Điện Biên Phủ - Độc đáo văn hóa quân sự Việt Nam (kỳ 2)

Không những thế, khi nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại, các nhà khoa học đều phải thừa nhận một sự thật hiển nhiên: Điện Biên Phủ là một sự kiện lịch sử có tính chất bước ngoặt.

Trước hết là về quân sự. Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, Đơ-rin Mít-đơn-tơn, bình luận viên tờ Thời báo Niu Yoóc đưa ra một nhận định: “Đây là một trong 16 trận đánh tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh hiện đại ở thế kỷ XX”. Còn ở góc độ chính trị lại có thể khẳng định rằng, khi lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của anh Bộ đội Cụ Hồ phấp phới tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ Ca-xtơ-ri vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954 thì cũng là thời điểm cáo chung chế độ thống trị của người Pháp trên bán đảo Đông Dương, đồng thời cũng là thời điểm báo hiệu sự chấm dứt chính sách thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

 

Thật vậy, chỉ trong vòng 6 năm, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên thế giới đã có 36 nước giành được độc lập, riêng châu Phi (phần lớn là thuộc địa của Pháp) đã có tới 20 nước. Ngày 7-5-1954 đánh dấu sự thất bại về quân sự của Pháp ở Đông Dương, thì ngày 1-11-1954, Mặt trận dân tộc giải phóng An-giê-ri đã phát động ngay cuộc đấu tranh vũ trang, chống lại sự có mặt của người Pháp trên đất nước họ. Từ những năm 60 của thế kỷ XX trở đi, chủ nghĩa thực dân cũ đã bước vào giai đoạn sụp đổ hoàn toàn. Đây chính là điều cơ bản để đến năm 1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa XV thông qua một nghị quyết về chống thực dân hóa, buộc các nước phương Tây phải trao trả độc lập cho các nước thuộc địa và phải thừa nhận quyền độc lập của các dân tộc này. Chính vì thế mà đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp.

 

Rõ ràng, cuộc chiến đấu oanh liệt của chúng ta không chỉ vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân ta mà còn vì cả sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới. Bởi những lẽ đó, chiến thắng Điện Biên Phủ đã mang một ý nghĩa thời đại, một tầm vóc lớn lao. Đây là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của loài người tiến bộ ở thế kỷ XX. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là một thành quả trên thế mạnh của người chiến thắng, dẫn đến giải pháp ngoại giao tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, dù chưa đưa lại những kết quả thỏa đáng, nhưng cũng đã mở ra một giai đoạn mới, một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.

 

2. Chuyển đổi phương châm tác chiến chiến dịch thành: “Bóc vỏ dần”

 

a. Vây lấn từ chiến hào dưới lòng đất, nã pháo từ hầm sâu trên sườn núi.

 

Như chúng ta đã biết, Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi cuối cùng cho bên tham chiến. Tuy quân số có đông hơn so với đối phương nhưng quân đội ta lại chưa có kinh nghiệm đánh công kiên lớn trên cấp tiểu đoàn. Theo lý thuyết quân sự, bên tiến công phải mạnh hơn bên phòng ngự ít nhất là ba lần, cả về quân số lẫn hỏa lực thì mới cân bằng được lực lượng. Về quân số, quân đội ta chỉ vừa đạt tỉ lệ này, nhưng về hỏa lực và trang bị thì lại thua kém hẳn.

 

Thêm nữa, tuy quân Pháp bị bao vây giữa lòng chảo Điện Biên, quân Pháp ở dưới đáy một chiếc mũ lộn ngược, còn Quân đội nhân dân Việt Nam ở trên vành mũ nhưng đó là ở quy mô chiến dịch, còn ở quy mô từng trận đánh thì quân Pháp lại ở trên cao, Quân đội nhân dân Việt Nam lại ở dưới thấp tiến công lên. Đã thế, quân Pháp còn có dự trữ đạn pháo dồi dào hơn hẳn cùng với máy bay ném bom yểm trợ nên đã áp đảo gấp 6 lần về hỏa lực đạn pháo và hơn tuyệt đối về máy bay và xe tăng.

 

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 14-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ phổ biến lệnh tác chiến bí mật cho cán bộ các cấp về phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” và ngày nổ súng là 20-1-1954. Theo phương án tác chiến này, chiến dịch sẽ diễn ra trong 3 ngày đêm, bằng sức tiến công ồ ạt, đồng loạt thọc sâu, mở đầu với đợt pháo kích 2000 phát đạn xuống lòng chảo Điện Biên, bởi đánh sớm khi quân Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì quân ta có nhiều khả năng giành chiến thắng.

 

Do một đơn vị pháo binh vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 5 ngày. Sau đó, do tin về ngày nổ súng bị lộ, Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang ngày 26-1.

 

Kéo pháo ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Kéo pháo ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

 

Việc chọn chiến thuật “đánh xuyên tim” như vậy cũng là đánh theo cách tính toán của người Pháp. Chẳng hạn về pháo binh, các trận địa pháo sẽ phải bố trí ngoài bãi trống để có thể tập trung bắn tổng lực 2000 phát đạn. Điều đó cũng đồng nghĩa với khả năng quân Pháp có thể phản pháo hoặc dùng không quân để dập tắt những trận địa pháo này. Ngoài ra, bộ binh cũng sẽ phải băng qua những khoảng đất trống 200m, cộng với hàng trăm mét bãi mìn và dây thép gai, chứ không thể từng bước đào hào, vây lấn như thực tế sau này.

 

Nhưng ngay trong ngày và đêm 25-1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ và quyết định phải cho lui quân. Ông cho rằng phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” mang theo nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên. Vì vậy, ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”, đánh dài ngày, theo kiểu từng bước “bóc vỏ dần” tập đoàn cứ điểm.

 

Vào sáng 26-1, ngày quyết định nổ súng, cuộc họp giữa Đảng ủy với Bộ chỉ huy Chiến dịch đã không đi đến được ý kiến thống nhất nhưng cũng không ai tin rằng trận đánh này sẽ chắc thắng. Bởi vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tiến công vào chiều hôm đó. Ông kết luận: Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, nay quyết định hoãn cuộc tiến công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra.

 

Tiếp sau đó, trong vòng hai tháng, pháo được kéo ra, quân đội ta tiếp tục đánh nghi binh, mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, rồi lại kéo pháo vào, xây dựng kiên cố hơn, hào được đào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ quân Pháp, lương thảo, vũ khí từ hậu phương được dồn lên mặt trận nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.

 

Phương châm chiến dịch “bóc vỏ dần” đã tạo thời gian mở đường dẫn đến nghệ thuật đánh công kiên bằng 6 chữ “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”.

 

“Khẩu quyết 6 chữ” có thể diễn giải bằng các bước triển khai nối tiếp trên thực tế chiến trận: Vây chặt, lấn sâu, tiến công không ngừng, phá hủy công sự địch, triệt viện binh và tiếp tế, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm hoặc cụm cứ điểm… từ chiến trường Điện Biên Phủ mà bắt đầu là việc sử dụng chiến thuật đào hào vây lấn và được xem là một sáng tạo hết sức độc đáo, nhằm thông qua hệ thống chiến hào ngay từ dưới lòng đất, để các chiến sĩ ta linh hoạt vượt qua các bãi đất trống, tiếp cận các mục tiêu tiến công, sao cho đạt tới mức an toàn nhất.

 

Có thể nói rằng, để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ, bộ đội ta áp dụng chiến thuật “vây lấn” bằng việc đào các chiến hào, dần dần bao vây siết chặt và tiếp cận vào các vị trí địch là rất hiệu quả.

 

Ai cũng biết chiến hào là “vật tĩnh”, là phương tiện phòng hộ. Cổ kim đông tây chưa bao giờ xem chiến hào là vũ khí tiến công. Trên chiến địa, chiến binh thường đào chiến hào xong xuôi rồi mới vào trận. Mà đào chiến hào-giao thông hào để phòng ngự là chính. Ở Điện Biên Phủ lại không như thế. Bộ đội ta đã rất sáng tạo, biết biến chiến hào thành “vật động”, thành vũ khí tiến công.  Dĩ nhiên, trước khi giao chiến, bộ đội ta cũng đào công sự nhưng những công sự đó đã biến thành chiến hào. Chiến hào cứ dài dần theo bước tiến quân. Bộ đội đánh tới đâu, chiến hào từng bước theo tới đó. Địch phát hiện ra phản kích, tìm cách lấp kín, bộ đội ta dùng vũ khí đánh trả. Khi địch rút, bộ đội ta lại dùng xẻng đào chiến hào để tiến công tiếp.

 

Các chiến hào này giúp bộ đội ta hạn chế thương vong vì pháo binh và không quân địch, tiến vào sát được các vị trí của đối phương, làm bàn đạp tiến công rất thuận lợi. Ngay từ ngày đầu tiên của trận đánh, quân Pháp đã nhận thức rất rõ sự nguy hiểm của cách đánh này, nhưng không tìm được biện pháp nào để khắc chế. Bộ đội ta vây lấn, đào hào cắt ngang cả sân bay, đào hào đến tận chân lô cốt cố thủ. Khu vực kiểm soát của quân Pháp bị thu hẹp đến mức không thể hẹp hơn.

Vòng vây thu hẹp dần, tiếp tế và tiếp viện trở nên cực kỳ khó khăn đối với quân Pháp. Những phi công Mỹ làm công việc này đã được đánh giá là dũng cảm nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu đề ra khi phải bay thấp, thả dù trong một không phận nhỏ hẹp, có pháo phòng không chờ sẵn.

Tại Điện Biên Phủ, cuộc chiến đấu ngày càng yếu thế cho quân Pháp. Tình cảnh của đạo quân đồn trú trên chiến trường này ngày càng bi đát và đi đến cùng cực. Điều đó cho thấy, khi đã bị bao vây, cô lập thì một tiền đồn như Điện Biên Phủ, dù mạnh đến đâu rồi cũng sẽ bị tiêu diệt như đã diễn ra.

 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với sức tiến công của chiến thuật vây lấn của bộ binh, quân ta còn có thêm sức tiến công bằng hỏa lực của pháo binh. Đây là lần đầu, quân ta có một lực lượng pháo lớn, hiện đại hơn so với Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Chiến dịch Biên Giới năm 1950.

 

Nhìn chung, về số lượng pháo, ta và Pháp không thua kém nhau là bao, thậm chí ta còn có phần nhỉnh hơn, nhưng quân Pháp còn được trang bị các loại vũ khí hạng nặng khác như xe tăng, máy bay ném bom. Vũ khí của binh lính Pháp cũng đồng bộ và mạnh hơn ta về nhiều mặt. Không những thế, trong suốt chiến dịch, quân Pháp còn liên tục được lực lượng không vận thả dù hàng (lương thực, vũ khí).

 

 (Còn nữa)

 

Dương Xuân Đống (Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự)

Theo Quân đội Nhân dân