Kiến nghị Thủ tướng cho phép TPHCM đăng cai SEA Games 31
(Dân trí) - "SEA Games là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh, phát triển thể thao, du lịch... Do đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TPHCM đăng cai SEA Games 31 vào năm 2021", Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nói.
Sáng 23/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo Thành uỷ, UBND TPHCM.
Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã nêu hàng loạt kiến nghị đến người đứng đầu Chính phủ. Trong đó, có kiến nghị cho phép TPHCM đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 - vào năm 2021.
Ông Lê Thanh Liêm cho biết, hiện UBND TPHCM và Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch đã có những bước nghiên cứu, chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho kế hoạch tổ chức kỳ đại hội thể thao mang tầm cỡ khu vực này.
Đây là cơ hội tốt để TPHCM nói riêng, cả nước nói chung quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch, kích cầu kinh tế... Do đó, lãnh đạo UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành phố đăng cai SEA Games 31 này.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát huy vai trò đầu tàu, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, UBND TPHCM cũng nêu ra hàng loạt kiến nghị.
Theo đó, kiến nghị bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho 2 dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2017 - 2020 là dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ.
UBND TPHCM cho biết đã 3 lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ vốn cho các dự án trên. Tuy nhiên, trung ương chỉ "rót" vốn nhỏ giọt. Với số vốn trên, thành phố rất khó hoàn thành tiến độ 2 dự án nêu trên đúng thời gian quy định.
"Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đúng theo các Hiệp định đã cam kết, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm, đồng thời đưa các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng vào năm 2020, kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ vốn cho 2 dự án trên trong giai đoạn 2017 - 2020, bổ sung thêm 17.995 tỷ đồng", ông Lê Thanh Liêm nói.
Thủ tướng: Không chỉ vấn đề kinh tế mà TPHCM còn rất nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. (Ảnh: Nguyễn Quang)
UBND TPHCM cũng kiến nghị tạm ứng hơn 3.300 tỷ đồng vốn ODA năm 2017 cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (từ 19.906 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng) và dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) (từ 26.116 tỷ đồng lên 47.603 tỷ đồng).
Về thủ tục tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại, UBND TPHCM kiến nghị được quyền tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại; tiếp nhận khoản vay 200 triệu EUR của Ngân hàng Đức cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về việc tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Kiến nghị được chủ động sử dụng các địa chỉ nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg để thanh toán cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT).
Về phân bổ định mức chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển căn cứ vào số dân thực tế của thành phố, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán chi thường xuyên phù hợp với tình hình thực tế phát sinh khoảng 37.348 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số là 100%...
Trước đó, báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, cao hơn so cùng kỳ. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,76% (cùng kỳ tăng 7,47%); chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, khu vực dịch vụ tăng 7,4% (chiếm 58,2%)...
Thị trường tiền tệ, thị trường vàng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt 1.857.500 tỷ đồng, tăng 9,91%; tổng dư nợ tín dụng đạt 1.621.300 tỷ đồng, tăng 19,77%. Thị trường chứng khoán ổn định, khối lượng giao dịch bình quân đạt 180 triệu chứng khoán/ngày, tăng 34,09%; giá trị giao dịch bình quân đạt 3.726 tỷ đồng/ngày, tăng 63,93%. Thu ngân sách 173.169 tỷ đồng, đạt 49,78% dự toán, tăng 17,53%.
Về công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2017 như tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 8,4-8,7%, tỷ trọng đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 36% trở lên, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 35% GRDP, thu ngân sách đạt 100% dự toán, thành lập mới 50.000 doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết có 14 bộ tham dự cuộc họp với lãnh đạo TP. Theo Thủ tướng, không chỉ vấn đề kinh tế mà TPHCM còn rất nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết như ùn tắc giao thông, thể dục thể thao, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đại diện các bộ, ngành Trung ương tham gia ý kiến về các kiến nghị của TPHCM, sau đó ông sẽ chốt lại những vấn đề quan trọng.
Công Quang - Quốc Anh