Cựu chiến binh chiến trường B4 - B5 gặp mặt nhân dịp 40 năm giải phóng Trị - Thiên

(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn, tập đoàn phòng ngự của địch ở cố đô đã bị tiêu diệt. Cùng với chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã góp phần quan trọng làm suy yếu tình hình địch, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cựu chiến binh chiến trường B4 - B5 gặp mặt nhân dịp 40 năm giải phóng Trị - Thiên

Niềm vui của những cựu chiến binh khi gặp lại Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - nguyên lãnh đạo chiến trường Trị - Thiên.

Sáng ngày 15/3, tại Trung tâm VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, 700 chiến sỹ thuộc các đơn vị mặt trận Trị - Thiên (B4 – B5) năm xưa đã cùng nhau ôn lại cuộc chiến đấu giải phóng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế ( ngày 19 và 26/3/1975). Tham dự lễ gặp mặt có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên lãnh đạo chiến trương Trị - Thiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đại diện các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng LLVTND; Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu 4, Quân đoàn 2…

Tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Võ Văn Chót – nguyên Phó tư lệnh Quân khu 4 đã tóm tắt khát quát cuộc chiến đấu giải phóng Trị - Thiên của quân và dân ta: Ngày 30/9/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp đánh giá tình hình, thông qua kế hoạch chiến lược với quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 – 1976. Từ quyết tâm chiến lược, Bộ Chính trị xác định năm 1975 hướng chiến lược là Tây Nguyên, trọng điểm là Nam Tây Nguyên; Miền Đông Nam bộ là hướng quyết định cuối cùng; chiến trường Trị Thiên là hướng phối hợp chiến trường, trọng tâm là góp phần nghi binh chiến lược.

Các đại biểu, tướng lĩnh tại buổi gặp mặt.

Các đại biểu, tướng lĩnh tại buổi gặp mặt.

Từ ngày 5/3/1975, các lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên đã cùng các Sư đoàn 324, 325 Quân đoàn 2 mở đợt hoạt động tấn công uy hiếp địch trên các hướng nhằm phối hợp các chiến trường toàn miền, phối hợp với hướng chính Tây Nguyên, thực hiện ý định nghi binh chiến lược của Bộ Tổng tư lệnh. Các lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt tiến công quân địch hầu khắp vùng đồng bằng và cả những nơi hậu cứ của địch.

Đến giữa tháng 3/1975, Trị Thiên đã thực hiện đúng vai trò phối hợp chiến trường, nhất là phối hợp chiến trường chính Tây Nguyên, thực hành đòn nghi binh chiến lược thành công, tạo ra thế và lực mới trong chiến dịch, góp phần cho Tây Nguyên mở màn bằng trận Buôn Ma Thuột quyết chiến chiến lược, làm thay đổi nhanh chóng cục diện chiến trường.

Các đại biểu, tướng lĩnh tại buổi gặp mặt.
Thiếu tướng Võ Văn Chót - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4 ôn lại lịch sử cuộc chiến đấu giải phóng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.

Thực hiện đòn tiến công chiến lược gối đầu Huế - Đà Nẵng, ngay từ ngày 17/3/1975 trong lúc địch đang hoang mang buộc phải thay quân, Bộ tư lệnh Quân khu Trị - Thiên đã nhanh chóng lệnh cho các lực lượng của ta trên hướng Bắc thực hành tiến công địch trên toàn tuyến. Ngày 19/3, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn Quảng Trị.

Mất Quảng Trị, ngày 20/3/1975, địch tập trung cố thủ Huế. Sau 2 ngày chiến đấu, ngày 21/3/1975 quân ta chiếm được tuyến quốc lộ 1, cắt đứt hẳn đường bộ duy nhất về Đà Nẵng. Phán đoán địch có thể rút bỏ Huế, đưa Sư đoàn 1 bộ binh của chúng vào Đà Nẵng tổ chức phòng thủ từ đèo Hải Vân trở vào, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ thị và chỉ đạo cụ thể cho cho Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 phải nhanh chóng táo bạo đưa lực lượng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài, khẩn trương kiên quyết tiến hành chia cắt chiến lược, cắt đứt đường số 1, áp sát bao vây thành phố Huế nhằm mục tiêu trước mắt là tiêu diệt Sư đoàn 1 bộ binh Quân đội Sài Gòn không cho chúng rút về Đà Nẵng.

Các cựu chiến binh tham gia giải phóng Trị - Thiên 40 năm trước tại buổi gặp mặt.
Các cựu chiến binh tham gia giải phóng Trị - Thiên 40 năm trước tại buổi gặp mặt.
Các cựu chiến binh tham gia giải phóng Trị - Thiên 40 năm trước tại buổi gặp mặt.
Các cựu chiến binh tham gia giải phóng Trị - Thiên 40 năm trước tại buổi gặp mặt.

Ngày 21/3/1975, các lực lượng của ta từ 3 hướng Bắc, Tây, Nam đồng loạt tiến công vượt qua tuyến phòng thủ của địch, hình thành nhiều mũi bao vây Huế. Ngày 22/3/1975, quân ta bắt đầu tiến công Huế. Ngày 24/3/1975, các cánh quân của Quân đoàn 2, Quân khu Trị - Thiên đã vây chặt toàn bộ quân địch ở khu vực Huế, rạng sáng ngày 25/3/1975 bắt đầu tiến về Huế.

Được sự phối hợp của LLVT và quần chúng nhân dân thành phố nổi dậy, đúng 13h ngày 25/3/1975, tiểu đội phó trinh sát Nguyễn Văn Phương đã cắm là cờ chiến thắng trên nóc nhà bến Phu Văn Lâu.

Lực lượng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) cùng xe tăng nhanh chóng chiếm lĩnh Sở chỉ huy Quân đoàn 1 Quân đội Sài Gòn tại đồn Mang Cá, kịp thời giải phóng 2.000 tù chính trị ở nhà lao Thừa Phủ. Cùng thời điểm trên, hướng Bắc lực lượng các đơn vị thuộc Quân khu Trị - Thiên dũng mãnh tràn vào đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố. Đến 16h ngày 25/3/1975, TP Huế được hoàn toàn giải phóng.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng là
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng là lãnh đạo chiến trường Trị - Thiên Huế: "Cần phải đánh giá đúng tầm quan trọng của chiến thằng Trị - Thiên đối với cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước".

Sau 4 ngày chiến đấu, đến ngày 26/3/1975 quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn phòng ngự của địch ở Thừa Thiên Huế, thừa thắng vào tham gia giải phóng Đà Nẵng. Cùng với chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị - Thiên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã góp phần tiêu diệt và làm tan rã trên 35% lực lượng địch. Lần đầu tiên loại bỏ khỏi vòng chiến đấu hai quân đoàn địch, tiêu diệt tới 40% các binh chủng kỹ thuật.

Bên cạnh đề cao sự chỉ đạo trực tiếp kịp thời, đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính Trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Thiếu tướng Võ Văn Chót bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đồng bào, chiến sỹ Trị - Thiên Huế đã kề vai sát cánh cùng lực lượng chủ lực Quân đoàn 2 – con đẻ của mặt trận Trị - Thiên đã làm nên chiến thắng trọn vẹn. Tại buổi gặp mặt, các cựu chiến binh cũng bày tỏ lòng tri ân tới đồng bào, đồng chí Trị - Thiên và nhiều đồng đội đã ngã xuống trong chiến dịch giải phóng Trị - Thiên Huế cũng như giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975.

Trao kỷ niệm chương cho thân nhân 2 liệt sỹ hi sinh tại chiến trường Trị - Thiên.
Trao kỷ niệm chương cho thân nhân 2 liệt sỹ hi sinh tại chiến trường Trị - Thiên.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu – nguyên lãnh đạo chiến trường Trị Thiên đề nghị cần phải đánh giá đúng tầm quan trọng của chiến thắng Trị - Thiên đối với cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước. Nguyên Tổng Bí thư cũng mong muốn những người lính trở về từ chiến trận tiếp tục phát huy tinh thần, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ trong công cuộc xây dựng đất nước.

Tại buổi gặp mặt, Ban liên lạc cựu chiến binh chiến trường Trị - Thiên tại Quân khu 4 đã trao kỷ niệm chương cho đại diện thân nhân 2 liệt sỹ ngã xuống trong cuộc đấu tranh giải phóng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Nhân dịp này, 3 cá nhân cũng được nhận kỷ niệm chương của Ban liên lạc cựu chiến binh chiến trường Trị - Thiên do có nhiều thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Hoàng Lam