Đà Nẵng: Ưu tiên thu hút nhân lực chất lượng cao
(Dân trí) - “Chủ trương thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn và chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, trước mắt phải ưu tiên cho thu hút, tiếp đến mới đào tạo”.
Đó là kết luận của ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại hội nghị tổng kết công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng từ năm 1998 đến nay.
Theo báo cáo tại hội nghị, sau hơn 15 năm, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng đã góp phần trẻ hoá và làm chuyển biến về chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bổ sung nhiều cán bộ có trình độ, có năng lực, dám nghĩ, dám làm và có khả năng đảm đương dần những trọng trách quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Việc thu hút nhân lực về làm việc được thành phố triển khai từ năm 1998 bằng chính sách đãi ngộ ban đầu đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố (chính sách thu hút). Sau 15 năm thực hiện, thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.043 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên; trong đó có 13 tiến sỹ (chiếm 1%), 224 thạc sỹ (chiếm 22%) và 806 người tốt nghiệp đại học (chiếm 77%); 45 người tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nước ngoài (4,3%). Đây là một kết quả rất khả quan góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC của thành phố. Trong số CBCCVC thành phố tăng thêm trong 15 năm qua, có 16% là đối tượng thuộc diện được thu hút. Nhiều cán bộ thu hút đã trưởng thành sau thời gian công tác tại Đà Nẵng, 297 người (28,4%) đã trở thành Đảng viên, 206 người (19,75%) được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên (trong đó, có 0,8% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý).
Cùng với việc thu hút nguồn nhân lực, năm 2004, TP Đà Nẵng bắt đầu triển khai công tác đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao. Khác với các địa phương khác trong cả nước, việc đào tạo chỉ tập trung vào bậc sau đại học, thành phố Đà Nẵng đã cấp học bổng để đào tạo ngay từ bậc đại học. Đến ngày 28/02/2014, đã có 608 lượt người tham gia Đề án 922 (253 lượt học viên nam; 355 lượt học viên nữ). Trong đó, có 385 học viên bậc đại học (163 học trong nước, 222 học ở nước ngoài); 103 lượt học viên bậc sau đại học (84 thạc sỹ và 19 tiến sỹ); 120 học viên học theo kế hoạch tuyển chọn, đào tạo bác sỹ, bác sỹ nội trú. Nhiều người qua thực tế công tác đã trưởng thành, 46 người được kết nạp vào Đảng (21,4%), 30 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp phòng, cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương (14,02%).
Tại hội nghị, nhiều ý kiến được đưa ra góp ý cho hội. Có ý kiến cho rằng nên thu hút thay vì đào tạo, có ý kiến lại cho rằng vừa thu hút vừa đào tạo hay thu hút thì phải thu hút như thế nào…
Theo ông Trần Mạnh Cường, phó giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đối với cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch thì nên kết hợp việc vừa thu hút cả đào tạo thì nó sẽ khai thác được hết. Đối với đào tạo, mình đào tạo những lĩnh vực trong nước mình chưa đào tạo được hoặc đào tạo không tốt. Đối với những ngành đào tạo được trong nước chúng ta nên thu hút về giảm được chi phí và thời gian đào tạo.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, phó giám đốc sở Y tế Đà Nẵng, đối với việc thu hút, hiện nay một quan điểm là thu hút chuyên gia đầu ngành. Nhưng với ngành y tế việc thu hút chuyên gia đầu ngành là rất khó. Tại vì những chuyên gia đầu ngành là những người đã có công việc ổn định ở những đơn vị khác. Cho nên việc thu hút chuyên gia đầu ngành là rất khó. Vì thế chúng tôi đề xuất thu hút chuyên gia đầu ngành theo cách chuyển giao công nghệ. Chúng ta có thời gian, chúng ta sẽ chuyển giao được”, bà Yến nói.
Bà Yến cũng cho biết thực trạng hiện nay là có lĩnh vực thiếu có lĩnh vực thừa. Hiện nay, lĩnh vực bác tâm thần, bác sĩ pháp y hoặc một số chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh thì chúng tôi rất là thiếu…”Và một thực trạng đáng buồn là tỷ lệ bỏ việc và chuyển việc ở tuyến quận (huyện), xã (phường) là rất lớn. Điều đó cho thấy môi trường làm việc là một điều rất quan trọng. Minh chứng rõ là khi chúng ta thực hiện quyết định 25 của UBND TP thu hút bác sĩ về xã (phường), từ khi thực hiện chúng tôi không thu hút được ai mà chuyển từ đơn vị này qua đơn vị khác. Chính vì điều đó, chúng tôi nghĩ đối với chính sách thu hút, chúng ta phải sử dụng giá trị đơn vị như một chính sách thu hút. Trong việc thu hút đối tượng đi học ở nước ngoài, với bằng cấp của chúng ta một số nước không công nhân, đặc biệt chuyên môn. Thế thì tại sao chúng ta phải công nhận bằng của một số nước. Một số em khi học nước ngoài về gần không phù hợp với ngành y tế trong nước. Vì thế, chúng ta nên xem xét lại bằng cấp một số nước mà chúng ta sẽ thu hút (chứ không phải tất cả các nước)”, bà Yến cho biết thêm.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Trần Thọ, bí thư thành ủy Đà Nẵng cho biết, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố trong thời gian qua là chính sách hoàn toàn đúng đắn. Hầu hết các đối tượng thuộc diện thu hút và đào tạo, khi sử dụng đều đạt yêu cầu. Chính các em đó trong thời gian qua cùng với các cơ quan, đơn vị đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Vì thế, sắp đến chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương này… Giữa thu hút và đạo trên cơ sở và nhu cầu, vị trí công việc mà ưu tiên chú trọng trước hết là thu hút. Tiếp đến là đào tạo nhưng là đào tạo phải có trọng tâm. Trong đào tạo, tăng khối sự nghiệp, ưu tiên cho y tế, ngành dịch vụ; giảm khối hành chính. Cơ cấu giới tính phải đảm bảo cơ cấu nam – nữ hợp lý. Khi sử dụng, phải bố trí vị trí phù hợp chuyên môn. Nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký kết.
“Vừa rồi có 5% đã vi phạm hợp đồng. Đây là con số không nhiều nhưng có cũng cảnh báo nếu chúng ta không có biện pháp chặt chẽ. Theo quy định trước đây, khi vi phạm hợp đồng thì xử phạt gấp 5 lần nhưng từ hội nghị này, thống nhất xử phạt 1 lần thôi (tức là hoàn trả số tiền thành phố đã cấp cho đối tượng đó đi học)”, ông Thọ nói.
Cũng theo ông Thọ, từ nay trở đi, học sinh cấp 3 thi đại học đỗ thủ khoa, học sinh đạt giải quốc tế, giải quốc gia sẽ được cấp học bổng cho đi học…
Khánh Hồng