Đề nghị công an lên phương án đảm bảo an ninh dịp bầu cử
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ đề nghị Công an Hà Nội và TPHCM xây dựng, phê duyệt phương án ngăn chặn, xử lý tình huống công dân căng băng rôn, khẩu hiệu, tập trung đoàn đông người đi diễu hành trên đường phố; thu thập chứng cứ, tài liệu để củng cố hồ sơ xử lý đối với những cá nhân có hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối, chống phá Đảng và Nhà nước.
Theo kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (dự kiến vào ngày 22/5) của Thanh tra Chính phủ, sẽ hạn chế tối đa các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo đến TP Hà Nội và TPHCM.
Thanh tra Chính phủ sẽ thành lập các Tổ công tác kiểm tra công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương; đôn đốc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc kéo dài, đặc biệt những vụ việc đã tiếp, vận động công dân trở về địa phương chờ xem xét, giải quyết trong thời gian gần đây.
Ban Tiếp công dân Trung ương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM.
“Thông qua hoạt động tiếp công dân, khi có khiếu kiện liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để công dân hiểu và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND”- kế hoạch nêu rõ.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương rà soát, nắm bắt tình hình, diễn biến khiếu kiện ở địa phương, thông báo kịp thời để Trụ sở Tiếp công dân Trung ương chủ động trong việc sắp xếp kế hoạch tiếp công dân. Trên cơ sở đó có phương án xử lý đối với những tình huống phức tạp, ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng, kích động những người khiếu kiện gây phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; nắm chắc và có kế hoạch ngăn chặn phần tử cơ hội, chính trị lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, phá hoại công tác bầu cử.
Công an Hà Nội và TPHCM xây dựng, phê duyệt phương án ngăn chặn, xử lý tình huống công dân căng băng rôn, khẩu hiệu, tập trung đoàn đông người đi diễu hành trên đường phố, tràn ra cổng Trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Phối hợp với công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân vận động công dân trở về địa phương; phân loại, tách các đối tượng chây ỳ, lợi dụng để kích động, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động của Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.
Đồng thời thu thập chứng cứ, tài liệu để củng cố hồ sơ xử lý đối với những cá nhân có hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối, chống phá Đảng và Nhà nước; nhắc nhở, ngăn chặn và có biện pháp xử lý phù hợp đối với các đối tượng lợi dụng tình huống để quay phim, chụp ảnh nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND các địa phương, trong thời gian trước khi diễn ra bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp 10 ngày, cần cân nhắc việc thực hiện cưỡng chế những vụ việc liên quan đến khiếu nại đông người, phức tạp, bức xúc. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Quốc gia, tổ chức thực hiện đúng quy định về bầu cử tại địa phương.
Riêng UBND TP Hà Nội và TPHCM, Thanh tra Chính phủ đề nghị chỉ đạo công an thành phố thường xuyên nắm bắt tình hình khiếu kiện đông người trên địa bàn, xây dựng phương án cưỡng chế, giải tỏa cụ thể, vận động công dân trở về địa phương; không để các đoàn khiếu kiện đông người đến các khu vực hội trường nơi diễn ra các cuộc họp và nhà riêng lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Xử lý kiên quyết những hành vi khiếu kiện trưng băng rôn, biểu ngữ, hô hoán gây mất an ninh trật tự trên các tuyến phố.
Sở Y tế thành phố, Trung tâm cấp cứu 115 thường trực tiếp nhận, tô chức cấp cứu kịp thời những trường hợp công dân đến khiếu nại tố cáo mà bị ốm, đau.
Thế Kha