Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản
Tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 19/3 đã rời Tokyo, đến thăm Osaka, Trung tâm công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, nhằm thúc đẩy quan hệ giữa các địa phương hai nước, lắng nghe và đối thoại với các doanh nghiệp.
Ngay sau khi có mặt tại Osaka, Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam đã tọa đàm với đại diện Liên đoàn kinh tế vùng Kansai và lãnh đạo kinh tế vùng Kansai.
Trong không khí thân mật cởi mở, lãnh đạo các phòng thương mại, doanh nghiệp vùng Kansai đã kiến nghị Chủ tịch nước cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam những cơ chế phối hợp hai bên để mở rộng hợp tác kinh tế thương mại.
Theo các đại biểu, triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển địa điểm đầu tư từ các nước trong khu vực Đông Á đến Việt Nam. Qua khảo sát, số công ty muốn trực tiếp đến Việt Nam kinh doanh, sản xuất ngày một tăng.
Tuy nhiên, theo các đại diện từ phía doanh nghiệp Nhật Bản, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn một số trở ngại như chất lượng nguồn nhân lực, cung ứng điện hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, điều kiện sinh hoạt của chuyên gia Nhật sang Việt Nam. Các doanh nghiệp đề nghị Việt Nam sớm tăng chuyến bay từ Hà Nội đến Osaka hàng tuần, có chính sách để mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông quan.
Hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức này với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka trong những năm qua, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam đang tham gia tích cực vào quá trình hợp tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản, ASEAN+3, Hiệp định đối tác toàn kiện khu vực, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan… và đặc biệt là việc đàm phán Hiệp định TPP.
Với vị thế địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, cơ cấu kinh tế Việt Nam và Nhật Bản có thể bổ sung lợi thế cho nhau. Các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam không chỉ tiếp cận với thị trường Việt Nam, mà thông qua đó để tiếp cận và mở rộng ảnh hưởng với thị trường các quốc gia khác.
Nhấn mạnh Nhà nước Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, bảo đảm một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi, Chủ tịch nêu rõ các doanh nghiệp cả Nhà nước và tư nhân ở Việt Nam đều mong muốn có đối tác chiến lược từ cộng đồng kinh doanh Nhật Bản nói chung và vùng Kansai nói riêng.
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tổ chức ngay sau đó tại thành phố Osaka, Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 - 2020 với trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Để tiến hành công nghiệp hóa thành công, một trong những nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với Việt Nam là phát triển mạnh nền công nghiệp hỗ trợ để gia tăng giá trị trong nước của sản phẩm. Việt Nam mong muốn Nhật Bản tăng cường hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ; đồng thời đánh giá cao tri thức và kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Nhật Bản đối với phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Chủ tịch cho rằng việc thu hút được các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp của hai nước.
Tại Osaka, Chủ tịch nước đã tiếp ngài Teichi Nishimura, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt Kansai, và lãnh đạo 7 Hội Hữu nghị Nhật - Việt từ Osaka, Kyoto, Kobe, Sakai, Hiroshima. Trao Huân chương Hữu nghị cho các cá nhân đã có nhiều đóng góp cho việc tăng cường tin cậy về chính trị, thắt chặt tình hữu nghị và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, Chủ tịch nước bày tỏ cùng với tăng cường quan hệ giữa hai Chính phủ, Việt Nam coi trọng việc mở rộng giao lưu hợp tác giữa các địa phương hai nước, xem đây là một bộ phận quan trọng của mối quan hệ Việt - Nhật.
Chủ tịch tin tưởng lãnh đạo các Hội Hữu nghị sẽ tiếp tục lãnh đạo Hội hoạt động tích cực hơn nữa để tăng cường quan hệ giữa hai nước nhất là trong việc mở rộng giao lưu nhân dân, đào tạo nhân lực và kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.
Trong thời gian ở Osaka, Chủ tịch nước đã gặp Phó Thống đốc Kyoto và chứng kiến Lễ kí văn bản hợp tác Kyoto - Huế; gặp Thống đốc Osaka, Thị trưởng Kansai; tiếp thân mật Thống đốc Hyogo, Thị trưởng Kobe. Tại các cuộc gặp, Chủ tịch vui mừng được biết thời gian qua quan hệ hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương khu vực Kansai đang phát triển rất tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp tỉnh Osaka nói riêng và của Kansai nói chung đang được triển khai thành công tại Việt Nam, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết giữa Việt Nam với tỉnh Osaka nói riêng, giữa Việt Nam với Nhật Bản nói chung.
Chủ tịch nhấn mạnh Nhà nước và các địa phương Việt Nam hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Osaka cũng như các tỉnh, thành khác của khu vực Kansai tiếp tục mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác nhiều mặt và cùng có lợi với Việt Nam. Chủ tịch cảm ơn chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Osaka cũng như các địa phương khu vực Kansai đã quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, tu nghiệp tại tỉnh.
Chủ tịch đề nghị lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành phố vùng Kansai tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa khu Kansai với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực.
Trước đó, cùng ngày, tại Tokyo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Đoàn Xuân Hưng cùng đại diện cộng đồng người Việt đang sinh sống, công tác tại Nhật Bản đã báo cáo Chủ tịch nước kết quả công tác của cán bộ nhân viên của sứ quán. Đại sứ khẳng định cán bộ nhân viên sứ quán đã nỗ lực hết mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ.
Nhiều tổ chức hội đoàn của bà con Việt kiều được thành lập đã góp phần tương trợ lẫn nhau trong công việc, cuộc sống. Tại cuộc gặp, đại diện cộng đồng người Việt kiến nghị với Chủ tịch những cách làm hay của Nhật Bản về đào tạo nhân lực, đổi mới kinh tế, cải cách hành chính để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm; bày tỏ mong muốn tiếp tục lao động và học tập tốt, đem hiểu biết phụng sự cho sự nghiệp đổi mới của đất nước; xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao hoạt động của cán bộ nhân viên sứ quán, bà con kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản trong những năm qua. Chủ tịch cho biết mục đích chuyến thăm nhằm đánh giá lại quan hệ của Việt Nam - Nhật Bản trong hơn 40 năm qua, khẳng định sự tin cậy chính trị cao của lãnh đạo hai nước. Trên cơ sở đó, hai nước đã nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược sâu rộng, vì hòa bình và phồn vinh của châu Á.
Chủ tịch đề nghị mỗi cấp ngành cá nhân, đoàn thể cần suy nghĩ để hiện thực hóa những thỏa thuận cam kết, đóng góp cho không chỉ quan hệ hai nước mà cả sự hòa bình, phồn vinh của khu vực. Giải đáp những ý kiến đề xuất của bà con kiều bào, Chủ tịch nước nhấn mạnh hơn lúc nào hết xu thế hợp tác hòa bình đang là hướng chủ đạo. Đất nước mong muốn bà con tiếp tục phấn đấu, hòa nhập với cộng đồng sở tại, làm cầu nối giao lưu, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới.
Tối 19/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ rời Osaka về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản.
Theo tintuconline.vn