Đồng Tháp:

Cuộc đời cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc những ngày ở Đồng Tháp

(Dân trí) - Trong những ngày người dân cả nước mừng kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác, tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP. Cao Lãnh) hàng ngày có hàng trăm người dân từ khắp nơi đến kính viếng, bày tỏ lòng biết ơn khi Cụ Sắc đã sinh cho đất nước một vị lãnh tụ vĩ đại.

Tấm lòng người xưa

Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - sau khi từ quan đã về Cao Lãnh (Đồng Tháp ngày nay) vào năm 1917. Khi Cụ Sắc đặt chân đến Cao Lãnh, được ông Trần Bá Lê – một thương gia sẵn lòng cất cho cụ một căn nhà ngay trong khu vườn của mình. Trong thời gian ở đây, cụ Sắc dạy học và kê thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng. Tại căn nhà này, các nhà nho yêu nước thời đó như Võ Hoành, cụ Lê Chánh Đáng, cụ Nguyễn Quang Diêu… thường xuyên họp bàn việc nước với cụ Sắc.

Theo tài liệu ghi lại, ông Trần Bá Lê là người tạo điều kiện và giúp cụ Sắc rất nhiều khi cụ Sắc ở Cao Lãnh. Ông Lê từng bỏ tiền đóng ghe tàu đi HongKong, Thái Lan kinh doanh, dành tiền đóng góp cho phong trào yêu nước thời đó. 

Cuộc đời cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc những ngày ở Đồng Tháp

Ở Cao Lãnh được 2 năm, cụ Sắc rời đi các tỉnh khác hoạt động. Đến năm 1927, tức 10 năm sau, Cụ trở lại Cao Lãnh lần thứ 2 và quyết định gắn bó với mảnh đất này đến cuối đời. Cũng thời điểm này, lãnh đạo tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội đã bố trí Cụ Sắc đến ở nhà ông Lê Văn Giáo – tại làng Hòa An (nay là xã Hòa An, TP. Cao Lãnh).

Sinh thời ông Văn Giáo làm nghề chèo ghe mướn, góa vợ, một mình nuôi con nên cuộc sống cũng khó khăn nhưng vì cảm phục đức độ cụ Phó Bảng, gia đình ông Giáo vẫn sẵn lòng cho cụ Sắc vào nhà ở. Từ ngày cụ Sắc về ở, nhà ông Giáo trở thành nơi hội tụ những nhà nho yêu nước lúc bây giờ. Những lúc như vậy, ông Giáo thường ra ngoài sân đan thúng nhằm canh chừng tai mắt của bọn giặc Pháp dòm ngó.

Trong thời gian ở đây, hàng ngày Cụ Sắc đi bộ ra tiệm thuốc Hằng An Đường ở chợ Cao Lãnh để xem mạch, kê toa trị bệnh cho bà con ở địa phương đồng thời tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước cho nhân dân. Cụ Sắc ở nhà ông Giáo chỉ được 2 năm, do bệnh già, sức yếu nên Cụ Sắc đã qua đời vào rạng sáng ngày 27/10 năm 1929, hưởng thọ 67 tuổi. Khi Cụ Sắc mất, gia đình ông Giáo cũng như bà con Hòa An vô cùng thương tiếc.

Cảm phục trước tấm lòng yêu nước, thương dân của Cụ Sắc, người dân địa phương lúc bấy giờ đa phần “nghèo rớt mồng tơi” vẫn chung tay lo an táng cụ như cho chính người thân của mình tại miếu Trời Sanh (cạnh chùa Hòa Long hiện nay).

Cuộc đời cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc những ngày ở Đồng Tháp

Anh Lê Thanh Sơn, con trai bà Trần Thị Ngọc Điệp (bà Điệp là cháu dâu của ông Năm Giáo) kể: “Khi có những đoàn khách, nhà báo đến hỏi thăm về Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc khi sống ở đây, tôi nghe mẹ tôi kể lại rằng: Sau khi cụ Phó Bảng mất, con gái cụ là cô Thanh đã vào đây, ở lại gia đình ông cố tôi mấy ngày, tổ chức bữa cơm thân mật mời bà con đến cảm ơn vì đã chăm sóc chu toàn cho cụ Phó Bảng”.

… truyền đến con cháu ngày nay

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) mặc dù còn nhiều việc bề bộn khẩn cấp, nhưng để đáp ứng yêu cầu về tình cảm của người dân đối với Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) quyết định xây dựng Khu mộ Cụ Phó Bảng, ông Nguyễn Thành Mậu – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc Giải phóng Tỉnh làm Trưởng Ban xây dựng; kiến trúc sư Đinh Khắc Giao người Nam Đàn phụ trách việc thiết kế. Ngày 22/8/1975, ông Nguyễn Thế Hữu – Bí thư tỉnh ủy Sa Đéc chủ trì lễ khởi công xây dựng khu mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Trong suốt 17 tháng thi công, lúc nào cũng có từ 200 – 700 người dân ở các xã Hòa An, Tịnh Thới, Tân Thuận Đông, Mỹ Trà… các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, bộ đội… đến góp công xây dựng khu mộ. Đặc biệt, còn có những cụ già đã 60, 70 tuổi vẫn đến xin góp công sức xây dựng khu mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Cuộc đời cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc những ngày ở Đồng Tháp
 
Trong Khu di tích, Ban quản lý di tích dành hẳn một gian nhà trưng bày về cuộc đời, đặc biệt là thời gian Cụ ở Cao Lãnh.

Sau gần 2 năm thi công đến ngày 13/02/1977, Khu mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc được khánh thành. Trong ngày trọng đại này, đồng chí cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ cùng đại diện Đảng chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long cùng đến tham dự.

Ngày nay sau nhiều lần tôn tạo, khu phần mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, tọa lạc tại số 123/1, đường Phạm Hữu Lầu, thuộc phường 4, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trên khuôn viên rộng 10ha; nhiều công trình vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại đã được xây dựng. 

Cuộc đời cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc những ngày ở Đồng Tháp
Nhân ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều người dân ở khắp các tỉnh thành đến kính viếng mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc

Trao đổi với PV Dân trí, bà Đặng Thị Mai Yên – Phó Giám đốc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc chia sẻ: “Khu di tích Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc được khang trang như ngày hôm nay là được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng từ Trung ương đến địa phương. Sự quan tâm đặc biệt này, một mặt bày tỏ tấm lòng của Đảng và Nhà nước đối với Cụ Phó Bảng, mặt khác cũng đáp ứng đúng nguyện vọng lòng kính trọng của nhân dân Đồng Tháp nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ngày nay, nhân dân Đồng Tháp vẫn tiếp nối truyền thống yêu nước, tiếp tục bày tỏ lòng kính yêu đối với Cụ Phó Bảng và Bác Hồ qua những đóng góp thiết thực. Đối với những gia đình có mối quan hệ mật thiết với cụ Phó Bảng, bà con sẵn sàng tặng lại các hiện vật, tư liệu liên quan đến cụ Sắc… Đặc biệt trong thời gian tôn tạo Khu di tích, nhiều cá nhân, đơn vị, gia đình hiến tặng nhiều cây kiểng quý.

Những ngày lễ lớn, lượng học sinh, sinh viên đến viếng mộ Cụ Phó Bảng rất đông.
Những ngày lễ lớn, lượng học sinh, sinh viên đến viếng mộ Cụ Phó Bảng rất đông.

Cũng theo bà Mai Yên cho biết, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 16 – 19/5, Khu di tích mở cửa từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm phục vụ khách tham quan và viếng mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ngoài ra, hàng ngày tại Khu di tích còn có các hoạt động vui chơi giải trí như: đấu võ thuật, tổ chức khu ẩm thực tại Làng Hòa An xưa (phục dựng trong khu di tích), chương trình biểu diễn văn nghệ chào mừng sinh nhật Bác... Theo ghi nhận của Ban quản lý di tích, từ ngày 16/5 đến nay, lượng khách đến viếng mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc tăng khoảng 30%, trong đó có nhiều đoàn khách từ Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh nhưng chiếm đa số là người dân địa phương và học sinh, sinh viên đang theo học tại Đồng Tháp đến viếng mộ Cụ Phó Bảng.

Nguyễn Hành