Nam đã ghi nhận Trường Thanh niên tiền tuyến Huế năm 1945 như một “hiện tượng lịch sử” độc đáo. Đó là sản phẩm của lòng yêu nước Việt Nam được ánh sáng cách mạng dẫn đường và được tổ chức một cách khéo léo.

Trường Thanh niên tiền tuyến Huế gắn liền với tên tuổi hai nhà trí thức lớn, hai người đồng sáng lập trường là Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu. Mặc dù mang danh nghĩa là trường của chính phủ Trần Trọng Kim nhưng những 2 người sáng lập trường trên hoàn toàn không nhằm mục tiêu đào tạo phục vụ cho Chính phủ Trần Trọng Kim, mà mục đích chính là tranh thủ thời cơ đào tạo một lớp sĩ quan chỉ huy quân đội của nước Việt Nam độc lập trong tương lai.

Số phận kỳ lạ của ngôi trường “xanh vỏ đỏ lòng” xuất hiện vào thời khắc lịch sử đặc biệt của Cách mạng Tháng Tám ở Thừa Thiên - Huế chính là ở chỗ đó. Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế khai giảng ngày 2/7/1945, đào tạo được một khóa học và chỉ kéo dài trong 2 tháng với 43 học viên và 4 giáo viên do ông Phan Tử Lăng làm hiệu trưởng.

Ra đời và trưởng thành trong bão táp cách mạng, những học viên của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế đã sớm ý thức được tinh thần dân tộc, giác ngộ theo cách mạng. Họ đã trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cho cuộc khởi khởi giành chính quyền ở Huế và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong những ngày tháng lịch sử của Cách mạng tháng Tám mùa thu 1945”.

 

2282-f1637
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường Thanh niên tiền tuyến Huế

 

Nhiều học viên của trường sau này đã trở thành tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp phần tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược.

Đặc biệt, nhiều người trong số họ đã trở thành những chỉ huy quân sự cao cấp, những cán bộ chủ chốt đóng góp nhiều thành tích, chiến công hiển hách trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… Trong số 43 học viên của trường thì có 5 người là liệt sĩ đã hy sinh anh dũng, 10 đồng chí là đại tá, 8 đồng chí cấp tướng và nhiều giáo sư khoa học có tên tuổi.

 

2283-1543a
3 trong số ít còn lại các học sinh của trường đều đã trên 90 tuổi. Ông Đăng Văn Việt (ngoài cùng bên phải, 97 tuổi) là người đã treo ngọn cờ cách mạng lên đỉnh Kỳ Đài Huế ngày vua Bảo Đại thoái vị cách đây 70 năm (23/8/1945)

 

Địa điểm nơi Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 ra đời (đường Lê Duẫn, TP Huế) đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, nhằm ghi nhớ về một ngôi trường cách mạng mà ông cha đã tạo ra để phục vụ sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế là để tưởng nhớ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và quê hương Thừa Thiên - Huế, nhớ về những người ưu tú của quê hương, đất nước và nhớ về ngôi trường có số phận kỳ lạ của 70 năm trước với tấm lòng tri ân sâu sắc.

Đại Dương