Kỷ niệm 30 năm UNESCO ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Dân trí) - “Quyết định của UNESCO có giá trị lớn lao, là sự ghi nhận của thế giới, của Liên hợp quốc - tổ chức quốc tế toàn cầu lớn nhất - đối với những giá trị cao đẹp của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao quý nhất, xuất sắc nhất”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh như vậy trong Lễ kỷ niệm 30 năm UNESCO ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay (24/11).

Lễ kỷ niệm diễn ra ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội đồng tổ chức trọng thể.


Thế giới và nhân dân Việt Nam luôn tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (ảnh tư liệu)

Thế giới và nhân dân Việt Nam luôn tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (ảnh tư liệu)

Tại Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24, năm 1987 tại Pháp, UNESCO ra Nghị quyết số 24C/18.65 - Nghị quyết khuyến nghị các nước thành viên tiến hành các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất” nhằm “làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”, đồng thời thông qua việc kỷ niệm này “trên phạm vị quốc tế, góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới.”

Người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam cho hay, Nghị quyết được thông qua trong giai đoạn Việt Nam còn nhiều khó khăn, gần 20 năm sau ngày Bác đi xa. Quyết định đó của UNESCO có giá trị lớn lao, là sự ghi nhận của thế giới, của Liên hợp quốc – tổ chức quốc tế toàn cầu lớn nhất - đối với những giá trị cao đẹp của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao quý nhất, xuất sắc nhất.

“Đó còn là nguồn cổ vũ lớn lao, là biểu hiện của tình cảm bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng phấn đấu vì những giá trị chung cao đẹp của nhân loại tiến bộ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và nguyên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tại Lễ kỷ niệm
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và nguyên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tại Lễ kỷ niệm

Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết của UNESCO đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là “anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”. Người đã “cống hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Người đã có sự “đóng góp quan trọng và về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”. Người là “kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của dân tộc mình và biểu hiện cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi nguồn cho niềm tin vào sự tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân. Với bạn bè quốc tế, Bác Hồ là biểu tượng của khát vọng hoà bình, đấu tranh chống áp bức, bất công.

“Trái tim và khối óc của Người luôn đồng lòng với nhân dân thế giới. Với khát vọng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bằng những cống hiến về tư tưởng cũng như về thực tiễn chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần giải phóng các dân tộc bị áp bức, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã góp phần đặt nền tảng quan trọng cho sự hình thành tư tưởng về sự bình đẳng giữa các dân tộc và đồng thời là hiện thân sinh động về sự bình đẳng ấy” – Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong những năm vừa qua, tại Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, đã có nhiều hoạt động thiết thực để tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh và tôn vinh những giá trị cao đẹp của Người.

Từ những đường phố tại đất nước Madagascar, tới Bảo tàng Thành phố Mimasaka ở Nhật Bản, đã có nhiều câu chuyện, nhiều cuốn sách, nhiều thước phim tư liệu được chia sẻ về cuộc đời hoạt động của Người. Chính những hoạt động đó đã giúp tăng cường sự kết nối, dung hoà, hiểu biết hơn lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

Trong quan hệ với UNESCO, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cũng sẽ cùng các thành viên của cộng đồng quốc tế thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương UNESCO, cùng nhau thực hiện tốt các Mục tiêu Phát triển bền vững, góp phần vào việc thực hiện các mảng công tác quan trọng của UNESCO.

“Điều đó là phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, và cũng sẽ là hành động thiết thực phù hợp với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Phó Thủ tướng cho hay.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cắt băng khai trương triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất”.

Châu Như Quỳnh