Điện Biên Phủ - Độc đáo văn hóa quân sự Việt Nam (kỳ 3)

Như chúng ta đã biết, Điện Biên Phủ là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp và cũng là khu vực có địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, đèo sâu. Việc đưa pháo vào trận địa là điều hết sức khó khăn.

Ngay cả việc dùng phương tiện cơ giới kéo pháo vào cũng không dễ dàng gì. Nhưng với ý chí và tinh thần của con dân đất Việt, chúng ta đã lập nên những kỳ tích có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới.

 

Bằng sức người là chính, bộ đội ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn hai tấn qua núi cao, đèo dốc hiểm trở vào trận địa. Đây thực sự là điều mà người Pháp “không bao giờ có thể tin nổi”. Trước chiến dịch, họ luôn cho rằng, quân đội ta không thể đưa được pháo lớn, cỡ 105mm vào mà chỉ có thể đưa vào loại sơn pháo 75mm. Trong quá trình chuẩn bị cho Điện Biên Phủ, cơ quan tham mưu của H.Nava ở Sài Gòn tin chắc rằng: “Sự bấp bênh về giao thông không cho phép họ mang tới đó pháo hơn 75mm cùng với đạn dược quá 7 ngày chiến đấu”. Thế nhưng, ngay trong trận mở màn, lúc 17 giờ 5 phút ngày 13-3, quân ta đã trút xuống Him Lam hơn 2000 viên đạn pháo. Đó là điều hết sức bất ngờ đối với quân địch.

 

Với số lượng đại bác nặng nề, đồ sộ, để đưa vào vị trí chiến đấu là cả một công việc đầy gian lao, nguy hiểm và còn phải có đường di chuyển. Nếu chưa đủ được tất cả các khẩu pháo nằm yên trong vị trí và sẵn sàng nhả đạn thì chiến dịch chưa thể bắt đầu. Vì vậy, để có đường kéo pháo, trong tháng 1-1954, tháng “mở đường thắng lợi”, bộ đội và thanh niên xung phong đã làm nên một việc hết sức thần kỳ. Con đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ dài hơn 80km, trước kia chỉ rộng 1m, đã được mở rộng và sửa chữa cho xe kéo pháo vào cách Điện Biên Phủ 15km. Đường kéo pháo rộng 3m, chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Phu Sông (cao 1.150m) xuống Bản Tấu; đường Lai Châu-Điện Biên Phủ, đoạn tới Bản Nghìu, mở mới hoàn toàn. Để bảo đảm bí mật, các con đường được ngụy trang toàn bộ, máy bay trinh sát địch rất khó phát hiện.

 

Việc thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch trên thực tế cũng có làm cho việc vận chuyển pháo thêm những vất vả. Kéo pháo vào đã khó, kéo ra còn khó gấp vạn lần, do đường kéo pháo đã bị lộ, địch bắn phá dữ dội. Tuy nhiên, bộ đội ta vẫn hoàn tất việc đưa pháo ra rồi lại đưa pháo vào và bố trí trận địa.

 

Ảnh tư liệu: Tạp chí Tuyên giáo

Ảnh tư liệu: Tạp chí Tuyên giáo

 

Cùng với trận đánh mở màn, toàn bộ lực lượng pháo binh của ta đã đồng loạt nhả đạn. Các trận địa pháo địch ở Mường Thanh gần như bị tê liệt. 12 khẩu trọng pháo và súng cối bị đánh hỏng.

 

Lực lượng pháo binh Pháp cũng bắn trả mãnh liệt. Chỉ mới đến ngày 15-3, họ đã bắn trả hơn 10.000 viên đạn nhưng không gây được chút tổn thương nào cho các khẩu pháo của ta, ngược lại còn bị mất hai khẩu 105mm và một khẩu 155mm.

 

Pháo binh Việt Nam đã làm cho viên chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ, Trung tá Charles Piroth phải hoảng hốt cực độ và đã tự sát bằng lựu đạn trong căn hầm của mình.

 

Piroth không thể ngờ rằng pháo binh Việt Nam tuy còn ít kinh nghiệm nhưng lại vô cùng linh hoạt, sáng tạo. Ngoài ra, người Pháp cũng đã đánh giá sai các khả năng pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam khi cho rằng, đối phương vốn không có xe cơ giới nên không thể mang pháo lớn (lựu pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm) vào Điện Biên Phủ. Đổi lại, những chiến sĩ pháo binh Việt Nam đã khôn khéo tháo rời các khẩu pháo rồi dùng sức người để kéo, sau khi đến đích thì lắp ráp lại. Bằng cách đó, bộ đội ta đã đưa được lựu pháo 105mm lên bố trí trong các hầm pháo có nắp, khoét sâu vào các sườn núi, xây dựng thành các trận địa pháo rất nguy hiểm và lợi hại, có khả năng khống chế rất tốt lòng chảo Điện Biên Phủ mà lại rất an toàn trước pháo binh và máy bay của đối phương. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới.

 

Hơn thế, tất cả các khẩu lựu pháo đều bố trí phân tán trong những căn hầm kiên cố, trên thế cao, được ngụy trang kín đáo, bên cạnh là những trận địa giả, đánh lạc hướng địch nên chúng rất khó phản pháo hoặc dùng máy bay oanh tạc. Việc xây dựng hầm pháo tốn kém khá nhiều công sức nhưng là một sáng tạo của pháo binh ta. Hầm pháo được đặt nằm sâu trong lòng núi, có công sự bắn, công sự ẩn nấp riêng, đủ rộng chỗ để pháo thủ thao tác được dễ dàng. Nóc hầm dày hơn 3m, được ghép bằng những thân cây gỗ có đường kính từ 20cm trở lên, rồi đổ đất đá lên trên, xen lẫn những bó trúc, bảo đảm chống được sức công phá của bom và của đạn pháo 105mm. Cạnh hầm pháo là hầm chỉ huy và hầm chứa đạn. Bên ngoài, trận địa được ngụy trang kỹ lưỡng, không hề để lộ một chút dấu vết. Với thế trận hỏa lực này, các khẩu pháo của bộ đội ta bố trí cách mục tiêu 5-7km, chỉ bằng một nửa tầm bắn tối đa để bắn chính xác hơn, ít tốn đạn và sức công phá cao hơn, từ nhiều hướng, các khẩu pháo của ta có thể tập trung bắn vào một trung tâm. Ngược lại, pháo binh Pháp lại bố trí ở trung tâm và phơi mình trên trận địa. Nhờ xây dựng vững chắc như vậy nên suốt cả thời gian chiến dịch, pháo binh ta chỉ bị hỏng một khẩu pháo 105mm. Địch đã phải điên đầu trước sự an toàn tuyệt đối của những trận địa pháo binh ta.

 

Thông thường, các khẩu pháo được sắp xếp theo từng cụm, gồm vài ba khẩu đặt vào một chỗ, tạo thành một trận địa. Nhưng ở Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã đặt các khẩu pháo 105mm rải rác khắp các ngọn núi chung quanh thung lũng. Việc đặt pháo phân tán và làm hầm cho pháo như vậy là nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra khi địch phản pháo.

 

Tuy pháo đặt phân tán nhưng pháo thủ ta lại đo đạc các phần tử bắn rất cẩn thận cho từng khẩu để bảo đảm mỗi khi khai hỏa vào mục tiêu, dù các khẩu pháo đặt ở các vị trí khác nhau vẫn có thể bắn trúng vào mục tiêu đó. Lối đánh này được đúc kết thành phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.

 

Bên cạnh đó, pháo binh ta còn lập các trận địa nghi binh, dùng gỗ thui đen thành những khẩu pháo giả, nghếch nòng lên. Khi trận địa thật phát hỏa, quân ta cho nổ bộc phá, tạo ra các ánh chớp, khiến quân địch tưởng lầm là chớp lửa đầu nòng của pháo. Với những cách làm như thế, pháo binh Việt Nam đã đè bẹp được pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ mà không hề bị thiệt hại, dù cho các chỉ huy pháo binh Pháp không phải là những kẻ bất tài.

 

b. Dùng xe đạp vận lương ta; diệt máy bay, triệt lương địch.

 

Những yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh tiến công mãnh liệt, đưa tới chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy cũng chính là những gì mà người Pháp bị ám ảnh nhất như vừa trình bày. Nhưng bên cạnh hai yếu tố trên còn có một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là vấn đề hậu cần, cụ thể là công tác vận lương: lương thực cho người và đạn dược cho vũ khí.

 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp, tiếp tế được xem là khó khăn nhất. Với điều kiện tiền tuyến cách xa hậu phương đến 400-500km, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đường sá hư hỏng nhưng ta phải bảo đảm cung cấp một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đồ dùng, thuốc men một cách nhanh chóng, liên tục, thời gian gấp rút. Đặc biệt, việc tiếp tế cần được giữ bí mật ở mức cao nhất nhằm tránh địch phát hiện và đánh phá.

 

Bộ Tổng tham mưu làm việc với Tổng cục Cung cấp tính toán bước đầu, phải huy động cho Chiến dịch Điện Biên Phủ 4.200 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường. Tất cả đều phải vận chuyển qua một chặng đường dài 500km, phần lớn là đèo dốc hiểm trở, máy bay địch thường xuyên đánh phá. Theo kinh nghiệm vận tải đã tổng kết ở Chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), để có 1kg gạo đến đích, phải có 24kg ăn dọc đường. Vậy, nếu cũng vận chuyển hoàn toàn bằng dân công gánh bộ, muốn có số gạo trên, phải huy động từ hậu phương hơn 60 vạn tấn và gần 2 triệu dân công để vận chuyển bằng đôi vai. Cả hai con số này đều cao gấp nhiều lần so với kế hoạch dự kiến ban đầu.

 

Số dân công chỉ tính từ trung tuyến trở lên đã cần tới 14.500 người. Về chuẩn bị đường sá, các con đường thuộc tuyến chiến dịch đều phải bảo đảm vận chuyển bằng ô tô. Trước đây, để chuẩn bị đánh Nà Sản, con đường 13 từ Yên Bái lên Tạ Khoa đã sửa chữa xong, nhưng lúc này cần tiếp tục tu bổ thêm. Đường từ Mộc Châu đi Lai Châu rất xấu phải sửa chữa nhiều. Phân công cho Bộ Giao thông công chính phụ trách đường 13 lên tới Cò Nòi và đường 41, từ Mộc Châu lên Sơn La, bộ đội phụ trách quãng đường 41 còn lại, từ Sơn La đi Tuần Giáo và từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ (sau này gọi là đường 42). Thời gian tiến hành từ tháng 12-1953.

 

Để có một lực lượng mạnh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chính phủ ta đã huy động tối đa về sức người và sức của của hàng vạn dân công và bộ đội làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn, dưới các điều kiện rất khó khăn trên miền núi, lại luôn luôn bị máy bay Pháp oanh tạc. Các dân công từ vùng tự do đi tiếp vận bằng gánh gồng, xe đạp thồ cùng cơ giới, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Đội quân gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến được huy động tới hàng chục vạn người (gấp nhiều lần quân đội) và được tổ chức, biên chế như quân đội.

 

Bên cạnh 650 chiếc ô tô vận tải là chủ yếu thì một trong những lực lượng quan trọng, phục vụ hậu cần cho chiến dịch cần phải nói đến là đội xe đạp thồ hơn 2 vạn người với năng suất vận chuyển mỗi xe từ 200-300kg. Xe đạp được cải tiến có thể thồ cao gấp mười lần dân công gánh bộ, đồng thời giảm được mức tiêu hao gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở. Ngoài ra, xe đạp thồ còn có thể hoạt động trên những tuyến đường mà xe ô tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn, ngoài tầm dự tính của các nhà chỉ huy quân sự Pháp, làm đảo lộn những tính toán trước đây khi cho rằng, Việt Minh không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày, trong các điều kiện phức tạp như vậy được.

 

(Còn nữa)

 

Dương Xuân Đống (Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự)

Theo Quân đội Nhân dân