Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên: Mô hình thoát nghèo bền vững

(Dân trí) - Thụ hưởng từ chương trình Giảm nghèo từ Trung ương, người nghèo chính thức thoát nghèo một cách bền vững với mô hình nuôi, trồng theo nhóm cộng đồng (từ 10 - 15 hộ). Khi người nghèo thoát nghèo bền vững, như câu kết khẳng định Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên là phao cứu sinh thoát nghèo.

Triển khai Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên giai đoạn từ 2014 - 2019, với mục tiêu nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo. Phạm vi áp dụng tại 130 xã thuộc 26 huyện nghèo nhất ở 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) đối với người dân nghèo vùng cao.

Ánh sáng vùng cao

Quanh năm mưu sinh nhờ rau rừng cùng rẫy lúa khô cằn trên rẻo cao, gia đình chị Đinh Thị Huệ (28 tuổi, ngụ thôn Lăng Trá, xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn luôn rơi vào diện hộ nghèo. Cái nghèo khó bám riết gia đình chị Huệ đến từng bữa ăn và giấc ngủ bất an trong căn nhà tranh vách đất.

Chị Đinh Thị Huệ phấn khởi khi dự án giảm nghèo hỗ trợ giống và kỹ thuật nuôi bò sinh sản
Chị Đinh Thị Huệ phấn khởi khi dự án giảm nghèo hỗ trợ giống và kỹ thuật nuôi bò sinh sản

Được dự án lựa chọn hỗ trợ bò sinh sản, sau 18 tháng tiếp nhận (giá trị khoảng 19 triệu đồng), bò sinh sản đẻ con và toàn bộ số bò con thuộc về quyền sở hữu của chị Đinh Thị Huệ. “Cả xã có 10 hộ nhận tài trợ từ dự án này, khi biết tôi được nhận bò sinh sản, tôi mừng đến muốn khóc. Chỉ vài tháng nữa là tôi có đàn bê (bò con) rồi, sau đó tôi tiếp tục nhân giống thành cả đàn bò. Đây chính là cơ hội gia đình tôi thoát nghèo và kiếm tiền xây căn nhà mới”, chị Đinh Thị Huệ chia sẻ niềm vui.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 12 nhóm Leg thuộc 3 huyện miền núi (Sơn Tây, Sơn Hà và Ba Tơ), mỗi nhóm có 10 hộ được hỗ trợ về bò sinh sản (cấp giống, kỹ thuật chăn nuôi, loại thức ăn, chăm sóc thú ý,...) cho đến khi bò đẻ ra bê. Trung bình mỗi hộ được hỗ trợ toàn bộ chi phí khoảng 39 triệu đồng, thời gian thực hiện dự án 18 tháng. Sau khi nghiệm thu, dự án vẫn tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi nhưng hộ nuôi tự thu xếp chi phí.

Thụ hưởng từ dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, nhiều hộ dân ở tỉnh Đắk Lắk vui mừng khi giống lúa Nhị Ưu 838 cho năng suất cao. Vừa loay hoay thu hoạch lúa, chị H’Ngay B’Krông (40 tuổi, ngụ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) hồ hởi nói: “Vụ lúa này đạt lắm, năng suất gấp đôi so với giống lúa cũ. Nhờ dự án hỗ trợ giống lúa và kỹ thuật trồng, chúng tôi rất phấn khởi. Nếu được hỗ trợ và nhân rộng kỹ thuật trồng lúa rộng rãi, nơi đây sẽ không còn hộ nghèo nữa”.

Cánh đồng dự án chín vàng rực rỡ giữa núi rừng Tây Nguyên
Cánh đồng dự án chín vàng rực rỡ giữa núi rừng Tây Nguyên

Theo chị H’Ngay B’Krông, giống lúa hỗ trợ từ dự án cùng kỹ thuật chăm sóc, năng suất đạt khoảng 8 tạ/2 sào. Còn giống lúa cũ (loại R64) và người dân trồng tự phát chỉ đạt năng suất khoảng 4 tạ/2 sào. Đồng thời, cánh đồng lúa của chị H’Ngay B’Krông tiết kiệm đến 40% chi phí bón phân và ít rầy, sâu bệnh hơn giống cũ.

Chưa đến thời điểm nghiệm thu nhưng đàn gà dự án đã đạt trên số kg tiêu chuẩn.
Chưa đến thời điểm nghiệm thu nhưng đàn gà dự án đã đạt trên số kg tiêu chuẩn.

 

Vườn rau dự án phát triển xanh mượt với nhiều loại rau, quả giúp cải thiện đời sống người nghèo
Vườn rau dự án phát triển xanh mượt với nhiều loại rau, quả giúp cải thiện đời sống người nghèo

Đối với mô hình nhóm sinh kế nuôi gà và trồng rau sạch, kết quả đạt trên mong đợi khi chất lượng đàn gà về đích trước 1 tháng. Tiếp sức người nghèo cải thiện bữa ăn, dự án hỗ trợ mỗi hộ 30 con gà mái cùng với kỹ thuật nuôi. Kết thúc thời gian áp dụng dự án, hộ nghèo được sở hữu đàn gà đẻ trứng, vườn rau sạch nhằm cải thiện đời sống và nhân rộng đàn gà, góp phần thoát nghèo cho chính mình.

Vừa thoát nghèo, vừa nâng cao tình đoàn kết các dân tộc

Kể từ khi dự án triển khai, đối tượng thụ hưởng thường xuyên nhóm họp để chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, tìm con giống, hướng đầu ra cho sản phẩm,... Nhờ mô hình hoạt động theo nhóm Leg, ý thức làm ăn hiệu quả của người dân được nâng cao, cùng với đó, tinh thần và trách nhiệm được hộ nghèo quan tâm. Trên hết, tình đoàn kết của người dân càng gắn bó mật thiết hơn.

Nhóm Led thường xuyên hội họp bàn giải pháp tốt nhất khi tham gia dự án giảm nghèo.
Nhóm Led thường xuyên hội họp bàn giải pháp tốt nhất khi tham gia dự án giảm nghèo.

Điều đặc biệt của dự án, đó là đối tượng hưởng thụ chiếm đa phần là phụ nữ các dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo. “Nằm trong nhóm Leg dự án, chúng tôi dễ dàng chia sẻ khi toàn bộ hộ nghèo được hưởng thụ là phụ nữ. Bên cạnh việc hỗ trợ thoát nghèo, chúng tôi còn quan tâm đến tư tưởng, sức khỏe và cả chuyện vui buồn. Mặc dù dự án triển khai hơn 1 năm nhưng chúng tôi thân thiết như chị em ruột vậy”, chị H’Khiếp Kpor (ngụ thôn Buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) - nhóm trưởng nhóm Leg, chia sẻ.

Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên được triển khai trong 5 năm (từ 2014 - 2019), do Bộ KH&ĐT làm chủ quản dự án. Tổng kinh phí đầu tư 165 triệu USD do nguồn ngân sách Chính phủ Việt Nam và vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới. Dự án hướng tới mục đích hỗ trợ cho khoảng 540.000 người nghèo thông qua 703 tiểu dự án (đa dạng hóa thu nhập, an ninh lương thực và dinh dưỡng) và 197 công trình cơ sở hạ tầng.

Vui mừng khi dự án giúp người dân thoát nghèo, ông Lê Tấn Hùng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Giám đốc Dự án Giảm nghèo tại Quảng Ngãi cho biết: “Đến giờ phút này, hiệu quả từ dự án đã rõ, người dân đã thoát nghèo và tự mình có thể chăn nuôi, trồng trọt đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu áp dụng nuôi bò sinh sản thì suất đầu tư lớn và số hộ nghèo hưởng thụ không nhiều. Trên cơ sở đó, năm 2016, địa phương đề nghị chia thành nhiều loại vật nuôi có giá trị nhỏ hơn như heo, dê, gà,... Đây là cơ hội hỗ trợ hộ nghèo được nhiều hơn”.

Bên cạnh sự thành công của dự án, mô hình sinh kế theo cộng đồng đã góp phần nâng cao năng lực của người dân và cán bộ điều phối, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời, dự án đã gắn kết đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết, cùng tương trợ, giám sát và giảm rủi ro trong quá trình đổi mới mô hình sinh kế.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Ngọc Hùng - Giám đốc Ban điều phối Dự án Trung ương Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên (Bộ KH&ĐT) chia sẻ: “Thấu hiểu sự khó khăn khi triển khai dự án đối với vùng sâu vùng xa và dân tộc thiểu số, chúng tôi sớm tổ chức công tác truyền thông đi trước một bước. Đồng hành cùng dự án, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến từng thôn bản. Trực tiếp đến từng hộ dân, tôi mới cảm nhận giá trị quan trọng trên hết, chính là tinh thần đoàn kết và gắn bó keo sơn ở nơi triển khai dự án”.

Ông Trần Ngọc Hùng kiểm tra chất lượng lúa thu hoạch thuộc dự án tài trợ tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk.
Ông Trần Ngọc Hùng kiểm tra chất lượng lúa thu hoạch thuộc dự án tài trợ tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk.

Mô hình giảm nghèo theo nhóm cộng động, đã và đang mang lại khởi sắc cho người dân vùng cao thoát nghèo bền vững. Khi Chính phủ nhân rộng mô hình đến từng hộ nghèo, trong thời gian không xa, đất nước ta dần “xóa sổ” hộ nghèo và các huyện miền núi nghèo thoát khỏi bao cấp của chương trình 30a.

Hồng Long